“Bẹp ruột” xin ấn đền Trần

Mặc dù lực lượng bảo vệ lễ hội được tăng cường tới khoảng 2.000 người, bố trí thành nhiều vòng, chốt chặn, nhưng rút cuộc, với hàng vạn khách đến dự lễ hội, màn xin ấn tại đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định) vào đêm 27, rạng sáng 28.2 (tức đêm 14, rạng rằm tháng giêng) vẫn diễn ra cực kỳ hỗn loạn.

Theo ban tổ chức, khoảng 60 ca bị ngất, phải cấp cứu. Hỗn loạn Đúng 22h, lễ khai ấn được bắt đầu với màn rước ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. 23 giờ, 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng tiến hành tế lễ khai ấn trong cung Thiên Trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp đóng ấn. Dưới thời Trần, khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của triều đình sau thời gian nghỉ tết. Ngày nay, người dân đến dự lễ khai ấn còn để xin ấn, cầu cho một năm “tấn tài, tấn lộc”. Tương truyền, ai có được ấn vua ban sẽ hanh thông trên con đường hoạn lộ... Mặc dù Ban tổ chức thông báo đến 23h30 mới tổ chức phát ấn cho khách, nhưng trước đó hơn một giờ, nhiều người, trong đó có cả lực lượng bảo vệ đã giữ chỗ tại điểm phát ấn đền Cố Trạch. Càng gần đến thời gian phát ấn, không khí càng “nóng”. Mặc dù người phía trong liên tục kêu “chưa phát”, những người phía ngoài vẫn không ngừng dồn ép. Gương mặt ai cũng căng thẳng; mồ hôi túa ra, ướt đầm hết áo. Họ tính toán có khoảng 10 phút “lợi thế” để mua ấn (mỗi ấn 20.000 đồng) trước khi những người không có thẻ được phép vào dự lễ phát ấn. Những người không có thẻ đã phải chầu chực hàng tiếng đồng hồ ở ngoài đường trong lúc tiến hành các nghi lễ. Tuy nhiên, khi chưa phát ấn, mặc cho những nỗ lực của lực lượng bảo vệ, khách không thẻ đã vượt qua hàng rào và lực lượng bảo vệ trước giờ cho phép khoảng 15 phút, ầm ầm tràn vào trong các khu vực phát ấn, tạo ra khung cảnh cực kỳ hỗn loạn. Hùng hổ nhất là những thanh niên khỏe mạnh, họ không ngừng xô đẩy để được đến gần chỗ cửa phát, rồi... đu lên cả trên đầu những người đã đứng trước. Không loại trừ những kẻ trộm cũng trà trộn vào thừa “nước đục thả câu”. Tiếng la hét, văng tục, kêu gào... lẫn lộn khiến khung cảnh thật bát nháo. Một bác bảo vệ không chịu nổi “nhiệt” đã phải đào thoát theo “đường hàng không” (chuyển qua đầu những người đang không ngừng dồn đẩy đằng sau). Một số người bị đám đông hỗn loạn xô ngã, đạp lên người. Quần áo xô lệch, anh Nguyễn Văn Thắng, một khách từ Thái Bình có thẻ mời, bàng hoàng: “Thoát ra đến ngoài đường tôi mới tin mình... còn sống. Chân tay bủn rủn, người đau ê ẩm”. Sau khi “cố thủ” đến hơn 1 giờ đồng hồ, chống lại mọi o ép, hai cái ấn mới đến được tay anh. Anh tìm đường ra nhưng dòng người cuồn cuộn tràn vào khiến anh phải dùng hết sức lực chống đỡ, nhưng vẫn bị vùi dập một hồi mới thoát ra được. Một số thanh niên cao, to khỏe được người dân thuê xin ấn để bán lại lấy lời. Tại một quán nước, một thanh niên hả hê khoe: “Em mua được...10 cái ấn. Em chấp họ xếp chỗ trước, em vào sau, “hất tung” họ lên, chẳng ai cản nổi”. Anh thanh niên này được trả 500 nghìn cho 10 cái ấn “giật” được. Nhiều người không chen chân được đã trở thành nạn nhân của những kẻ bán ấn giả với giá 30.000đ/chiếc, được “tiếp thị” đầy rẫy tận nơi trong khuôn viên đền. Chụp giật Với cái lý “cả năm mới có một ngày”, các cửa hàng bán đồ ăn “chém” khách không thương tiếc. Bát mì tôm cùng một quả trứng, hay chai nước suối được “hét” 15.000 đồng. 5.000 đồng/một miếng dứa hay một cốc nước vối. Ban ngày, khách gửi xe còn được “nhân nhượng” với giá 5.000đ/chiếc xe máy, thì buổi tối bị “xin đẹp” với giá 10.000 đồng/chiếc. Giá gửi xe ôtô còn chót vót hơn, có chỗ lên tới hàng trăm nghìn đồng/chiếc. Giới ăn xin cũng tụ hội về đây để “làm việc”. Ban ngày, đội ngũ xe ôm tăng đột biến cũng được một ngày kiếm chác. Có đến hàng trăm xe ôm quần tụ tại đây, giành giật khách. Do nhiều xe ôm nên nhiều người đã “phá giá”, chở từ bãi gửi xe đến gần cổng đền (chưa đến 1km) hết 5.000 đồng/người; 10.000 đồng/2 người. Khách bị cấm mang xe máy vào đoạn đường trong, nhưng giới xe ôm vẫn kẹp hai, kẹp ba, chạy vè vè trước mặt lực lượng bảo vệ... Nhiều xe ôm kiếm vài trăm ngàn trong một buổi sáng là chuyện... thường. Dĩ nhiên đây cũng là cơ hội của bọn đạo chích. Nhiều chị em vào lễ trong đền đã bị bọn trộm rạch tan nát cả túi mặc dù đã để sát bên người, mất cả tiền mặt, điện thoại, thẻ ATM cùng giấy tờ quan trọng. Khai lễ hội phát lương Đức thánh Trần: Đông đúc và lộn xộn Đêm 27.2 (tức 14 tháng giêng), Lễ phát lương Đức thánh Trần được tổ chức lần đầu tiên trên quy mô lớn tại đền Trần Thương - xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Mặc dù đến đêm buổi lễ mới bắt đầu, nhưng từ đầu giờ chiều 27.2, khu đền Trần Thương đã có rất nhiều người tập trung tại cổng đền để chứng kiến buổi lễ. Đến khoảng 20h, lượng khách thập phương và người dân địa phương đổ về đã lên tới hàng vạn người. Và cũng bắt đầu từ đây, cảnh xô đẩy diễn ra với hình ảnh nhốn nháo. Có rất nhiều đại biểu mời, PV tác nghiệp cũng rơi vào cảnh không có chỗ đứng vì bị đám đông chen lấn xô đẩy. Buổi rước kiệu cùng các túi lương và nghi lễ diễn ra rất chật vật khi đám đông người dân vây kín. Lực lượng an ninh, bảo vệ đã được huy động tối đa, nhưng cũng không thể giải quyết triệt để tình trạng này.Lương Kết Lễ hội chùa Bà Bình Dương: Giá cả... trên trời Vào đêm 14 đến rạng sáng 15 rằm tháng giêng (đêm 27 đến sáng 28.2), hàng ngàn người từ TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An… đã đổ về viếng chùa Bà ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Công việc tổ chức cho người dân đi lễ chùa năm nay được làm tốt hơn, tuy nhiên về giá các loại “dịch vụ” ăn theo lễ hội không được quản lý tốt, nên các dịch vụ ăn theo ra sức "chặt chém" khách về viếng lễ hội. Giá giữ xe gắn máy 10.000-15.000 đồng/chiếc, càng về khuya thì giá giữ xe đội lên có nơi lấy đến 20.000 đồng/chiếc. Ôtô 4 chỗ thì 20.000-25.000 đồng/chiếc. Các loại dịch vụ như hương, hoa, trái cây, đèn cầy, cây xanh… đều được bán với mức trên trời. Chiều 28.2, Lực lượng chức năng Bình Dương đã bắt giữ 10 đối tượng móc túi trong lễ hội. Phùng Bắc

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/bep-ruot-xin-an-den-tran/20103/175655.laodong