Bêu gương!

(Nhân đọc tin “Thanh tra giao thông vi phạm luật giao thông”, Pháp Luật TP.HCM ngày 15-4)

Mấy ngày nay nhiều báo đưa tin một phó chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải bị bắt quả tang vi phạm luật giao thông. Với lỗi đỗ xe không đúng nơi quy định, vị này phân bua, đại ý đang đi công tác, chỉ tạm dừng một lát để ăn sáng. Ở một đô thị đất chật người đông như Hà Nội, loại vi phạm như trên vẫn xảy ra hằng ngày, phổ biến đến mức chẳng tờ báo nào muốn đưa tin cho chật đất mà lại không có người đọc. Song điều này chỉ đúng trong trường hợp người vi phạm là "phó thường dân" hoặc cán bộ tép riu nào đó. Ngược lại, sự kiện này không thể bỏ qua khi đối tượng vi phạm là một quan chức, đặc biệt là một phó chánh thanh tra ngành giao thông. Vì với cương vị này, không thể nói ông không biết luật, càng không thể nói ông được miễn trừ thực hiện pháp luật giao thông. Vậy sao ông không cố gắng thu xếp để không phải phạm luật, để mọi người có thể thấy rằng lời nói luôn đi đôi với việc làm? Thanh tra xây dựng lập biên bản xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông. (Ảnh minh họa): HTD Có những nghề luôn bị xã hội săm soi và những người đang hành nghề buộc phải phấn đấu không ngừng để tạo dựng được hình ảnh đẹp. Với các thầy cô giáo, số đông sẽ không chấp nhận những cá nhân giờ giấc lề mề, tác phong lôi thôi, thiếu tu dưỡng đạo đức. Với luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, công an, thanh tra viên…, số đông sẽ không chấp nhận những cá nhân ngang nhiên vi phạm pháp luật, “đi đêm”. Đối với người không có chức vụ, đòi hỏi này có thể là một. Nhưng đối với người có chức vụ, đòi hỏi này lại là 10. Dẫu biết không dễ đáp ứng nhưng một khi đã tự lựa chọn hoặc chấp nhận, người có hay không có “ghế” đều phải nỗ lực thực hiện chứ không thể khác hơn. Trong mức độ nào đó, các quan chức cũng là người của công chúng, tức được nhiều người quan tâm, có sức ảnh hưởng lan tỏa và sâu rộng, mạnh mẽ trong xã hội. Mỗi điều họ phát biểu hay mỗi điều họ làm trước bàn dân thiên hạ đều được ghi nhớ và bàn luận. Nếu cẩn trọng và biết giữ mình thì chưa chắc họ đã nhận được nhiều lời khen. Nhưng nếu làm ngược lại thì họ sẽ trở thành tâm điểm phê phán của dư luận. Một bài học kinh nghiệm sâu sắc cần rút ra từ vụ này: Nếu chưa thể làm gương trong mọi chuyện, các quan chức hãy cố gắng đừng để bị bêu gương ở những việc rất nhỏ mà họ có nghĩa vụ thi hành với tư cách công dân. LÊ NGUYÊN (Quận Bình Thạnh)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100417112221844p0c1027/beu-guong.htm