Bí ẩn dòng sông lớn bị mất sạch nước chỉ trong 4 ngày

Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, các nhà khoa học đã quan sát tận mắt hiện tượng kỳ lạ này.

Hiện tượng kỳ lạ này được gọi là sự cướp dòng, diễn ra khi dòng chảy của một con sông bị 'lấy' đi bởi một con sông khác.

Theo lẽ thường, hiện tượng này phải mất đến hàng ngàn năm để xảy ra, nhưng con sông Slims có nguồn nước từ con sông băng Kaskawulsh ở Canada, chỉ mất 4 ngày để trở nên khô cạn.

Nhà địa chất học Dan Shugar nghiên cứu tại trường Đại học Washington Tacoma cho biết: “Các nhà địa chất học đều được học qua về sự cướp dòng của các con sông, nhưng chưa ai trong chúng tôi từng được chứng kiến tật mắt chúng trong đời thật.

Dòng sông Slims ở Canada cạn khô nước do không nhận được nước từ thượng nguồn là sông băng Kaskawulsh. Ảnh: Dan Shugar.

Những sự cướp dòng khác được ghi nhận trong lịch sử địa chất, từng xảy ra vào hàng ngàn hoặc thậm chí là hàng triệu năm trước, chứ không phải trong thế kỷ 21, chứ nói gì là đã hiện hữu trước mắt chúng ta”.

Shugar và các nhà nghiên cứu khác đã đến sông Slims trong một chuyến khảo sát thực địa ở Yukon vào tháng 8 năm ngoái, nhưng khi họ đến, nước của con sông rộng khoảng 480 mét đã biến mất.

“Ở đây không hề có con sông nào cả, nó chỉ là một cái hố sâu. Tuy thế, thật nguy hiểm để bước đi xuống lòng sông dù không còn giọt nước nào, vì bạn sẽ bước vào những phần đất bùn rất sâu, chúng sẽ hút bạn vào và rất khó để kéo lên được”, Shugar cho biết.

Theo các trạm đo dọc con sông, mực nước đã giảm mạnh từ 26 đến 29.5.2016. Để kiểm tra xem nước của con sông đã đi đâu, nhóm nghiên cứu khảo sát khu vực này bằng máy bay và trực thăng không người lái. Phân tích dữ liệu thu thập được, hiện tượng cướp dòng chính là thủ phạm rõ ràng nhất.

Trong suốt thời gian từ 300 đến 500 năm qua, sông Slims luôn nhận được một lượng nước lớn từ những tảng băng tan ở thượng nguồn là con sông băng Kaskawulsh – con sông băng lớn nhất của Canada.

Nhưng với sự sụt giảm lượng băng trong những năm gần đây do quá trình biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, một thời kỳ nóng chảy dữ dội đã xảy ra. Nước nóng từ biển lấn sâu vào đất liền, tạo một dòng chảy mới từ thượng nguồn, khiến dòng nước từ lượng băng tan chảy chệch về hướng nam của sông Kaskawulsh.

Do biến đổi khí hậu trên toàn cầu, dòng chảy từ sông băng đã thay đổi, khiến hạ nguồn không nhận được một giọt nước nào và khiến cả vùng bị cạn khô. Ảnh: Dan Shugar.

Điều này có nghĩa là thay vì kết thúc ở biển Bering thông qua hồ Kluane, giờ đây nước chảy từ thượng nguồn về hướng đông nam và đổ ra Thái Bình Dương. Đây là một sự thay đổi lớn, hiện tượng cướp dòng xảy ra quá nhanh. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nhận thấy hiện tượng này là do con người gây ra thông qua quá trình biến đổi khí hậu.

“Đây là một hiện tượng riêng biệt chỉ diễn ra tại vùng này, nhưng nhìn rộng hơn cho thấy những thay đổi tiêu cực mà các con sông băng khác trên khắp thế giới đang phải gánh chịu, mà nguyên nhân là do sự biến đổi khí hậu”, John Clague, một thành viên của nhóm nghiên cứu, công tác tại Đại học Simon Fraser của Canada, cho biết.

Mặc dù các khu vực xung quanh sông Slims không phải là nơi cư trú của con người, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết sự thay đổi hướng đi của dòng chảy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái tự nhiên và sự quản lý cấp thoát nước trong khu vực.

Với vị trí đặc biệt của dòng sông băng Kaskawulsh, trước đây các nhà nghiên cứu nghĩ rằng hiện tượng cướp dòng sẽ không thể diễn ra tại đây. Nhưng cuối cùng nó cũng đã diễn ra và thậm chí chỉ trong một thời gian vô cùng ngắn.

Dù là gì đi nữa, thì hiện tượng này là một hồi chuông cảnh báo cho chúng ta, rằng sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu sẽ tạo ra những diễn biến khó đoán lên thế giới tự nhiên và chúng ta sẽ là người phải gánh chịu trong tương lai.

“Trong khi hầu hết các nhà nghiên cứu đều xem xét sự nguy hiểm của ấm lên toàn cầu quanh việc mực nước biển dâng, nhưng ít ai xem xét đến sự sụt giảm nghiêm trọng của những dòng sông băng”, Shugar cho biết thêm.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Geoscience.

Quang Niên (Science Alert)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/bi-an-dong-song-lon-bi-mat-sach-nuoc-chi-trong-4-ngay-c7a520154.html