Bí ẩn thông điệp của người H'Mông ở bãi đá cổ Sa Pa

Đến Sa Pa (Lào Cai) mà không dành một ngày lang thang bãi đá cổ khám phá thông điệp bí ẩn của người H'Mông thì coi như bức tranh đẹp thiếu một mảng màu huyền bí.

Từ truyền thuyết trên tầng mây...

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn còn nhiều lý giải khác nhau quanh những hình thù trên từng phiến đá cổ nổi tiếng ở Sa Pa, Lào Cai. Nhưng dù có lý giải bằng cách nào thì nơi đây vẫn nguyên vẹn một sức hút kỳ lạ với bao người. Đến Sa Pa mà không dành một ngày lang thang bãi đá cổ thì coi như bức tranh đẹp thiếu một mảng màu huyền bí.

Đã có nhiều lần lui tới khu vực bãi đá cổ này, nhưng lần nào tôi cũng chọn phương tiện là xe máy. Không chỉ bởi khoảng cách từ trung tâm thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến bãi đá cổ chỉ chừng hơn 10km, mà còn bởi con đường vắt ngang núi với một bên là thung lũng Mường Hoa trải dài đẹp như một bức tranh nghệ thuật.

Mỗi mùa một màu sắc riêng, Mường Hoa lưu luyến du khách tới đây bằng sự ngỡ ngàng như lạc vào một cõi thiên đường trên mặt đất. Dù là lần đầu ghé thăm hay là những lần quay lại thì cảm xúc có được luôn như mới.

Khách du lịch thích thú khi thung lũng Mường Hoa bồng bềnh mây phủ.

Sự hấp dẫn ấy ẩn náu trên khắp cung đường ngoằn ngoèo vắt vẻo men theo dòng suối Hoa chảy từ mạn Thác Bạc xuống có chiều dài hơn 15km. Con suối trong vắt gom hết cả những tinh túy của núi rừng về đây để làm nên sức sống bền bỉ từ lâu đời cho người dân các xã quanh vùng.

Ở miền núi cao này, người dân vẫn thói quen bám vào những dòng suối như thế để sinh sống bao đời. Ở đâu có suối là ở đó có sự sống, cảnh vật hồi sinh, con người phát triển. Suối Hoa như còn lấp lánh những giọt nước mắt thương nhớ của nàng tiên thứ bảy dành cho chàng trai tài giỏi dưới trần gian trong câu chuyện nhuốm màu huyền thoại mà người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau. Bởi đam mê tiếng sáo của chàng trai mà nàng tiên trốn vua cha xuống trần dạo chơi rồi bị phát hiện và bị cấm cửa. Nỗi nhớ biến thành những giọt nước mắt chảy dài từ Thác Bạc xa xa...

Dòng suối Hoa chảy dài qua địa phận nhiều xã góp phần mang lại cuộc sống no ấm cho người dân.

Đi sâu xuống mạn xã Tả Van, những thiếu nữ người H’Mông thong thả ngồi thêu áo váy bên vệ đường. Cuộc sống bao đời nay vẫn thanh bình như thế và họ kể cho con cháu mình nghe những câu chuyện cổ tích của xứ mình.

Chuyện rằng có một cuộc chiến tranh ở phương Bắc xa xôi vô cùng khốc liệt xảy ra giữa hai bộ tộc. Sau những cuộc chinh chiến nảy lửa thì phần thắng lại thuộc về tộc trưởng độc ác. Gã có tên quân sư gian manh với ý đồ chiếm đoạt người con gái duy nhất của mình. Tuy nhiên, cô gái xinh đẹp lại đem lòng yêu tha thiết chàng trai con người tộc trưởng thua trận.

Biết sức mình non trẻ không ngăn cản được cuộc chiến, chàng trai và cô gái cùng nhau bỏ trốn về phương Nam để bảo vệ hạnh phúc. Người tộc trưởng cho quân lính đuổi theo để bắt cô gái về. Không ngờ, tên quân sư gian manh, tà đạo đã ban ra một lời nguyền rằng, nếu đến suối Hoa mà thoát vào đêm thứ mười thì tộc trưởng thất bại, còn chưa qua được thì sẽ hóa thành đá. Bởi thế, khi dừng chân bên suối Hoa, cô gái không may sa chân xuống bãi lầy và không vượt qua được, còn chàng trai thì đã vượt qua.

Quá đau lòng, người con trai quay lại tìm cô gái, mệt quá gục xuống và hóa đá, đầu hướng về phương Bắc ngóng trông cô gái. Còn cô gái hóa đá, đầu vẫn hướng về phương Nam như cố chạy theo tình yêu của mình.

Ngày nay, khi đến bãi đá cổ, địa phận giáp ranh 2 xã Hầu Thào và Tả Van, người ta vẫn thấy 2 hòn đá nằm gần ven đường. Người dân nơi đây gọi là hòn Mẹ và hòn Bố, gần đó còn có một hòn nhỏ hơn được gọi là hòn Con. Người già trong vùng thì luôn khẳng định hòn Bố và hòn Mẹ vẫn không ngừng lần tìm đến nhau do khoảng cách giữa chúng ngày càng gần nhau hơn.

Nhiều người dân địa phương còn giữ quan niệm rằng, đó là biểu tượng cho một gia đình ấm cúng, hạnh phúc và no đủ. Như thế cũng có nghĩa là người dân nơi đây luôn đoàn kết một lòng, gắn bó với nhau và cùng làm nên sự sống và sự phát triển cho vùng đất này.

...Đến thông điệp bí ẩn

Đến với thung lũng Mường Hoa vào mùa nào cũng có điều hấp dẫn riêng. Lần ấy, chúng tôi tới đây khi những cánh đồng lúa còn chưa vào mùa gặt, xanh ngắt cùng màu xanh của núi rừng. Dọc đường đi, mây vẩn tầng tầng lớp lớp uốn éo, có lúc như sà đến sát mặt người. Cái cảm giác chạy xe máy xuyên qua những tầng mây lơ lửng, có lúc chui tọt trong lớp sương mù giăng kín trước mặt, lại có lúc ánh mặt trời xuyên qua, vén sương thành con đường trải đầy ánh nắng... thực sự rất khó để diễn tả bằng lời.

Khu vực bãi đá cổ thu hút nhiều bạn trẻ tới khám phá.

Gần 200 hòn đá phân tán dọc địa bàn 3 xã là Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van. Mỗi hòn đá có kích cỡ và những hình thù khác nhau. Trên mỗi phiến đá lại có những ký tự, những hình vẽ không dễ lý giải. Đó chính là sức hấp dẫn của vùng đất này. Cái khó lý giải và nhiều tranh cãi bao giờ cũng khơi dậy sự tò mò và khát khao khám phá trong mỗi người.

Bãi đá cổ đã có từ rất lâu đời và hiện hữu trong cuộc sống của người dân bản địa. Nhưng chỉ đến khi một nhà khảo cổ người Pháp “để ý” đến nó vào năm 1925, người ta mới bắt đầu nhìn nhận nó một cách khoa học nhất. Rất nhiều những nhà khoa học trong nước và thế giới đã cùng tề tựu về đây để lý giải những thông điệp bí ẩn. Thế nhưng cho đến nay, những thông điệp này vẫn còn nhiều điều khó lý giải.

Con đường vào bãi đá cổ Sa Pa đẹp như vào miền cổ tích khiến nhiều bạn trẻ lựa chọn xe máy làm phương tiện di chuyển.

Người dân địa phương nơi đây gọi khu bãi đá cổ là một “quyển sách” ghi lại đầy đủ về lịch sử gốc tích của mình, trong đó có cả những trận đánh năm xưa của hai bộ tộc. Đáng chú ý, trên những phiến đá lớn nhỏ có cả chạm khắc tinh xảo về hình ảnh ruộng bậc thang, nhà sàn, hình người, có những hình như mặt trời nhưng méo mó khác lạ, có hình như bát quái, âm dương, lại có những nét vẽ như ngôi sao, như bánh xe... tất cả đều gần gũi và gắn bó với đời sống của người dân tộc nơi đây.

Đáng ngạc nhiên hơn, ở nhiều phiến đá nằm giáp ranh giữa hai xã Hầu Thào và Lao Chải có những ký tự hay những nét vẽ không trùng lặp. Có nghĩa là chúng chỉ xuất hiện duy nhất một lần và không lặp lại lần thứ hai.

Điều đó càng cho họ niềm tin sắt đá về một lịch sử đáng tự hào của gốc tích tổ tiên để lại trên từng phiến đá là có thật. Họ còn cho rằng, nhiều những tục lệ ngày nay vẫn còn giữ lại, hay các nghi lễ cúng tế là hiện thân cho lời nguyền sau những phiến đá để lại. Mọi giả thuyết đều còn đang được để ngỏ, nhưng có điều chắc chắn rằng, con người đã tồn tại ở nơi đây từ khá sớm. Dẫu bao nắng mưa của thời gian, những nét vẽ ấy vẫn không hề bị phai nhạt. Đó cũng chính là một trong những điều hết sức kỳ lạ.

Nước chảy, đá mòn, thiên nhiên khắc nghiệt sẽ bào mờ bề ngoài và thường làm cho đá núi trơ bóng. Nhưng với những viên đá cổ ở đây thì lại hoàn toàn khác, dù lộ thiên nhưng chúng vẫn giữ nguyên những ký tự, những hình vẽ tinh xảo đáng ngạc nhiên.

Hầu hết các nhà khoa học đều đánh giá đây là một di sản lớn của loài người, không chỉ mang các giá trị về mặt mỹ thuật mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Tháng 10/1994, bãi đá cổ Sa Pa đã được bộ Văn hóa – Thông tin (nay là bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch – PV) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu quần thể bãi đá cổ này cũng đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ghi chép của Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bi-an-thong-diep-cua-nguoi-hmong-o-bai-da-co-sa-pa-a315332.html