Bí ẩn việc Singapore trả tàu lỗi về Trung Quốc

Dư luận đang rộ lên nhiều thông tin, Singapore trả hàng chục tàu điện ngầm “made in China” về nơi sản xuất vì lỗi.

Hàng loạt toa tàu được lưu ở một góc cảng của Singapore chuẩn bị chuyển về Trung Quốc qua đường biển

Dư luận Singapore đang rộ lên nhiều thông tin, Singapore âm thầm trả hàng chục tàu điện ngầm “made in China” về nơi sản xuất vì lỗi, một “cú giáng mạnh” vào giấc mơ xuất khẩu công nghệ đường sắt của Trung Quốc ra thế giới.

Lỗi vặt nhưng mất gần chục năm sửa chữa

Sự việc bùng phát từ ngày 5/7 khi một số báo trong và ngoài Singapore đưa tin, 26 đoàn tàu điện ngầm (mỗi đoàn 6 toa) đầu tiên do Công ty Locomotive and Rolling Stock Qingdao thuộc Tập đoàn Đường sắt Phía Nam Trung Quốc (CSR) bán cho Singapore bị đưa về nước. Báo điện tử FactWire (Hồng Kông) đã điều tra và theo dõi toàn bộ quá trình vận chuyển tàu từ Singapore về Trung Quốc.

Các đoàn tàu lỗi được chứa tại nhà kho Bishan của Cơ quan quản lý giao thông công cộng Singapore (SMRT). 1h sáng 12/6, PV FactWire chứng kiến hai toa tàu trong lớp bọc màu xanh được di chuyển ra khỏi nhà kho. Mỗi toa tàu dài hơn 20m. Các xe tải vận chuyển hai toa tàu được nhiều xe cảnh sát tháp tùng. Khoảng 3h sáng, hai toa tàu tới cảng Jurong - khu vực công nghiệp phía Tây Singapore. Bằng flycam, PV phát hiện, tại một góc của cảng này đã có sẵn 6 toa tàu tương tự. Một nguồn tin khác trong ngành Đường sắt Trung Quốc xác nhận, số toa tàu trên đã được đưa tới Thanh Đảo trong 10 ngày bằng đường biển.

Khi báo giới vào cuộc, Giám đốc SMRT Lee Ling Wee mới thông tin rõ: “Năm 2013, trong cuộc kiểm tra định kỳ, các kỹ sư phát hiện 26 trong số 35 đoàn tàu CRS giao cho Singapore xuất hiện nhiều vết nứt ở cấu trúc kết nối thân tàu với bogie (giá chuyển hướng)”. Thông báo giải đáp thắc mắc trên trang web của Chính phủ Singapore (www.gov.sg) cho biết, đó chỉ là mấy lỗi nứt dăm trên thân tàu hay những vết nứt nông (giống như vết nứt thường thấy ở các ngôi nhà mới xây), không phải nứt trong cấu trúc và không ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn.

Theo Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA), có 22 trong số 26 đoàn tàu bị trả về đã được đưa vào sử dụng. LTA nói thêm, số tàu bị lỗi được đưa dần về nhà sản xuất để sửa chữa từ tháng 7/2014, toàn bộ chi phí đều do nhà sản xuất chi trả. Đến nay, mới có 5 tàu được sửa chữa xong và đang sửa tàu thứ 6. “Chúng tôi không đưa toàn bộ tàu về Trung Quốc mà chuyển dần vì các tàu vẫn an toàn, có thể tiếp tục phục vụ hành khách; Đồng thời, chúng tôi không muốn gây gián đoạn, ảnh hưởng tới nhu cầu người sử dụng”, theo LTA. Như vậy, toàn bộ quá trình trả tàu từ Singapore về Trung Quốc để sửa chữa đã được âm thầm thực hiện trong suốt 2 năm nay và bây giờ mới vỡ lở.

Dù đảm bảo 26 đoàn tàu rất an toàn nhưng phải mất đến 7 năm nữa (tức đến năm 2023), toàn bộ số tàu mới được sửa chữa xong. “Toàn bộ đoàn tàu lỗi đều vẫn còn hạn bảo hành và sẽ được công ty sản xuất chịu trách nhiệm”, Giám đốc Lee cho hay. Đồng thời, giới chức Singapore đang hợp tác với nhà sản xuất để đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sớm nhất năm 2019 vì mỗi phần thân tàu thay thế phải mất 4 tháng và thay toàn bộ thân tàu là giải pháp duy nhất để sửa những vết nứt trên thân toa tàu cũ. Tờ Straits Times đánh giá, sự việc này sẽ làm chậm tiến độ nâng cao chất lượng dịch vụ và tiêu chuẩn tin cậy của đường sắt Singapore.

Cú giáng vào chất lượng tàu Trung Quốc

Trong khi thông tin của Chính phủ Singapore là tàu bị trả về vì gặp các vết nứt nhỏ. Nhưng, theo thông tin từ báo điện tử FactWire, tàu Trung Quốc gặp vấn đề từ năm 2011 vì chất lượng kém. Một số tàu trả về nơi sản xuất có cửa kính nhiều lần bị vỡ nứt. Năm 2011, một số pin cung cấp điện liên tục cho tàu do công ty Trung Quốc sản xuất đã bị nổ trong quá trình sửa chữa. Mặc dù vụ nổ đó không gây thương vong nhưng CSR phải thay toàn bộ pin mới do Đức sản xuất. Ngoài ra, FactWire cho biết, người ta cũng phát hiện các vết nứt bên trong cấu trúc tàu như ở khoang dưới sàn tàu - nơi chứa hộp thiết bị, dây điện, cũng như nứt ở nhiều phần liên kết thân tàu với bogie - đây là vấn đề nghiêm trọng nhất.

Trao đổi với FactWire, một quan chức đã nghỉ hưu của SMRT đánh giá: “Tôi chưa bao giờ đối mặt với tình huống như vậy trong suốt hàng chục năm làm việc trong ngành Đường sắt Singapore. Việc phải thay thế toàn bộ đoàn tàu thì có thể thấy vấn đề nghiêm trọng tới mức nào?”.

Dẫn nguồn tin từ CSR, FactWire cho biết, công ty này hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki (Singapore) để sản xuất thân toa tàu bằng nhôm còn công ty Trung Quốc chỉ lắp ráp các toa và hoàn thiện tàu. Về phía mình, Kawasaki Heavy Industries chưa bình luận. Sự việc này một lần nữa là cú giáng vào danh tiếng ngành Xuất khẩu công nghệ đường sắt của Trung Quốc.

Mới đây, Tập đoàn XpressWest của Mỹ được Chính phủ cấp phép xây dựng dự án đường sắt cao tốc Las Vegas - Los Angeles dài 370km với chi phí đầu tư ban đầu 100 triệu USD đã chấm dứt hợp tác với Tập đoàn Đường sắt quốc tế Trung Quốc (CRI) trong hợp đồng mua tàu với công ty này vì nguyên nhân “CRI khó có thể đáp ứng yêu cầu mà chính quyền đặt ra”, một phần bởi Chính phủ Mỹ không tin tưởng chất lượng tàu cao tốc do nước ngoài sản xuất. Sau những sự việc này, ước mơ xuất khẩu tàu Trung Quốc ra toàn thế giới có vẻ còn quá xa vời.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bi-an-viec-singapore-tra-tau-loi-ve-trung-quoc-d157875.html