Bị đe dọa, doanh nghiệp nên làm gì?

Vụ việc “con ruồi trong chai nước Number One” đang được xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Ở đây, chúng tôi không bàn đến khía cạnh pháp lý mà chỉ bàn đến cách ứng xử của doanh nghiệp khi có những sự việc tương tự.

Hôm nay Tòa án cấp cao tại TP HCM đưa ra xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của bị cáo Võ Văn Minh - bị TAND tỉnh Tiền Giang buộc tội cưỡng đoạt tài sản với mức án 7 năm tù liên quan chai nước ngọt Number One có ruồi của công ty Tân Hiệp Phát.

500 triệu đồng cho một chai nước

Có thể trình bày sơ lược vụ án như sau: Anh Võ Văn Minh - là người bán hàng (không phải khách mua, tiêu dùng sản phẩm), đã phát hiện trong lô hàng của mình có một sản phẩm là chai nước của Tân Hiệp Phát được cho là có lỗi, có con ruồi trong chai nước. Anh Minh nhiều lần đưa ra yêu cầu với Tân Hiệp Phát: Hoặc đưa tiền cho anh Minh để đổi lấy sự im lặng, hoặc anh Minh sẽ phát tán thông tin về chai nước có ruồi trên mạng, cho đăng trên báo, đài, in và phát tán 5.000 tờ rơi… nhằm làm Tân Hiệp Phát mất uy tín.

Tân Hiệp Phát tiếp nhận sự việc và kiểm tra về sản phẩm được cho là có ruồi trên. Tuy nhiên, anh Minh không đồng ý cho Tân Hiệp Phát tiếp nhận và kiểm tra chai nước được cho là có ruồi.

Anh Võ Văn Minh không khiếu nại về chất lượng sản phẩm, không yêu cầu đòi bồi thường, mà trước sau chỉ yêu cầu Tân Hiệp Phát trả tiền (500 triệu đồng) để đổi lấy chai nước, đổi lấy sự im lặng từ anh Minh. Nếu Tân Hiệp Phát không chấp nhận các yêu cầu, anh Minh sẽ làm cho Tân Hiệp Phát mất uy tín như đăng báo, đưa thông tin lên mạng xã hội, in tờ rơi để phát ...

Tân Hiệp Phát đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Công an đã bắt quả tang khi anh Minh đang nhận tiền từ Tân Hiệp Phát.

Con ruồi ở đâu ra?

Trong quá trình điều tra vụ án, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công An đã giám định chai nước được cho là có ruồi và đưa ra kết quả: Nắp chai nước bị biến dạng, có dấu vết trượt xước do công cụ sắc nhọn tạo ra; nắp chai nước đã bị mở ra và đóng lại.

Như vậy, vật thể được cho là con ruồi đã được đưa vào sản phẩm (chai nước) sau khi xuất xưởng.

Chai nước được cho là có ruồi trong vụ án anh Võ Văn Minh không phải là sản phẩm còn nguyên vẹn của Tân Hiệp Phát. Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng xác định chai nước này không phải là sản phẩm lỗi của Tân Hiệp Phát.

Lựa chọn của Tân Hiệp Phát đúng hay sai?

Trước những yêu cầu tương tự của khách hàng, một doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát sẽ có hai lựa chọn cơ bản:

Thứ nhất, lặng lẽ chấp nhận trả tiền để tránh rắc rối, cho dù chất lượng sản phẩm có do lỗi của mình hay không.

Cách làm này có thể giải quyết xong vụ việc trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ không bảo vệ được uy tín của Tân Hiệp Phát khi các sự việc tương tự phát sinh, sẽ tạo nên môi trường, văn hóa kinh doanh không lành mạnh, tạo ra tiền lệ “dùng tiền để đổi lấy sự im lặng” không chỉ với Tân Hiệp Phát và còn với những nhà sản xuất khác.

Thứ hai, không chấp nhận trả tiền, báo cáo cơ quan pháp luật để xử lý. Hoặc nếu không báo cơ quan pháp luật xử lý và Tân Hiệp Phát sẽ phải đối mặt với những nguy cơ bị thiệt hại về uy tín... khi những lời đe dọa được thực hiện trên thực tế.

Trên thực tế, Tân Hiệp Phát đã chọn giải pháp báo cơ quan chức năng khiến doanh nghiệp này đã phải đối mặt với các nghi vấn bất lợi: Tân Hiệp Phát chủ động gài bẫy anh Minh? Sản phẩm của Tân Hiệp Phát có ruồi? Các nghi vấn này dù chưa được làm rõ cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động của Tân Hiệp Phát, sụt giảm doanh thu, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Tân Hiệp Phát, ảnh hưởng đến lợi nhuận, thu nộp ngân sách, quyền lợi của người lao động...

Trong gần 2 tháng, anh Võ Văn Minh chỉ đưa ra yêu cầu buộc Tân Hiệp Phát phải đưa tiền, nếu không anh Minh sẽ làm Tân Hiệp Phát mất uy tín. Tân Hiệp Phát buộc phải đưa tiền khi đối mặt với những nguy cơ anh Minh đã đe dọa, Tân Hiệp Phát không chủ động đặt vấn đề đưa tiền với anh Mình, gài bẫy anh Minh.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của Tân Hiệp Phát, các cơ quan pháp luật đã xử lý vụ việc theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Ở đây, không có một thỏa thuận dân sự nào giữa Tân Hiệp Phát và anh Võ Văn Minh.

Có thể thấy rằng, doanh nghiệp đã chịu nhiều thiệt hại trên thực tế khi trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Nếu Tân Hiệp Phát chấp nhận dùng 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng, Tân Hiệp Phát sẽ tránh được những thiệt hại này, nhưng môi trường kinh doanh, xã hội, Người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại nhiều hơn những gì mà Tân Hiệp Phát đã gánh chịu qua sự việc này.

Qua những phân tích trên, mỗi doanh nghiệp có thể tự chọn cách ứng xử riêng của mình. Bởi lẽ, doanh nghiệp làm ăn không chỉ vì lợi nhuận mà còn phải thể hiện trách nhiệm xã hội. Mà trách nhiệm cao nhất đối với mọi tổ chức, công dân là tuân thủ pháp luật.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi-tin-tuc/bi-de-doa-doanh-nghiep-nen-lam-gi-1047859.tpo