Bi hài chuyện điện: Nấu cơm trưa lúc 2 giờ sáng

(Baonghean.vn) - Sử dụng điện là nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, và xã hội ngày càng phát triển nhu cầu này càng tăng nhanh. Tuy nhiên ở Nghệ An hiện vẫn còn nhiều khu vực, nhất là địa bàn miền núi vẫn chưa có điện thắp sáng hoặc đã có điện nhưng chất lượng dịch vụ thấp, hệ thống hạ tầng lưới điện không đáp ứng được các yêu cầu khách quan, đặc biệt giá điện bị đội lên cao hơn so với quy định. Thực tế này đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực đặc thù.

Cả xóm dậy nấu cơm trưa lúc nửa đêm

Gọi là có điện nhưng dễ đến 20 năm nay 120 hộ dân xóm 4, thuộc Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm (xã Thanh Đức) phải chịu cảnh “có sáng hơn đèn dầu”. Tình trạng điện quá yếu, mất điện xảy ra như cơm bữa. Nhiều gia đình, các thiết bị sử dụng điện như: ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện mua về để... xếp xó.

Bà Nguyễn Thị Mạo, người dân xóm 4 than: “tủ lạnh hư, lioa cũng hư, hư hết, có quạt không quạt được. Sắm đầy đủ để mần cảnh”. Bà Mạo còn cho biết, tiếng là có điện lưới nhưng vẫn phải dùng quạt tích điện vì điện phập phù. Với những máy tiêu thụ điện năng lớn như tủ lạnh thì "đừng có... mơ phát huy tác dụng".

Bà Nguyễn Thị Mạo "khoe" mình mới mua quạt tích điện vì điện lưới không đảm bảo.

Cũng ở xóm 4, anh Nguyễn Văn Thế, phải bỏ ra 2 triệu đồng kéo một đường dây từ đường Hồ Chí Minh vào nhưng vẫn không ăn thua. Tủ lạnh mua về mỗi lần cắm điện, theo như anh này nói là: “lại rung như máy xay lúa, ti vi có cũng không thể xem”.

Vì điện đóm chập chờn nên phần lớn các hộ dân ở xóm 4 đều tự “phòng thân” bằng việc sắm bình ắc quy tích điện. Nhiều gia đình mua thêm máy ổn áp điện năng nhưng cũng không thể cải thiện được tình hình.

Phần lớn hệ thống dây điện ở xóm 4 là dây trần

Rất nhiều người dân xóm 4 phải bỏ tiền mua các thiết bị ổn định điện năng và bình các quy dự phòng.

Gia đình anh Phan Văn Thanh được xem là chịu “đầu tư” nhất xóm. “Điện không thể dùng được, nhà tui phải mua thêm 2 chiếc bình ắc quy, 2 chiếc đèn pin, cả chiếc máy phát điện mi ni. Điện yếu quá, bà con ở đây, cứ tầm 1- 2 giờ sáng phải dậy nấu cơm để dùng cho bữa sáng và bữa trưa, bữa tối thì phải nhen bếp củi”

“Ăn thịt ôi giá đắt”

Đó là cách nói hài hước của nhiều người về nguồn điện sinh hoạt ở xóm 4, xã Thanh Đức (Thanh Chương). Kết thúc tháng 6/2016 nhiều hộ dân xóm 4 tá hỏa khi phải chịu mức giá sử dụng điện lên đến 5.500 đồng/1 kw điện. Chiếm đa số trong 120 hộ dân xóm 4 trước đây là cán bộ, công nhân của Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm.

Hiện nay các hộ dân vẫn đang sử dụng nguồn điện từ trạm hạ áp 35KV dưới sự quản lý của xí nghiệp này. Tuy vậy trong cùng một xóm, nhưng mức giá áp dụng cho các hộ lại khác nhau. Trong khi một số hộ phải chịu mức từ 5.000 - 5.500đồng/1kw, thì những hộ khác cũng phải trả 3.500 – 4.000 đồng/1kw (đều cao hơn mức quy định).

Đường dây điện trần luồn dưới các lùm cây.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mỵ, (SN 1952) là 1 trong số 13 hộ cùng đấu nối chung một đường điện ở xóm 4. Bà cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình bà phải trả điện với giá rất cao và không ngừng leo thang, từ 3.500 đồng lên 4.000, 4.800, 5.000 đồng cho 1kw điện. Đến tháng 6/2016 giá điện lại tăng lên 5.500 đồng/kw. “Không biết sẽ còn lên đến mức nào” – bà Mỵ thở dài.

Bà Nguyễn Thị Mạo, là công nhân Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm nghỉ hưu. Năm 1993, gia đình bà vay tiền ngân hàng, cùng với người dân trong xóm 4 góp tiền, mua dây, cột kéo điện từ ngã 3 của xí nghiệp về nơi ở. Tháng 6 vừa qua, gia đình bà Mạo sử dụng hết 41 kw điện và phải trả hơn 230.000 đồng. “May tui còn có lương hưu, như người khác lấy mô ra mà trả” – Bà Mạo nói.

Vì trong một thời gian dài phải chịu giá điện cao, một số hộ dân xóm 4 đã tự góp tiền kéo đường dây điện riêng gần 2 km từ ngoài đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên những hộ dân này cũng phải chịu giá điện 3.500 đồng/1kw.

Điện sẽ còn đội giá?

Trao đổi với ông Phan Văn Cường - cán bộ phụ trách điện của Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm (xã Thanh Đức), ông này cho biết hiện trạng hệ thống điện của xí nghiệp là rất phức tạp. Xí nghiệp có 3 công tơ tổng đo mức tiêu thụ điện năng hàng tháng. Trong đó 1 công tơ dành riêng cho hoạt động sản xuất, 2 công tơ còn lại đo mức sử dụng điện của 800 hộ dân trong khu vực. Dù không thừa nhận xí nghiệp là đơn vị kinh doanh điện song ông Cường cho biết, lâu nay đơn vị "mua" điện của Điện lực Thanh Chương sau về "bán" cho các nhóm dân cư.

Cụ thể, sau 2 công tơ tổng đầu nguồn, lại có các "cấp" công tơ tổng phía sau. "Cứ một nhóm dân cư lại có 1 công tơ tổng và mỗi nhóm tự bầu ra một người phụ trách đọc số điện, tính toán tiền hàng tháng" - ông Phan Văn Cường cho biết.

Lâu nay xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm bán điện cho các nhóm dân cư theo hình thức khoán mức tiêu thụ từ chỉ số 0 - 50kw đầu tiên (bậc 1). Ví dụ: một nhóm sử dụng điện gồm 10 công tơ sẽ được khoán trong mức tiêu thụ 500kw. Nghĩa là 10 x 50 = 500kw. Và 500kw này được áp dụng mức giá 2.141 đồng/kw. Nếu chỉ số điện sử dụng vượt quá bậc 1, sẽ áp dụng bậc 2 với giá 2.213 đồng/kw. Trong khi đó, mức giá mà Điện lực Thanh Chương bán cho Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm là: bậc 1 (từ 0 - 50kw) là 1.353 đồng/kw ; bậc 2 là 1407 đồng/kw (đã gồm thuế GTGT).

Ông Phan Văn Cường, cán bộ phụ trách điện của Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm giải thích về mức giá áp dụng cho 800 đối tượng sử dụng điện tại khu vực này.

Vì sao giá điện lại đội lên mức "khủng" như người dân phản ánh. Theo ông Phan Văn Cường, là do hệ thống hạ tầng lưới điện quá rách nát, quá xuống cấp lại bằng dây trần nên tình trạng hao hụt, thất thoát điện xảy ra thường xuyên. Trong khi số hộ, công tơ điện đấu nối vào hệ thống liên tục tăng. Bên cạnh đó, việc quản lý điện tại các công tơ tổng của từng nhóm dân cư quá kém dẫn đến giá điện đội lên.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Điện lực Thanh Chương cho biết, vì hạ tầng lưới điện cũ nát, quản lý còn nhiều hạn chế nên việc thất thoát điện dẫn đến đội giá là khó tránh khỏi. Tuy nhiên ông Khánh cũng cho rằng, giá điện lên đến 5.500 đồng/kw là con số không tưởng.

Về phương án giải quyết, ông Lê Thanh Mai - Giám đốc Điện lực Thanh Chương cho biết, đơn vị cũng đã làm việc với Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm về việc bàn giao hệ thống điện để ngành quản lý. Tuy nhiên xí nghiệp vẫn còn nhiều nhập nhằng. Xí nghiệp muốn được ngành điện trả tiền đầu tư hệ thống để thu hồi vốn, nhưng theo ông Mai, cho đến thời điểm này các trạm biến áp, hệ thống lưới điện đã cũ nát, khấu hao xong nên yêu cầu đó là không thỏa đáng.

Ông Lê Thanh Mai - Giám đốc Điện lực Thanh Chương cho rằng việc bàn giao hạ tầng lưới điện tại Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm đang rất nhập nhằng, khó khăn.

Ở chiều ngược lại, ông Phan Văn Cường, cán bộ phụ trách ngành điện của Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm cho rằng, mặc dù mình không phải là người đại diện cao nhất của đơn vị, nhưng Điện lực Thanh Chương không thể cứ thế mà nhận bàn giao hệ thống điện của đơn vị mà không mất một xu nào. Điều này khó có thể chấp nhận. Như vậy, người dân sẽ tiếp tục sử dụng điện giá cao, buộc lòng nhìn điện đội giá.

N.P.V

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/mien-tay-nghe-an/201607/bi-hai-chuyen-dien-nau-com-trua-luc-2-gio-sang-2714752/