Bi-hài kỳ án: 1,1ha đất + 33 năm kiện = 440 triệu đồng

33 năm đi khiếu nại, thế nhưng hơn 2ha đất có giấy tờ sở hữu cũ giờ được thừa nhận 1,1ha quy ra tiền chỉ 440 triệu đồng - không đủ tiền mua tem và xe cộ cho hành trình khiếu nại.

Khu đất đang tranh chấp nhưng vẫn được xây dựng, kinh doanh (Ảnh chụp ngày 16-7-2017)

Và ngạc nhiên nhất là từ tranh chấp đất của những người dân với nhau, cuối cùng Nhà nước lại dùng ngân sách bồi thường! Chuyện đang diễn ra tại tỉnh Long An…

Bi: Mỗi thời một quan điểm

Nguồn gốc 3ha đất (tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa) của gia đình ông Nguyễn Thu Răng do ông bà khai phá sử dụng từ năm 1936, có bằng khoán chế độ cũ cấp. Đến năm 1977, Nhà nước đào kênh cắt ngang, biến hơn 2ha đất còn lại thành đất gò nên không trồng lúa được nữa. Năm 1984, các ông Trần Văn Thúc, Trần Văn Hoàng, bà Trần Thị Trẻo và một hộ nữa đến chiếm đất gò cất nhà. Gia đình ông Răng bắt đầu khiếu kiện đến nay.

Để xác nhận nguồn gốc đất, nhiều năm qua, gia đình ông Răng đã phải tìm từng cán bộ, ban quản lý ấp, xã thời kỳ trước ký xác nhận và UBND xã phải họp các lão nông tri điền lại thì mới xác định đất ấy là của gia đình ông Răng. Khi hòa giải, gia đình ông Răng một mực đòi lại đất, còn các hộ lấn chiếm thì xin bồi hoàn bằng tiền để giữ chỗ ở. Cuối cùng, gia đình ông Răng đồng ý cho mỗi hộ 300m² làm nhà ở và phải trả số đất còn lại, nhưng bên chiếm dụng vẫn xin trả tiền để nhận toàn bộ đất. Do không thống nhất nên hồ sơ vụ việc được chuyển lên huyện giải quyết. Bỗng dưng, năm 1996, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa Đàm Thanh Thảo ký quyết định cho các hộ lấn chiếm đất được quyền sử dụng hợp pháp.

Gia đình ông Răng khiếu nại lên tỉnh. Trong khi đang giải quyết tranh chấp ở tỉnh thì bà chủ tịch huyện lại ký cấp sổ đỏ cho cả 3 hộ dân lấn chiếm. Do cấp sai nên đến năm 1999, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ đạo huyện thu hồi 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký. Sau đó, UBND huyện ký quyết định thu hồi, nhưng chỉ là quyết định trên giấy chứ không thu hồi thực tế, điều đó đã giúp cho một trong những hộ lấn chiếm đất (dù đang tranh chấp) vẫn tiến hành sang nhượng được cho người khác.

Bên cạnh việc yêu cầu thu hồi sổ đỏ đã cấp sai, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Tuấn cũng kết luận: “Yêu cầu UBND huyện định giá bồi hoàn theo khung giá đất của tỉnh để 3 hộ bồi hoàn cho gia đình ông Răng. Sau khi các hộ bồi hoàn xong thì cấp lại giấy chứng nhận cho họ, nếu các hộ không thực hiện bồi hoàn thì công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Răng”.

Hồ sơ, kết luận của các cấp, ngành...

Hài: Dân kiện nhau, Nhà nước bồi thường!

Tưởng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh có hiệu lực thực thi, không ngờ 2 năm sau (năm 2001), các ban ngành đoàn thể xã Tân Mỹ - nơi có mảnh đất tranh chấp - lại gửi công văn kiến nghị tỉnh xem xét lại khiếu nại này, với lý do: nếu trả lại đất cho gia đình ông Răng thì nhiều hộ dân có gốc đất cũ đã giao cho dân khai hoang sản xuất ổn định sẽ đòi lại đất, gây khó khăn cho địa phương!

Thế là, sự việc được chuyển hướng từ giải quyết tranh chấp theo pháp luật thành vấn đề an sinh. Nên năm 2003, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Văn Tiếp lại ký quyết định công nhận cho các hộ lấn chiếm được sử dụng đất hợp pháp (giống như quyết định của huyện vào năm 1996). Điều lạ là cả hệ thống chính trị tỉnh lại dùng căn cứ pháp lý là “người sử dụng đất ổn định sẽ được cấp giấy chứng nhận”. Trong khi đó, Luật Đất đai quy định rõ yếu tố “sử dụng ổn định” có nghĩa là “không có tranh chấp”, nhưng khu đất này bị tranh chấp từ năm 1984 đến nay. Dù đất bị tranh chấp từ đầu và nguồn gốc đất được xác định rõ ràng nhưng tỉnh vẫn phớt lờ, vẫn xác định là “ổn định” thì quả là điều bất hợp lý!

Đương nhiên, quyết định bất hợp lý này bị Thanh tra Chính phủ vào cuộc xác minh. Năm 2006, qua kiểm tra toàn bộ hồ sơ, thực địa, thanh tra báo cáo Thủ tướng và Chính phủ cũng đồng ý phương án giao UBND tỉnh xem xét, bồi thường công khai phá cho gia đình ông Răng. Nhưng năm sau, tỉnh lại gửi văn bản là không có cơ sở xem xét bồi thường công khai phá. Dù Thanh tra Chính phủ có công văn nhắc nhở nhưng tỉnh Long An vẫn không thực hiện bồi thường. Nghiêm trọng hơn, dù vụ việc chưa được giải quyết xong nhưng chính quyền địa phương vẫn ký cho các hộ chiếm đất chuyển nhượng cho người khác và xây dựng trên đất, khiến vụ việc càng trở nên phức tạp…

Đến năm 2014, Thanh tra Chính phủ một lần nữa xác minh và kết luận: “Vụ việc khiếu nại từ năm 1984 nhưng do chính quyền giải quyết không dứt điểm, mỗi lần giải quyết một kết quả không thống nhất nhau, khiến cho sự việc kéo dài. Do vậy, thanh tra đề nghị cả 4 hộ dân đang sử dụng đất phải trả tiền sử dụng đất cho gia đình ông Răng theo giá đất nông nghiệp của địa phương”. Năm 2015, tại cuộc họp giải quyết vụ khiếu nại trên, Chính phủ đã giao UBND tỉnh Long An có biện pháp hỗ trợ phù hợp đối với gia đình ông Răng.

Và tỉnh đã “hỗ trợ” bằng cách tính giá trị 1,1ha đất (mà 3 hộ lấn chiếm, còn 1 hộ chưa tính) theo khung giá Nhà nước và hỗ trợ bằng 30%, quy ra thành 260 triệu đồng. Sau đó, tỉnh nâng giá hỗ trợ lên 50%, thành 440 triệu đồng. Thế nhưng, điều lạ là chính quyền lại dùng “nguồn chi trả từ ngân sách của UBND huyện” (theo văn bản số 2768 của UBND tỉnh gửi huyện Đức Hòa).

Chỉ một vụ khiếu nại không phát sinh tình tiết mới, mà cứ mỗi thời lãnh đạo là một quan điểm không thống nhất, không dựa trên pháp luật. 33 năm gõ cửa tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cha ông Răng mất, đến ông Răng kế tục đơn kiện và cuối cùng 1,1ha đất mặt tiền được hỗ trợ 440 triệu đồng! Và vấn đề là: Tại sao người dân tranh chấp đất với nhau mà ngân sách lại phải chi trả (?!). Tiền thuế của dân không thể sử dụng bất hợp lý như thế, dù một đồng chi sai cũng cần phải xử lý.

Cho đến giờ, vụ việc vẫn đang tiếp tục bị khiếu kiện…

HÀN NI

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/bihai-ky-an-11ha-dat-33-nam-kien-440-trieu-dong-456169.html