Bí mật cuộc thử nghiệm thuốc độc của CIA trên đất Pháp

Năm 1951, tại thị trấn Pont-Saint-Esprit (tỉnh Gard, cộng hòa Pháp) thơ mộng và yên bình phía Đông Nam nước Pháp bỗng nhiên xuất hiện một đại dịch điên loạn tấn công các cư dân nơi đây. Nhiều người đã thiệt mạng sau khi mắc phải những cơn ảo giác kỳ lạ, khiến họ không còn làm chủ được bản thân. Sau hơn nửa thế kỷ, nguyên nhân của sự kiện đau lòng này đã được hé mở…

Căn bệnh lạ gieo rắc ký ức kinh hoàng

Ngày 16/8/1951, một người đàn ông trung niên đã làm náo loạn cả thị trấn bé nhỏ Pont-Saint-Esprit khi chạy rông khắp các con phố và la hét kêu than rằng mình đang bị một con quái vật tấn công, nó đang phun lửa vào người ông, khiến toàn thân bỏng rát. Trong khi mọi người vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, bởi họ chẳng nhìn thấy con quái vật nào cả và cũng không hề có ngọn lửa nào trên người ông ta, thì nạn nhân đã nhảy xuống sông để tự "dập lửa". Nỗ lực cứu hộ của các cư dân thị trấn bất thành, người đàn ông đã thiệt mạng sau đó. Khi những ồn ào quanh cái chết kỳ lạ này vừa mới nổi lên thì Pont-Saint-Esprit lại chứng kiến hàng loạt những vụ điên loạn bất thường khác.

Nhà báo Albarelli Jr - người phát hiện ra sự thật kinh hoàng của vụ thử nghiệm thuốc độc do CIA thực hiện.

Thêm một người nữa bị chết đuối do cố gắng trốn chạy những con rắn đang quấn lấy ông. Một cậu bé 11 tuổi đột nhiên xông vào bóp cổ đến chết bà của mình. Một người khác đứng trên cửa sổ tầng hai, tuyên bố "ta là một chiếc máy bay" rồi đâm đầu xuống đất. Một nạn nhân khác lại thấy tim mình chui ra khỏi cơ thể qua bắp chân, ông khóc lóc cầu xin bác sĩ hãy nhét nó trở lại lồng ngực... Tất cả chỉ là ảo giác, nhưng hậu quả thì vô cùng tàn khốc. Ít nhất 5 người đã thiệt mạng do các hành động nguy hiểm tự gây ra cho bản thân trong cơn điên loạn. Hàng chục lượt người phải nhập viện điều trị, chưa kể hàng trăm người khác ở tình trạng nhẹ hơn được theo dõi tại nhà.

Đại dịch điên bất ngờ bùng phát này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng thời bấy giờ. Tờ The Times của Mỹ đã có loạt bài đưa tin về hiện tượng lạ lùng này. Theo mô tả của các phóng viên, các nạn nhân đều mắc chứng hoang tưởng nặng nề và khi nhập viện, tất cả đều mê sảng. Kẻ thì bảo bác sĩ rằng, hoa đang mọc trên khắp cơ thể mình, người thì cầu xin hãy cứu lấy chiếc đầu mình đang bị nóng chảy...

Nhà chức trách Pháp vào cuộc điều tra và sau đó đã đi đến kết luận rằng, những người này đã ăn phải bánh mì nhiễm độc. Nhưng không ai phát hiện ra đó là chất độc gì, lây nhiễm từ khâu nào. Một giả thuyết cho rằng, có lẽ nguồn nước của các tiệm bánh đã bị nhiễm độc thủy ngân. Giả thuyết khác lại phán đoán, thủ phạm là vi khuẩn Ergot, một chủng vi khuẩn hay gặp ở các hạt lúa mạch đen - thành phần không thể thiếu trong bột mì tại nhiều nước châu Âu thời bấy giờ. Nếu ăn phải thứ bột nhiễm độc này, người ta dễ bị mắc ảo giác.

Trước đó, hiện tượng này đã được ghi nhận là từng xảy ra ở một vài nơi, ở dạng nhẹ hơn. Có lẽ các nạn nhân ở Pont-Saint-Esprit đã nhiễm độc Ergot với hàm lượng cao nên mới phát điên như thế. Lý giải này có vẻ rất thuyết phục, và nhanh chóng được công nhận một cách phi chính thức. Các tiệm bánh mì trong thị trấn được lệnh tiêu hủy hết toàn bộ bột mì dự trữ, đổi lại, chính phủ Pháp sẽ cấp bù cho họ một lượng bột mì khác đã qua kiểm nghiệm. Chứng bệnh hoang tưởng này được gọi bằng cái tên Le Pain Maudit, nghĩa là "bánh mì bị nguyền rủa". Suốt hơn nửa thế kỷ qua, người ta vẫn gọi nó bằng cái tên như vậy mỗi khi nhắc đến sự kiện đau thương này.

Bìa cuốn sách của nhà báo Albarelli Jr.

“Bánh mỳ bị nguyền rủa" và "ảo giác tàn khốc"

Năm 2009, nhà báo người Mỹ Albarelli Jr đã cho ra mắt cuốn sách "A terrible mistake: The Murder of Frank Olson and the CIA's Secret Cold War Experiments" (Tạm dịch: "Sai lầm khủng khiếp: Vụ sát hại Frank Olson và thí nghiệm bí mật trong Chiến tranh Lạnh của CIA") gây chấn động. Trong đó, ông khẳng định, chính Cục tình báo trung ương Mỹ CIA là tác giả gây nên cơn điên loạn mang tên "bánh mỳ bị nguyền rủa" trên. Những chiếc bánh mì vô tội đã bị biến thành phương tiện để thử nghiệm một chất độc gây ảo giác mạnh lên hệ thần kinh của con người. Đó là chất Lysergic Acid Diethylamide, có ký hiệu là LSD.

Thời kỳ này, cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai ý thức hệ trên thế giới đang đến đoạn cao trào, và CIA có một dự án nghiên cứu chất có thể giúp con người kiểm soát hành vi của đối phương, thông qua tác động vào hệ thần kinh. Dựa trên các tài liệu thu thập được, nhà báo Albarelli Jr phát hiện ra rằng, các nhà khoa học của công ty dược phẩm Sandoz (Mỹ) đã chế tạo ra LSD và cung cấp nó cho cả CIA lẫn SOD (Cơ quan đặc biệt tối mật của quân đội Hoa Kỳ tại quận Fort Detrick, bang Maryland).

Mọi nghi ngờ bắt đầu khi Albarelli Jr phát hiện ra cái chết đáng ngờ của một cựu nhân viên SOD. Theo hồ sơ, Frank Olson, một nhà sinh học của cơ quan này đã "bị ngã do bất cẩn" từ một cửa sổ tầng 13 chỉ hai năm sau khi xảy ra sự kiện "bánh mì bị nguyền rủa" ở Pont-Saint-Esprit. Văn bản viết tay của Olson ghi lại cuộc trò chuyện giữa một nhân viên CIA và một quan chức hãng dược Sandoz, trong đó đề cập đến "bí mật của Pont-Saint-Esprit" và giải thích rằng đó không phải là do nấm mốc gây ra, mà là do LSD.

Trong quá trình điều tra, nhà báo Albarelli Jr đã tìm gặp được một số đồng nghiệp cũ của Frank Olson. Hai người trong số đó đã khẳng định với ông rằng, sự việc đau lòng ở Pont-Saint-Esprit là kết quả ngoài ý muốn của thí nghiệm kiểm soát tâm trí con người do CIA và quân đội Hoa Kỳ (trực tiếp thực hiện là SOD) phối hợp tiến hành. Chất LSD đã được phun vào không khí, từ đó nhiễm vào các nông sản của địa phương, mà bột mì bị nhiễm nhiều nhất do thường xuyên được đem phơi nắng trong thời gian này. Ngay sau khi những ca bệnh đầu tiên phát tác, lo sợ sẽ bị bại lộ và những phản ứng của chính phủ Pháp, CIA đã lập tức chấm dứt thử nghiệm tàn bạo này.

Những phát hiện của ông Albarelli, đã được gửi đến Ủy ban Rockefeller của Quốc hội Hoa Kỳ. Cơ quan này được thành lập năm 1975 chuyên điều tra các cáo buộc lạm dụng quyền lực của CIA, cũng như những chiến dịch mờ ám của tổ chức này. Nhưng ông đã không nhận được câu trả lời từ những nghị sĩ Mỹ. Vì vậy, Albarelli quyết định cho ra mắt cuốn sách nêu trên để giúp công chúng Pháp, cũng như Hoa Kỳ biết được sự thật kinh hoàng này. Sau khi cuốn sách ra mắt, cả CIA và quân đội Hoa Kỳ, cơ quan chủ quản của SOD đều lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. Phía tình báo Pháp cũng khẳng định, bất cứ hoạt động nào của các lực lượng nước ngoài tại Pháp đều bị tổ chức này giám sát chặt chẽ, nên không có chuyện người dân Pháp bị biến thành "chuột bạch" cho CIA thử nghiệm như cuốn sách đã nói.

Tuy nhiên, yêu cầu điều tra lại sự việc của tác giả đều bị các bên liên quan từ chối, với lý do "thời gian đã quá lâu". Điều này càng làm tăng thêm mối nghi ngờ của dân chúng với thảm án "bánh mì bị nguyền rủa" năm xưa. Trong lịch sử của mình, CIA đã từng có nhiều dự án tương tự, với mục tiêu là điều khiển được tâm trí của đối phương, hòng biến kẻ thù thành những kẻ ngây dại, vô hại cho binh lính Hoa Kỳ. Trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh Lạnh, tham vọng này càng có động cơ để thực hiện. Do đó, việc họ là tác giả của đại dịch điên từng xảy ra với cư dân Pont-Saint-Esprit vô tội là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Do không biết đích xác nguyên nhân căn bệnh nên các bác sĩ đã gặp rất nhiều khó khăn khi điều trị. Biện pháp chủ yếu chỉ là khống chế bệnh nhân, không để họ có những hành vi vô thức nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Một vài loại thuốc an thần được dùng để giúp những người này chìm vào giấc ngủ. Điều kỳ diệu là dù được chữa trị rất "tù mù" như vậy nhưng chỉ sau vài ngày, đa số các bệnh nhân đều khỏe mạnh trở lại. Cơn điên loạn biến mất, những người này lại hoàn toàn minh mẫn, chỉ có điều, họ không hề nhớ gì về những ngày tồi tệ vừa phải trải qua. Không phát sinh thêm bệnh nhân mới, đại dịch điên nhanh chóng chấm dứt một cách bất ngờ và đầy bí hiểm như cách nó xuất hiện.

Đôi điều về chất độc LSD

LSD là viết tắt của từ Lysergic Acid Diethylamide, một loại thuốc gây ảo giác và làm thay đổi tâm trạng hay nói cách khác là một loại ma túy gây ảo giác cực mạnh. LSD không vị, không mùi và không màu. Ít người biết rằng, đây là một phát minh tình cờ của nhà hóa học người Thụy Sĩ Albert Hofmann. Nhưng do hậu quả của LSD quá lớn nên LSD đã bị cấm sử dụng ở hầu hết các quốc gia và bị gọi là "phát minh ác độc".

Hồng Nhung (Theo Telegraph)

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/bi-mat-cuoc-thu-nghiem-thuoc-doc-cua-cia-tren-dat-phap-a97378.html