Bị phản đối tới cùng, Tổng thống Philippines vẫn tiếp tục thiết quân luật

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Ba (18/7) cho biết, ông đã yêu cầu quốc hội tiếp tục gia hạn thiết quân luật ở đảo Mindanao cho đến cuối năm nhằm tận diệt tới cùng lực lượngphiến loạn thân IS.

Mindanao là hòn đảo 22 triệu dân từng có lịch sử ly khai và đã bị đặt vào tình trạng thiết quân luật từ hôm 23/5, sau khi quân nổi dậy Maute và nhóm khủng bố Abu Sayyaf chiếm thành phố Marawi.

Quân nổi dậy đã kháng cự mạnh mẽ, kéo dài cuộc tấn công nhắm vào thành phố lên tới 7 tuần lễ và hiện vẫn còn một số ít binh lính đang ẩn mình trong trung tâm thương mại của Marawi. Các cuộc không kích và pháo kích của quân đội Philippines đã khiến 500 người thương vong và hơn 260.000 người phải di cư lánh nạn.

Các nhà hoạt động Philippines yêu cầu gỡ bỏ quân luật. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, ông Ernesto Abella chia sẻ: "Mục tiêu chính của việc gia hạn là cho phép các lực lượng của chúng tôi tiếp tục các hoạt động của họ mà không bị hạn chế về thời hạn và tập trung nhiều hơn vào việc giải phóng Marawi cũng như công việc tái thiết thành phố”.

Hãng tin Reuters bình luận, cuộc nổi dậy ở Marawi đã trở thành khủng hoảng lớn nhất của ông Duterte sau một năm nhậm chức, đi kèm với đó là những lo ngại về hệ tư tưởng cực đoan có thể ăn sâu hơn những gì người ta có thể hình dung trước đây.

Duterte từ lâu đã cảnh báo Mindanao phải đối mặt với sự đầu độc tư tưởng của Nhà nước Hồi giáo. Các nhà phân tích an ninh Philippines cho biết, các phần tử Hồi giáo phía nam Philippines là nền tảng màu mỡ cho các nhóm tôn giáo tự do tuyển dụng và thâm nhập. Lý do chủ yếu bởi đây là khu vực bị cô lập và bỏ rơi lâu đời ở Philippines.

Khá nhiều người chế giễu lệnh gia hạn thiết quân luật của ông Duterte, chỉ trích ông đã không quan tâm đến sự bình ổn của khu vực, nơi có rất nhiều công ty nước ngoài mở chi nhánh.

Quân luật là vấn đề nhạy cảm ở Philippines, nó gợi nhớ về quân luật trong những năm 1970 khi nhà độc tài Ferdinand Marcos bị buộc tội đã phóng đại các mối đe dọa an ninh để biện minh cho các phương pháp cho phép chế độ của ông đàn áp bất đồng chính kiến một cách tàn nhẫn.

Ông Duterte từng ca ngợi Marcos ở nhiều dịp khác nhau. Nhiều người chỉ trích ông đã hành xử không khác gì nhà độc tài Marcos khi xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo khá cứng rắn trong điều hành các vấn đề của đất nước.

Nghị sỹ Philippines Edcel Lagman cho rằng, công chúng nên lo lắng việc ông Duterte đã vi phạm luật pháp khi đưa ra lệnh thiết quân luật vượt quá giới hạn 60 ngày trong hiến pháp.

Minh Anh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bi-phan-doi-toi-cung-tong-thong-philippines-van-tiep-tuc-thiet-quan-luat-post232330.info