Bị quá nhiều điều kiện kinh doanh trói, DN Việt thua ngay trên sân nhà

Từ năm 2003 đến nay Việt Nam đã thất bại trong việc cải cách điều kiện kinh doanh và hàng loạt điều kiện đã được bãi bỏ cũng quay trở lại, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu - Ảnh: TL

Thất bại trong cải cách điều kiện kinh doanh

“Điều kiện kinh doanh là cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây cản trở cho sự phát triển của xã hội”, ông Hiếu nói tại hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp Nghị dịnh về kinh doanh khí (Hà Nội, 22.3).

Chuyên gia này cho rằng, thông thường có 2 cách quản lý. Thứ nhất là quản lý đầu ra. Việc sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào là do doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần quan tâm sản phẩm đó có an toàn không. Để làm điều đó, Nhà nước ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kĩ thuật kiểm soát sản phẩm trước khi lưu thông ra thị trường và doanh nghiệp phải tuân thủ.

Thứ hai là đối với những sản phẩm có mức độ rủi ro thấp hơn thì Nhà nước không ban hành quy chuẩn mà khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng bộ tiêu chuẩn, doanh nghiệp tự công bố để Nhà nước biết mà giám sát. Cách quản lý này tạo ra trào lưu doanh nghiệp này nhìn doanh nghiệp kia để hoàn thiện tiêu chuẩn của mình, nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, cái Nhà nước hay can thiệp là ở đây là điều kiện kinh doanh riêng, điều kiện áp dụng cho chủ thể và người ta sẽ áp đặt, chỉ một số đối tượng được làm. Anh làm cái đó thì phải làm như thế nào (phải có máy móc, kho chứa…) và được làm những cái gì.

“Chúng tôi thường nhận được câu hỏi nếu anh chị kiến nghị bỏ điều kiện kinh doanh của tôi thì tôi lấy gì mà quản lý? Thực ra, nếu như tôi rà soát hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay thì có quá nhiều công cụ để quản lý, ngay cả khi chúng ta bỏ bớt điều kiện kinh doanh”, ông Hiếu nói.

Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Nghị định Kinh doanh khí do VCCI tổ chức - Ảnh: Hoài Phong

Ông Hiếu cho rằng chính điều kiện kinh doanh đang làm doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà. Ví dụ cuộc chiến taxi truyền thống và Uber, Grab.

“Người ta nói xu hướng hiện nay taxi truyền thống rất khó cạnh tranh vì chậm đổi mới, không năng động bằng. Tôi không đồng ý, tôi khẳng định doanh nghiệp Việt Nam rất đổi mới, rất năng động nhưng họ không thể cạnh tranh được với Uber, Grab bởi vì đang “gánh” 10 điều kiện kinh doanh, khiến họ không thể áp dụng được khoa học công nghệ”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Ông Hiếu dẫn ví dụ, kinh doanh taxi phải được kiểm định, phải lắp đồng hồ trên xe, đăng ký tần số sóng, giấy phép tần số, lái xe phải được tập huấn nhưng doanh nghiệp tập huấn thì cơ quan quản lý không tin… Do đó, mất mấy triệu để tập huấn cho lái xe nhưng cuối cùng doanh nghiệp phải đào tạo lại, nhưng nếu không có chứng chỉ kia thì không được lái… Chính vì vậy có rất nhiều điều kiện kinh doanh đang giết chết sự sáng tạo của taxi truyền thống.

“Nếu chúng ta mạnh dạn, thay vì đấu tranh hạn chế Grab, Uber thì nên dỡ bỏ điều kiện kinh doanh để cuộc chơi sòng phẳng và thúc dẩy kinh doanh chứ đừng tư duy theo kiểu hạn chế hoặc cấm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nghị định kinh doanh khí quá nhiều bất cập

Đồng tình với ý kiến này, ông Hà Thanh Tùng là Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại và dịch vụ Đồng Tùng (Hà Giang) cho biết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã phá sản sau khi Nghị định 19 về kinh doanh khí được ban hành.

Nghị định này quy định các doanh nghiệp kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình, bồn chứa 300m 3 . Để đáp ứng yêu cầu nhiều doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng, cầm cố tài sản, bởi vì chưa tính kho chứa, riêng vỏ bình đã tốn ít nhất 25 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho biết, muốn có được giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai thì cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG. Tuy nhiên, điều kiện để làm thương nhân phân phối LPG lại yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai. Điều này không khác gì câu đố “con gà và quả trứng”.

Ông Trần Trọng Hữu, Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, thị trường kinh doanh khí gas hình thành đến nay được 30 năm, dù có nhiều quy chuẩn nhưng lại chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh gas nhưng khi có vi phạm lại không thể xử lí được.

“Chính vì thế, đang có tình trạng “loạn” thị trường kinh doanh khí gas, gian lận thương mại, vi phạm về sở hữu tài sản (vỏ bình gas). Nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng kẽ hở để chiếm dụng hay thu giữ tài sản của các doanh nghiệp khác đang kinh doanh gas; tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng”, ông Hữu cho hay.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng Nhà nước đang áp đặt quá mức các điều kiện kinh doanh, tạo ra rào cản, can thiệp thị trường. Việc can thiệp sâu vào hoạt động doanh nghiệp cũng dẫn tới việc hạn chế tính sáng tạo. Rất nhiều hoạt động sản xuất người ta không thích bị áp đặt. Chính phủ đang khuyến khích mô hình sản xuất theo chuỗi, khuyến khích doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa mà bắt doanh nghiệp phải có đầy đủ máy móc thiết bị thi vô hình trung hạn chế việc chuyên nghiệp hóa hơn.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận rằng, đúng là Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí đang tồn tại nhiều bất cập, nhiều quy định bất hợp lý.

Do đó, ông Tân cho rằng, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 19/2016 với những điểm mới như: bãi bỏ các điều kiện thương nhân đầu mối gồm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phân phối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG; bãi bỏ quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp và sở hữu trạm cấp khí; quy định thương nhân kinh doanh khí phải thiết lập hệ thống phân phối; bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí…

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/bi-qua-nhieu-dieu-kien-kinh-doanh-troi-dn-viet-thua-tren-san-nha-59228.html