'Bí quyết' để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không hề là việc quá sức với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chuỗi cung ứng này đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng, kỹ thuật và đặc biệt là giá cả.

Lãnh đạo Samsung khảo sát thực tế tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên. Ảnh: VGP/Lê Anh

Mới đây, Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã được Tập đoàn Samsung chọn là nhà cung ứng cấp 1 cho tổ hợp sản xuất các sản phẩm điện tử và điện gia dụng của dự án Samsung Electronics HCMC CE (SEHC) tại khu Công nghệ cao TPHCM. Đây là DN nội đầu tiên lọt vào chuỗi cung ứng trực tiếp cho SEHC.

Chia sẻ về kinh nghiệm để có thể trở thành nhà cung ứng cho Samsung, ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc Minh Nguyên cho biết, điểm yếu của nhiều DN Việt Nam là lúc đầu sản phẩm làm ra đạt chất lượng rất tốt, nhưng sau đó chất lượng dần không được coi trọng nên bị giảm sút và không ổn định. Đây là điều các tập đoàn lớn trên thế giới tối kị. Với họ, chất lượng và năng suất không chỉ được duy trì mà phải cải tiến nâng cao mỗi ngày.

Samsung cũng vậy, chất lượng luôn là tiêu chí quan trọng nhất của Tập đoàn này. Họ luôn sẵn lòng hỗ trợ những DN chịu thay đổi cách làm cũ, chịu học hỏi. “Khi làm việc với mình, các chuyên gia từ Samsung quan sát rất kỹ, nhìn vào những điểm nhỏ nhất và tư vấn cho DN. Và nếu DN không chịu thay đổi, chắc chắn họ sẽ không hợp tác, vì cái nhỏ không đổi làm sao thay đổi cái lớn”, ông Long cho biết.

Trong chuyến khảo sát thực tế nhà máy của Công ty Cổ phần Bao bì Việt Hưng Sài Gòn tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II và Công ty Minh Nguyên tại Khu công nghệ cao TPHCM vào giữa tháng 1/2017, ông Lee Sang Su, Tổng Giám đốc SEHC cho rằng, bên cạnh chất lượng, giá cả là yếu tố quan trọng hàng đầu trong mối quan tâm của Samsung với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn hợp tác.

Ông Lee cho rằng, Việt Hưng là một trong những đối tác lớn và quan trọng của Samsung. Tuy nhiên, để là nhà cung ứng cho tổ hợp SEHC tại Khu công nghệ cao TPHCM, DN này cần nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa thì mới có thể lấy được những đơn hàng tốt từ Samsung. Năng lực cạnh tranh, đó là chất lượng, kĩ thuật và đặc biệt là giá cả. Samsung cam kết hỗ trợ kết nối Việt Hưng với những công ty nước ngoài cung cấp hệ thống máy móc có giá tốt nhất nhằm phục vụ cho các đơn hàng của hai bên.

Nói về Minh Nguyên, trong đợt khảo sát này, vị lãnh đạo của Samsung đánh giá cao quy trình sản xuất và máy móc hiện đại của DN, tuy nhiên, một điểm quan trọng mà ông Lee lưu ý đó là cần phải luôn không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Lee khẳng định, phía Samsung sẵn sàng hỗ trợ Minh Nguyên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng được yêu cầu công việc.

Quy trình sản xuất hiện đại tại nhà máy của Công ty CP Bao bì Việt Hưng Sài Gòn. Ảnh: VGP/Lê Anh

Để “chen chân” được vào chuỗi cung ứng cho Samsung, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, lãnh đạo 2 DN Minh Nguyên và Việt Hưng Sài Gòn cho biết, trên cơ sở nắm được nhu cầu các sản phẩm mà Samsung muốn nội địa hóa, các DN Việt Nam cần mạnh dạn đầu tư để đón đầu cơ hội.

Theo ông Châu Bá Long, nói đến Minh Nguyên thì không thể không nhắc đến vai trò của Công ty Nhựa Phước Thành - công ty mẹ.

Công ty Nhựa Phước Thành đã phải trải qua quá trình thay đổi, đổi mới quản trị để có thể tham gia cung ứng sản phẩm vỏ tivi cho Samsung. Và khi biết Samsung đầu tư vào phía nam, họ đã mạnh dạn thành lập Minh Nguyên và áp dụng quy trình quản trị từ Công ty Nhựa Phước Thành. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến với số vốn lên tới 1.600 tỷ đồng, chuyên sản xuất các sản phẩm linh kiện nhựa, chi tiết cơ khí và khuôn mẫu ứng dụng công nghệ cao. Do đó, Minh Nguyên đã được Samsung “chấm” hỗ trợ để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cấp 1.

Trong khi đó, ông Hoàng Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Hưng Sài Gòn cho biết, ông khá tin tưởng về khả năng trở thành nhà cung cấp bao bì lớn nhất cho tổ hợp SEHC tại TPHCM bởi lợi thế của DN này là trước đó, công ty mẹ tại tỉnh Hưng Yên đã có quá trình hợp tác lâu dài với Samsung tại phía bắc.

Ông Dũng cho biết, Việt Hưng đầu tư 40 triệu USD với nhiều máy móc hiện đại vào nhà máy tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II nhằm thực hiện mục tiêu trở thành đối tác cung cấp bao bì lớn nhất cho Samsung tại phía nam. Hiện nhà máy mới đi vào hoạt động chưa lâu với khoảng 300 công nhân làm việc, doanh thu ban đầu khoảng 20 tỷ đồng.

Bên cạnh các DN có tiềm lực tài chính, mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, thực tế hiện nay, các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đa phần là các DN nhỏ và vừa thiếu về vốn, yếu về trình độ quản lý, công nghệ, sẽ rất khó chen chân ngay vào được chuỗi cung ứng.

Ông Châu Bá Long cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, cần xây dựng được các DN dẫn dầu, DN lớn, DN đầu tàu. Các DN này sẽ có vai trò liên kết các DN nhỏ lại, hình thành các chuỗi liên kết giữa các DN trong nước, qua quá trình tích lũy kinh nghiệm và phát triển sẽ dần trở nên lớn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Long, hiện nay các DN công nghiệp hỗ trợ lớn, DN dẫn đầu vẫn chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ông Long kiến nghị, các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước được miễn thuế nhập khẩu máy móc giống như các DN FDI để bảo đảm tính cạnh tranh, đồng thời kéo dài thời gian giảm nộp thuế thu nhập DN thêm khoảng 5 năm, qua đó, giúp các DN yên tâm đầu tư, có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/bi-quyet-de-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau/297702.vgp