Bí quyết thành công của thương hiệu Nhật Bản: Tinh thần chế tác “Monozukuri”

Đồ dùng điện tử, xe hơi, xe máy, sản phẩm công nghệ thông tin và công nghệ cao... là niềm tự hào của nước Nhật. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn nổi tiếng với những sản phẩm đột phá trong sáng tạo và kỹ thuật, thu hút sự hiếu kỳ và khâm phục của cả thế giới như robot, mạch điện tử IC nhỏ nhất thế giới...

small_6194.jpg Công nghệ sáng chế của Nhật Bản luôn hướng tới sự hoàn hảo về chất lượng, độ chính xác cao, dễ sử dụng, làm cho cuộc sống của con người ngày càng tiện lợi và an toàn hơn. Một trong những bí quyết thành công của sản phẩm Nhật Bản đó chính là tinh thần sáng chế “monozukuri”. Monozukuri là thuật ngữ kết hợp của hai từ “mono” (đồ vật) và “tsukuri” (quy trình chế tạo). Thuật ngữ này không đơn thuần mang nghĩa “chế tạo đồ vật”, mà đó là một triết học dựa trên sự kết hợp của “tinh thần chế tạo sản phẩm dễ sử dụng có chất lượng cao” và “nỗ lực liên tục cải tiến quy trình sản xuất (kaizen)”. Yếu tố tạo nên tinh thần chế tác monozukuri Để làm được điều đó, cần phải có “Năng lực kỹ thuật cao” (phần cứng) và “Năng lực thiết kế cao” (phần mềm). Từ thời cổ đại đến nay, trân trọng “Nghệ nhân chế tác đồ vật” đã thành truyền thống tốt đẹp của người Nhật. Tại các nhà xưởng của Nhật Bản, tinh thần chế tác những sản phẩm ưu việt cả phần cứng lẫn phần mềm đều được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nhật Bản là một trong những quốc gia tiên phong trong kỹ thuật công nghiệp, đó chính là nhờ vào bàn tay khối óc của những người được tôi luyện và dày dạn kinh nghiệm tại các doanh nghiệp “machikoba” (doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ). Ít ai ngờ các tiêu chuẩn kỹ thuật mang tầm cỡ thế giới thiết lập từ chính nơi đây. Ngay cả NASA cũng đặt hàng các doanh nghiệp này chế tạo các linh kiện phụ tùng. Một trong những ví dụ điển hình là tên lửa của NASA sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu các phụ tùng được chế tác tinh xảo của Nhật Bản. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có hàng loạt các cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt, kiên nhẫn sửa đổi, cải tiến liên tục cho đến khi hoàn chỉnh và dĩ nhiên không thể thiếu bàn tay khéo léo và tài hoa của con người. Nuôi dưỡng nhân tài Yếu tố quan trọng của monozukuri không phải là máy móc mà chính là sự tồn tại của những chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm. Do đó, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật luôn được chú trọng cho dù rất tốn kém. Để khuyến khích hơn nữa tinh thần chế tác monozukuri, từ năm 2005 Chính phủ Nhật Bản đã khởi xướng “Giải thưởng monozukuri Nhật Bản”. Giải thưởng được sáng lập nhằm tiếp nối và phát huy vững chắc hơn nữa truyền thống monozukuri. Giải thưởng được trao cho các nhân tài là hạt nhân của các doanh nghiệp sản xuất, nghệ nhân giàu kinh nghiệm về kỹ thuật mang tính văn hóa và truyền thống, các tài năng trẻ có triển vọng, hoặc các nhân tài về “monozukuri” đã được nuôi dưỡng qua các thế hệ.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29321-bi-quyet-thanh-cong-cua-thuong-hieu-nhat-ban-tinh-than-che-tac-monozukuri