Bí thư Đinh La Thăng: 'Không hiểu pháp luật làm sao bảo vệ người lao động'

Ngày 1.3, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) VN đã làm việc với LĐLĐ TP.HCM.

Ông Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc vời LĐLĐ TP.HCM - Ảnh: Hải Nam

Tham dự buổi làm việc có ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng các lãnh đạo TP.HCM.

Tại buổi làm việc, đại diện LĐLĐ TP.HCM cho biết từ năm 2013 đến nay, TP.HCM có 265 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công với 90.535 công nhân lao động tham gia. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tiền thưởng, tăng ca và các vấn đề khác liên quan đến quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Đình công xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài và tập trung ở ngành dệt may, da giày, điện tử… Các vụ tranh chấp lao động có xu hướng giảm nhưng hầu hết lại xảy ra ở các DN có tổ chức công đoàn. TP.HCM có 12.911 DN nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) với số tiền gần 1.300 tỉ đồng. Trong đó, TP đã kiến nghị khởi kiện 2013 DN với số tiền nợ 545 tỉ đồng.

Ông Thăng cho rằng công đoàn các cấp của TP cần phải có sự đột phá hơn nữa, phải tạo ra sự khác biệt thì mới đáp ứng được mục tiêu phát triển của TP.

Ông Thăng đề nghị TP cần tập trung nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn. "Cán bộ công đoàn mà không hiểu được TPP, không hiểu về hội nhập, không hiểu về quản lý DN thì làm sao bảo vệ được quyền lợi DN. Liệu anh có dám đấu tranh được không, không hiểu về luật pháp thì làm sao bảo vệ được NLĐ", ông Thăng nhấn mạnh.

Ông Thăng cũng yêu cầu các cấp công đoàn cần phải là cơ quan đại diện, bảo vệ được quyền lợi cho NLĐ, phải bám sát DN, cùng với DN thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ. Khi phát hiện DN thiếu nợ BHXH thì phải báo cáo ngay để không xảy ra nợ đọng chứ không phải chờ đến khi chủ DN bỏ trốn rồi mới đứng ra đại diện cho NLĐ khởi kiện, lúc đó thì còn bảo vệ gì được nữa.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN phân tích những khó khăn trong việc giải quyết chế độ cho NLĐ ở những DN có chủ bỏ trốn.

Ông Chính cho biết có khi các chủ DN nước ngoài bỏ về nước rồi mới gửi thư qua VN, để lại hàng ngàn NLĐ bị thiệt hại, tài sản của DN đều thuê hoặc thế chấp nên rất khó xử. Việc xác định chủ DN thế nào là bỏ trốn để giải quyết dứt điểm quyền lợi cho người lao động cho đến nay vẫn chưa được rõ ràng.

Bên cạnh đó, ông Chính cũng yêu cầu hoạt động công đoàn phải tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở phục vụ công nhân, bỏ những hoạt động không hiệu quả, thiếu thiết thực để thu hút người lao động.

Hải Nam

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/bi-thu-dinh-la-thang-khong-hieu-phap-luat-lam-sao-bao-ve-nguoi-lao-dong-672893.html