Bí thư Đoàn lập nghiệp trên quê lúa

Gắn bó với nghề cơ khí hơn 15 năm, chàng Bí thư Chi đoàn thôn Mão Cầu (Ân Thi, Hưng Yên) không ngờ rằng sẽ có một ngày mình lại bỏ nghề và quay về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Trăn trở với những thửa ruộng cha mẹ để lại, anh đã mạnh dạn vay vốn tín dụng mở trang trại VAC, với một niềm tin, lập nghiệp chưa bao giờ là muộn...

Vô tình về với nghề nông

Vốn là thợ cơ khí, Phạm Xuân Tư từng làm thuê khắp trong nam ngoài bắc. Nghề cơ khí đem lại cho Tư thu nhập ổn định nhưng ít có thời gian ở nhà. Năm 2013, mẹ anh bị ốm nặng cần người ở nhà chăm sóc, anh quyết định bỏ nghề về phụng dưỡng mẹ già và tìm kế mưu sinh ngay tại quê hương. “Quê tôi là vùng đồng chiêm trũng, làm gì thì làm vẫn gắn với ruộng đồng thôi; sau nhiều lần đắn đo cân nhắc, tôi quyết định vay tín dụng, mở trang trại VAC”, anh Tư bộc bạch.

Khi trình bày ý định này với gia đình, ai cũng can ngăn anh Tư vì ruộng của nhà vỏn vẹn chỉ hơn một mẫu để trồng lúa, nếu quyết làm thì phải đi thuê thêm đất mất rất nhiều tiền, hơn nữa anh Tư cũng chưa từng có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng với hơn 15 năm làm Bí thư Đoàn thôn, nhiệt huyết và ý chí trong anh Tư rất mạnh mẽ, anh tin rằng mình sẽ làm được. Ban đầu anh lặn lội đi học hỏi mô hình từ rất nhiều nơi như ở HTX chăn nuôi lợn Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội), mô hình nuôi cá lồng tại Hải Dương, mô hình nuôi vịt trời tại Bắc Giang, Ninh Bình... Đi đến đâu anh đều ý thức ghi chép lại cẩn thận để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Khó khăn nảy sinh khi Phạm Xuân Tư thành lập trang trại là thôn Mão Cầu khi đó chưa dồn điền đổi thửa. Với vai trò là Bí thư Đoàn, anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phương án dồn, hộ nào muốn ruộng tốt thì ít, ruộng xấu được chia nhiều hơn. Lúc thực hiện, có ý định từ trước, gia đình anh Tư đã chọn ô ruộng xấu nhất, đất trũng nhưng diện tích rộng. Tự tin rằng, mình đổ công sức vào thì đất nào cũng sẽ sinh lợi được. Anh thuê thêm gần 10 mẫu ruộng, bắt đầu đào ao thả cá, xây chuồng nuôi và trồng cây ngắn ngày với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” giải quyết tình thế khó khăn trước mắt.

Từng bước vượt khó

Chỉ với vài trăm triệu đồng trong tay, việc lựa chọn nuôi con gì, trồng cây gì ban đầu đối với anh rất khó khăn. Nếu như chọn những con vật, cây trồng quý có giá trị thương phẩm cao thì sẽ đồng nghĩa với tỷ lệ rủi ro lớn, hơn nữa đầu ra cho sản phẩm này khá khó mà lúc đó anh chưa có nhiều khách hàng. Vì vậy mà anh quyết định ban đầu sẽ nuôi và trồng sản phẩm cổ truyền, đó là hơn 1.000 con vịt cánh trắng, gần 600 con vịt trời, 30 con lợn thịt, 500 con gà và khoảng trên dưới 3.000 cây ăn quả các loại, trong đó chủ yếu là nhãn, bưởi, chuối và đu đủ.

Mùa đầu tiên, dù các loại cây ngắn ngày như đu đủ, ổi cho năng suất khá tốt nhưng tiêu thụ chậm, thường vợ anh phải tự thồ hàng ra chợ bán lẻ, mỗi ngày cao nhất cũng chỉ thu được 500 nghìn đồng. Có đận, đu đủ chín bán không kịp bị thối, hỏng vứt la liệt. Đã thế, số vịt trời anh nuôi chưa được thuần hóa kỹ trong lúc sơ sểnh bay đi mất gần nửa, rồi lợn rớt giá... Việc làm ăn rơi vào tình trạng khó khăn kiệt quệ. Không nản chí, năm sau anh Tư quyết định vay tiếp quỹ tín dụng của xã rồi nuôi thêm 50 con lợn rừng. Anh cho biết, lợn rừng rất thích ăn hoa quả, nhất là đu đủ, nếu như không bán hết, quả hỏng cho lợn rừng ăn sẽ tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, hơn nữa thịt lợn rừng rất dễ bán, giá thành lại cao.

Ngoài ra, với ao cá rộng khoảng hai mẫu, anh Tư thả nuôi cá trắm và cá chép. Áp dụng các kỹ thuật nuôi học tập được từ các mô hình khác mà ao cá của anh con nào con nấy nặng trịch... Với mô hình trang trại lớn, để tiết kiệm công lao động, Phạm Xuân Tư áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại các gốc bưởi, đu đủ, tưới giàn mưa tại ruộng ngô và trồng lúa trong hào nước. Tăng năng suất, nhưng không có nghĩa lơ là với tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh chủ trương hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, thức ăn công nghiệp. Anh Tư ủ thức ăn vi sinh cho lợn từ ngô, khoai, sắn... Ước tính doanh thu hiện tại mô hình VAC của anh khoảng 300 triệu đồng/năm. Mùa nọ nối mùa kia, Phạm Xuân Tư dồn tâm sức vào trang trại, chăm chút công việc bằng bản năng, bằng sự không ngừng học hỏi và trau dồi đúc rút kinh nghiệm.

Một trong những dự định Phạm Xuân Tư muốn làm trong năm nay là trồng cây dược liệu, trước mắt là giống nha đam và đinh lăng. Anh nhìn nhận đây là những dược liệu quý, cần thiết đối với đời sống, cho nên đầu ra sẽ thuận lợi. Anh cũng đang tìm hiểu để tới đây sẽ nuôi thêm cá chép Nhật cũng như tự nuôi cấy các giống cá cho trang trại của mình.

Tiến tới mô hình hợp tác xã

Với mong muốn giúp đỡ các bạn đoàn viên, thanh niên trong thôn lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương, anh Tư đã ấp ủ trong mình thành lập hợp tác xã, tạo sân chơi cho các đoàn viên cùng góp vốn, cùng bỏ trí tuệ, cùng lao động và cùng hưởng thành quả làm ra. Theo anh, để thoát nghèo và vươn lên làm giàu thì đoàn viên, thanh niên cần mạnh dạn khởi nghiệp, nhận khó về mình, có ý chí, quyết tâm thì có nhiều cơ hội thành công, trong đó mô hình hợp tác xã sẽ là “mái nhà” chung nuôi nấng giấc mơ trong thời buổi kinh tế hội nhập mạnh mẽ.

Thời gian này năm ngoái, Phạm Xuân Tư đã đề xuất với Đoàn Thanh niên xã Hồ Tùng Mậu thành lập Câu lạc bộ Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay, câu lạc bộ đã có 15 thành viên. Họ thường xuyên trao đổi kiến thức làm VAC, cách quản lý mô hình hợp tác xã, hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi và động viên, giúp nhau tháo gỡ khi gặp khó khăn.

Vốn là một Bí thư Đoàn, con người Phạm Xuân Tư luôn đầy nhiệt huyết thanh niên cho dù năm nay anh đã gần 40 tuổi. Đối với các hoạt động của tổ chức Đoàn, anh Tư luôn đi đầu, làm gương, hô hào thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão và có ích cho gia đình, đất nước. Vinh dự với những gì đã cống hiến, Chi đoàn thôn Mão Cầu vừa qua đã được chọn làm đại hội điểm của tỉnh Hưng Yên, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XI diễn ra trong thời gian tới.

Cá nhân anh Phạm Xuân Tư cũng nhận được nhiều bằng khen của các cấp đoàn, trong đó có Bằng khen Tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016 và Giải thưởng Lương Đình Của của Trung ương Đoàn vì gương sáng thanh niên nông thôn lập nghiệp năm 2016.

Nói về Phạm Xuân Tư, anh Bùi Kim Hiệu, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Hồ Tùng Mậu khẳng định: “Đồng chí Phạm Xuân Tư là một cán bộ đoàn gương mẫu, nhiệt tình, luôn có khát vọng làm giàu. Không những làm cho mình, Tư luôn động viên và giúp đỡ thanh niên trong thôn lập thân, lập nghiệp bằng chính sức lực của mình, mô hình VAC của Tư rất đáng để học hỏi, mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn đứng lên khẳng định bản thân mình như Tư”.

Để thoát nghèo và vươn lên làm giàu thì đoàn viên, thanh niên cần mạnh dạn khởi nghiệp, nhận khó về mình, có ý chí, quyết tâm thì có nhiều cơ hội thành công.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/doisongxahoi/item/32711802-bi-thu-doan-lap-nghiep-tren-que-lua.html