Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Xử lý dứt điểm các điểm nóng ô nhiễm

Làm việc với Sở TN&MT Đà Nẵng hôm 19-8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho biết, ngành TN&MT của TP hiện còn nhiều tồn tại phải sớm khắc phục. Cụ thể khâu giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp (DN) vẫn còn chậm, chưa kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các cơ sở DN gây ô nhiễm, nhiều điểm nóng về môi trường chưa được xử lý triệt để, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản chưa tốt...

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh làm việc với Sở TN&MT.

Môi trường phải sạch

Từ thực trạng trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo trong thời gian tới ngành TN&MT cần tập trung tham mưu cho lãnh đạo TP các giải pháp về quản lý khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho DN, công khai quy hoạch đất, quỹ đất, giá đất, minh bạch trong đấu thầu đất. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thủ tục liên quan đến giao đất và cho thuê đất phải hết sức chặt chẽ, bởi vấn đề này rất nhạy cảm, làm không đúng sẽ phải trả giá đắt.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Sở TN&MT cần tăng cường công tác thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm. Lãnh đạo TP không khuyến khích đóng cửa, nhưng cần thiết vài trường hợp gây ô nhiễm cũng phải đóng cửa để tạo sức răn đe, làm gương cho các DN khác.

Về các điểm nóng ô nhiễm môi trường, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo Sở TN&MT phải có kế hoạch, bố trí ngân sách thích hợp phân kỳ xử lý, đồng thời không để phát sinh những điểm mới. “Phải tập trung xử lý bãi rác Khánh Sơn, Âu thuyền Thọ Quang, nước thải ra biển, tinh thần là phải quyết liệt chỗ này. Nghèo đói tí không sao, nhưng môi trường phải sạch sẽ”- Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nói.

Nhiều mô hình hiệu quả

Cùng ngày, Sở TN-MT TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo chia sẻ các mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Đà Nẵng. Trong những năm qua, thực hiện đề án xây dựng “Đà Nẵng thành phố môi trường”, đã được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.

Nhiều mô hình, sáng kiến về bảo vệ môi trường đã và đang được triển khai có hiệu quả, đã được chia sẻ, nhân rộng, điển hình như: Mô hình “Câu lạc bộ môi trường” của Hội Cựu chiến binh; mô hình “Mái nhà xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, lấy Q. Thanh Khê làm điểm, nay đã nhân rộng tại 7 quận, huyện; mô hình “Mỗi hố rác, trồng 1 cây xanh” ở Hòa Vang; mô hình “Tổ dân phố văn hóa trong việc cưới, việc cúng, việc tang” của P. An Hải Đông (Q. Sơn Trà) và mô hình “Phật giáo Việt Nam Q. Sơn Trà với văn hóa, văn minh đô thị” của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Q. Sơn Trà; mô hình “thu gom vỏ và bao bì sữa” của Hội Nông dân Q. Sơn Trà; mô hình “doanh nghiệp Xanh-Sạch-Đẹp”, “làng sinh thái” của Hội Nông dân thành phố; mô hình “Vườn cây kết nghĩa” tại Ngũ Hành Sơn; mô hình “xử lý rác tại nguồn” tại Cẩm Lệ...

Những mô hình trên góp phần bảo vệ môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp. Tại Hội thảo, các ban ngành, đoàn thể, các khu dân cư nơi đã và đang thực hiện các mô hình đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay để cùng nhau rút kinh nghiệm, tạo điều kiện nhân rộng các sáng kiến mô hình bảo vệ môi trường tiêu biểu trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.

Hải Hậu - Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_153392_bi-thu-tha-nh-u-y-da-na-ng-xu-ly-du-t-die-m-ca-c-d.aspx