Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo ứng phó với bão số 10

Tại “tâm bão” Kỳ Anh vào thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đang trực tiếp chỉ đạo địa phương ứng phó với bão. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đến thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh để chỉ đạo di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo ghi nhận, từ sáng nay, trên địa bàn huyện Kỳ Anh đang có mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh, nhiều cây cối bị gãy đổ, nhà dân và công trình phúc lợi bị tốc mái.

Đặc biệt, PV Báo Hà Tĩnh ghi nhận lần đầu tiên ở thôn Minh Huệ, xã Kỳ Xuân, triều cường lên rất cao, tràn vào nhà dân ven biển.

Huyện Kỳ Anh đang chỉ đạo các địa phương bám sát cơ sở, theo dõi diễn biến của bão để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Lãnh đạo huyện Kỳ Anh tiếp tục vận động nhân dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn

Đến sáng nay, các địa phương ở huyện Kỳ Anh đã hoàn thành việc di dời 1.163 hộ dân với 3.126 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ bị ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, trước diễn biến của mưa bão, lãnh đạo huyện tiếp tục xuống cơ sở vận động người dân vùng nguy cơ đến nơi an toàn.

*Tại thị xã Kỳ Anh đầu giờ sáng nay (15/9), PV Báo Hà Tĩnh điện tử ghi nhận trên địa bàn đã có gió giật cấp 11, cấp 12 kèm theo mưa to. Toàn thị xã Kỳ Anh đã mất điện, bước đầu có 1 trường học bị tốc mái...

Với sự vào cuộc quyết liệt, đến cuối ngày hôm qua, thị xã đã hoàn thành việc sơ tán 1.226 hộ ở 7 xã, phường vùng ven biển.

Sáng nay, thị xã tiếp tục đi dời 37 hộ (197 người) nằm gần cột phát sóng Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Trần Đức Bá - GĐ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh

Lúc 7h, tâm bão ở 17,60N-107,50E; cách Đèo Ngang khoảng 120km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20 - 25km/h.

*Đến đầu sáng nay, huyện Cẩm Xuyên đã thực hiện di dời 3.652 hộ dân (vượt kế hoạch ban đầu) ở các vùng nguy hiểm đến trú ẩn nơi an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của bão, huyện tiếp tục tuyên truyền và hỗ trợ di dời thêm nhiều hộ dân.

Cẩm Xuyên cũng tổ chức di dời 3.000 hộ dân ở vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ trước 12h trưa nay. Huyện chủ trương không thực hiện di dời tập trung mà chỉ di dời những hộ có nhà ở không kiên cố sang nhà có nhà ở kiên cố gần kề.

Nhà dân ở Cẩm Nhượng bị hư hỏng do bão

Sóng dồn dập trên biển Thiên Cầm

Chia sẻ khó khăn với bà con, cán bộ, viên chức huyện Cẩm Xuyên cũng chuẩn bị các suất ăn hỗ trợ người dân di dời tại các điểm tập trung.

*Tại TP Hà Tĩnh, từ sáng nay đã có gió cấp 5-6, kèm theo mưa lớn. Hiện tại, trên địa bàn đã có một số tuyến đường bị ngập, cây cối đổ gãy...

Cảnh báo ngập nước trên đường Nguyễn Du

Cây lớn đổ lên nhà dân ở P. Nam Hà, TP. Hà Tĩnh

*Đến sáng nay, huyện Lộc Hà cơ bản di dời xong 2.688 hộ dân với gần 11.000 khẩu ở các địa phương ven biển về nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, tâm điểm Thạch Kim có hơn 340 hộ (khoảng trên 1.300 người) đã di dời đến nơi ở an toàn, như: Nhà thờ Kim Đôi, Chùa Kim Quang và nhiều nhà cao tầng khác trong cộng đồng dân cư trên địa bàn xã.

Người dân tránh bão trong Trường Tiểu học Thạch Bằng

Đến 9 giờ sáng nay, phóng viên cũng chứng kiến hàng ngàn người dân tại các xã Thịnh Lộc, Thạch Bằng đã được các lực lượng trên địa bàn giúp đỡ di dời trên nhiều loại phương tiện để đến nơi trú tránh bão an toàn.

*Vùng ven biển Thạch Hà sáng nay cũng có gió giật cấp 10 kèm theo mưa vừa.

huyện Thạch Hà đã tổ chức cho người dân ở những vùng xung yếu như: Thạch Hội, Thạch Văn, Thạch Lạc, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Hải... sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn.

Thạch Bàn là địa phương có hộ dân di dời nhiều nhất với 360 hộ và 540 người dân. Trong ảnh là cảnh người dân tạm trú ở Trường Mầm non Thạch Bàn

*Trên địa bàn huyện Đức Thọ đã có mưa to và gió mạnh cấp 8, cấp 9; nhiều biển quảng cáo, cây xanh bên một số tuyến đường đã bị gãy đổ.

Tiếp tục cập nhật...

Nhóm PV

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/video-bi-thu-tinh-uy-truc-tiep-chi-dao-ung-pho-voi-bao-so-10/140386.htm