Bị vào diện 'xử lý', Sacombank 'bốc hơi' ngàn tỷ

Bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện phải “xử lý dứt điểm”, ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) “bốc hơi” ngàn tỷ đồng chỉ sau 2 ngày

Tại cuộc họp báo diễn ra sáng 4/1, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu xử lý dứt điểm 5 ngân hàng yếu kém trong năm 2017. Theo ông Hưng, 5 ngân hàng yếu kém gồm 3 đơn vị "0 đồng" đã được mua lại là VNCB, OceanBank, GPBank và 2 nhà băng thương mại khác.

Hai ngân hàng đó là ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongABank) và ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

“Bốc hơi” ngàn tỷ

Trước khi thông tin này được Ngân hàng Nhà nước công bố, cổ phiếu STB của Sacombank đã “đón đầu” với đà giảm rất mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2017. Điều đáng nói, STB giảm sàn khi những cổ phiếu ngân hàng khác tăng rất mạnh. Đáng kể nhất là CTG của VietinBank và BID của BIDV đồng loạt tăng trần.

Bị vào diện ‘xử lý’, Sacombank ‘bốc hơi’ ngàn tỷ

Tới ngày 4/1, STB tiếp tục đi xuống. Sau 2 phiên đầu năm mới, STB đã giảm 1.250 đồng/CP, tương ứng 13,2% xuống 8.200 đồng/CP. Đây là mức giá thấp nhất của STB kể từ 22/12/2016. STB đang dần rời xa mệnh giá.

Như vậy, chỉ sau 2 ngày giao dịch, vốn hóa thị trường Sacombank “bốc hơi” 2.255 tỷ đồng và chỉ còn 14.790 tỷ đồng.

STB giảm sâu, nhiều ông chủ ngân hàng thiệt hại nặng. Là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Sacombank, ông Trầm Trọng Ngân, con trai đại gia ngân hàng Trầm Bê mất mát nhiều nhất trong những ngày đầu năm mới. Tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trầm Trọng Ngân giảm 111 tỷ đồng xuống 731 tỷ đồng.

Với 731 tỷ đồng, ông Trầm Trọng Ngân rơi xuống vị trí thứ 35 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trước đây, vị trí quen thuộc của ông Ngân là Top 20. “Chốt” năm 2015, ông Ngân đứng ở vị trí 16 với 995 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Ngân giảm tới 265 tỷ đồng, tương ứng 27%.

Cổ phiếu STB lao dốc, ông Đặng Hồng Anh, con trai đại gia Đặng Văn Thành thậm chì còn rớt hạng sâu hơn ông Trầm Trọng Ngân. Sau 2 phiên đầu năm mới, tài sản của ông Đặng Hồng Anh giảm 12 tỷ đồng xuống 282 tỷ đồng. Thiếu gia họ Đặng rớt xuống vị trí 77 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Đứng ngay sau ông Đặng Hồng Anh là ông Trầm Khải Hòa, em trai ông Trầm Trọng Ngân. Nếu năm 2015, ông Hòa đứng trong Top 40 thì hiện tại ông Hòa rớt xuống vị trí 78 với 273 tỷ đồng.

Những vấn đề đã lộ diện

Sacombank cùng 4 ngân hàng khác bị Ngân hàng Nhà nước đánh giá là “yếu kém” cần được “xử lý dứt điểm”. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không nêu rõ những vấn đề cụ thể tại Sacombank. Tuy nhiên, nếu “soi” báo cáo tài chính quý 3/2016 của Sacombank, có thể thấy, một số vấn đề đã lộ diện.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Sacombank chỉ đạt 150 tỷ đồng, giảm 338 tỷ đồng, tương ứng 69%, lũy kế 9 tháng đạt 459 tỷ đồng, giảm 1.209 tỷ đồng, tương ứng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận 9 tháng đầu năm của Sacombank thậm chí còn có thể “bốc hơi” 50% nếu Sacombank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng như năm ngoái. Nhưng 9 tháng đầu năm, Sacombank chỉ trích lập 677 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.004 tỷ đồng năm ngoái.

Điều đáng lưu ý chính là Sacombank giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dù ngân hàng vẫn có tăng trưởng tín dụng dương. Tại thời điểm cuối quý 3, cho vay khách hàng của Sacombank đạt 195.105 tỷ đồng, tăng 9.188 tỷ đồng, tương ứng 4,9%.

Tăng trưởng cùng tín dụng là nợ xấu. Cuối quý 3, nợ xấu của Sacombank là 4.620 tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên tới 3.095 tỷ đồng. Hồi cuối năm 2015, nợ xấu tại Sacombank là 3.449 tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng dư nợ. Có thể thấy, Sacombank đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng cả về số tương đối và tuyệt đối.

Trả lời trên Trí thức trẻ, ông Kiều Hữu Dũng, chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước đề cập đến 5 ngân hàng như vậy tức là đề cập đến 3 nhóm gồm nhóm ngân hàng 0 đồng, DongAbank và còn Sacombank là trường hợp sau sáp nhập. Với mỗi nhóm này, cơ quan quản lý sẽ có cách thức xử lý khác nhau.

Ông Dũng khẳng định Sacombank không phải ngân hàng yếu kém mà vẫn đang ở top đầu hệ thống. Có 1 nhà đầu tư nước ngoài đang ngỏ ý đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank, 1 nhà đầu tư trong nước sẵn sàng mua 20% vốn ngân hàng với giá gấp đôi thị giá.

>>> Đọc thêm: Những sóng gió ở Sacombank, ACB hậu bầu Kiên, Trầm Bê

Bảo Linh

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/bi-vao-dien-xu-ly-sacombank-boc-hoi-ngan-ty-d296773.html