Biển Đà Nẵng ô nhiễm nặng, thành phố vẫn loay hoay chọn phương án

Biển Đà Nẵng đang bị ô nhiễm nặng bởi nước thải từ các khu dân cư khiến lãnh đạo và người dân vô cùng bức xúc, lo lắng. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan chức năng vẫn phải loay hoay lựa chọn hoặc khu dân cư ngập úng, hoặc biển mất vệ sinh.

Ông Thuận chỉ các cống xả thải từ khu dân cư gây ô nhiễm nặng cho biển Đà Nẵng và làm ảnh hưởng đến công việc đánh bắt gần bờ của ngư dân

Xả thải khu dân cư gây ô nhiễm biển

Đi dọc dải ven đường Nguyễn Tất Thành, thuộc địa phận quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), nhiều người không khỏi bức xức khi thường xuyên ngửi mùi hôi thối, bốc lên nồng nặc từ các cửa xả thải khu dân cư đổ ra biển.

Ông Nguyễn Văn Thuận (SN 1947, ngụ tổ 91, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê ) cho biết, bãi biển Thanh Khê dài 4,3 km nhưng có đến 9 cống xả thải trực tiếp ra biển. Trong đó có 3 cống gồm kênh Phú Lộc, Tôn Thất Đạm và trước một khách sạn thường xuyên hoạt động. Vào mỗi đợt cao điểm, nước biển Thanh Khê quanh miệng cống thải lại đen ngòm, trôi nổi xác động vật.

Tình trạng trên đã làm cho môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, du khách không ai dám xuống tắm; cư dân sinh sống và buôn bán gần các cống thải này cũng hết sức khổ sở vì cả ngày phải ngửi mùi khó chịu. “Hơn 5 năm nay rồi. Từ khi hoàn thành việc xây dựng các cống thải, hễ mưa to là nước đen ngòm bốc mùi tràn ra biển”, ông Thuận bức xúc.

Anh Trương Bá Việt (SN 1993, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) bày tỏ, trước đây vào mỗi buổi chiều, gia đình anh thường ra vùng biển gần cầu Phú Lộc để tắm. Tuy nhiên, mùa hè năm nay thì anh không dám ra khu vực này nữa vì nước trở nên đen sì thấy rõ và bốc mùi thối cả một đoạn dài. Ngoài ra, cách đây 1 tháng, anh còn chứng kiến nhiều đứa trẻ trong xóm đi ra biển tắm về bị nổi mẩn, ngứa ngáy khó chịu.

Đáng nói, ô nhiễm biển không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn khiến việc đánh bắt cá của ngư dân bị ảnh hưởng nặng. Đơn cử như gia đình ông Thuận, vốn sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ tại đoạn kênh Phú Lộc, nhưng chưa năm nào ông lại thất thu tôm cá như thời gian vừa qua. Ngư dân muốn đánh bắt phải đưa thuyền thúng ra xa bờ hơn trước hàng kilômét. Đặc biệt, theo ông Thuận, các cống nước thải chảy rất mạnh vào buổi tối, nên sau 1 đêm không ít bà con làng chài phát hiện cá chết nổi lên quanh bờ.

Ghi nhận những phản ánh từ người dân, ngay từ khi vừa mới nhậm chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (năm 2015), ông Nguyễn Xuân Anh đã đích thân đi thị sát cống xả thải kênh Phú Lộc đổ ra biển Nguyễn Tất Thành. Với những gì được tận mắt chứng kiến, tại đây, ông Nguyễn Xuân Anh đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm ô nhiễm. Thế nhưng, gần 1 năm trôi qua tình trạng vẫn chưa thay đổi và biển Đà Nẵng vẫn đang được xem như bể hứng nước thải khổng lồ của thành phố.

Loay hoay lựa chọn hướng xử lý!

Ông Mai Mã, Giám đốc Cty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng thông tin, ngoài khu vực Thanh Khê, ven biển Đà Nẵng hiện có thêm 36 cống nước thải từ các khu dân cư đổ ra nữa. Trong khi đó, Đà Nẵng chỉ có 4 trạm xử lý nước thải hoạt động nhưng công suất chỉ đạt 100.000m3/ngày.

Vì thế, phần lớn các cống chưa hề được xử lý hoặc chỉ được xử lý một phần. Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải của Đà Nẵng đang gộp chung với hệ thống thoát nước mưa. Hệ thống này lại đang ở trong tình trạng quá tải nên khi trời mưa, điều dễ hiểu là lượng nước đổ về lớn khiến nước thải chảy tràn ra cống.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, theo ông Mã, Cty đã áp dụng nhiều biện pháp tạm thời như: gạt lại cát tại các cống xả nhằm tạo cảnh quan, cho công nhân môi trường phun hóa chất khử mùi tại các cửa xả. Ngoài ra, đơn vị tiến hành xây dựng hệ thống van lật giữ nước thải. Tuy nhiên, hiện mới chỉ được thành phố đồng ý cho áp dụng được tại 4 cửa xả.

“Đà Nẵng đang trở thành trung tâm du lịch của cả nước, nếu tình trạng này không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng đến vẻ đẹp của các bãi biển. Chúng tôi rất lo lắng điều này. Tuy vậy, Cty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng buộc phải để nước thải tràn ra biển. Lý do, nếu chặn các cửa cống ngăn rác, biện pháp này lại gây ra ngập úng ở các khu dân cư. Vì thế, các cấp lãnh đạo chỉ còn cách hoặc để các khu dân cư ngập úng, hoặc để bãi biển mất vệ sinh”, ông Mã chốt lại các ý kiến.

Tương tự, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng xác nhận, do hệ thống xử lý nước thải quá tải, cũ kỹ nên nước thải ô nhiễm, bốc mùi hôi thối thường xuyên tràn ra biển. “Chúng tôi biết và cũng đau đáu lắm, nhưng chưa thể xử lý vấn đề này được. Nếu có cũng chỉ còn cách dùng một số phương pháp để hạn chế mùi hôi của nước thải. Ban đã từng nhiều lần kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch nhưng không ăn thua”, ông Nghĩa trình bày.

Ông Nghĩa kiến nghị thêm, thành phố cần phải giao cho các quận hoặc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng quản lý, chứ cơ chế như hiện tại còn quá chung chung, không có trách nhiệm rõ ràng. Đơn vị nào được phân cấp sẽ vừa có trách nhiệm khai thác, vừa có nhiệm vụ bảo vệ.

Vũ Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/bien-da-nang-o-nhiem-nang-thanh-pho-van-loay-hoay-chon-phuong-an-288218.html