Biến độc dược thành “tiên dược”

QĐND - Lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, Hà Giang, du khách sẽ được thưởng thức món ăn đặc biệt không nơi nào có. Đó là cháo ấu tẩu. Cháo ấu tẩu không chỉ là một món ăn đơn thuần mà còn như một loại thuốc quý, có tác dụng giải cảm, giãn gân cốt, giảm đau cơ, nhức xương và đặc biệt là tác dụng xua tan mệt mỏi và tinh thần thoải mái.

Nguyên liệu chính của món cháo ấu tẩu là củ ấu tẩu. Củ ấu tẩu có màu đen, mỏ nhọn, được thu hoạch từ cây ô đầu, mọc hoang ở vùng núi cao các tỉnh vùng Tây Bắc. Cây ô đầu là một loại cây thảo thuộc họ Mao lương. Cây cao khoảng 0,6-1m, có rễ củ hình nón, mọc thành chuỗi, có củ cái, củ con. Những lá cây còn non hình tim tròn, có răng cưa to. Những lá già xẻ ba thùy không đều, mép khía răng nhọn. Hoa to màu xanh lam, mọc thành chùm ở ngọn và thân. Quả có 5 múi mỏng, hạt có vảy. Cây ô đầu mọc ở vùng núi cao lạnh, những khe suối. Vào mùa xuân, ở một kẽ lá của cây ô đầu nảy ra chồi để sau này thành cành mang hoa, đồng thời dưới đất, nơi gần cổ rễ mẹ, mọc ra rễ con. Cuối thu sang đông, khi cây nở hoa thì rễ con (phụ tử) thành củ con (ấu tẩu) xúm xít quanh củ mẹ (ô đầu). Vào thời kỳ này, người ta thu hái phụ tử.

Hoa cây ô đầu.

Theo y học dân tộc, ô đầu vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, có tác dụng trợ dương, bỏ hỏa, trừ phong hàn, táo thấp. Trong Đông y, ô đầu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi tê bại, bán thân bất toại. Thành phần hóa học của ô đầu chủ yếu là aconitin, một ancaloit có độc tính cao, thuộc loại thuốc độc bảng A. Vì thế, khi dùng ô đầu, phải thật thận trọng, chỉ dùng xoa bóp dưới dạng rượu thuốc.

Ấu tẩu là loại củ có độc nhưng qua kinh nghiệm lâu đời cùng với cách chế biến khéo tay của người dân Hà Giang, nó đã trở thành nguyên liệu của một món ăn ngon và có ích cho sức khỏe. Cháo có vị hơi đắng nhưng lại rất thơm ngon với mùi thơm của nếp cái hoa vàng cùng vị bùi ngậy của ấu tẩu.

Ấu tẩu có tính rất độc, muốn giảm bớt độc tính phải có bí quyết. Đó là phải ngâm kỹ ấu tẩu trong nước vo gạo đậm đặc một đêm. Sau đó, rửa thật sạch và đem hầm hơn 4 giờ, tới khi bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Thứ bột này đem đổ vào nồi cháo chân giò lợn, gạo tẻ, có khi thêm tí nếp cho sánh thơm. Lửa liu riu trên bếp, nồi cháo lúc nào cũng bốc hơi lục sục. Khi ăn, người ta múc ra bát, cho thêm quả trứng gà, thịt nạc băm, cùng ớt, tiêu, hành và đặc biệt là lá tía tô, làm tăng thêm tác dụng giải cảm.

Cháo ấu tẩu nấu xong có sắc nâu đậm, nhìn giống bát cháo lòng của người miền xuôi, vị bùi, béo và thơm đặc biệt. Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo ấu tẩu là vị đắng như tam thất. Tuy nhiên, cái vị đắng ấy hòa cùng vị bùi, dẻo, quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt ngào trong cổ, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.

Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa nhưng đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Bởi lẽ theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây, cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Với nhiều người dân ở thị xã vùng cao này, cháo ấu tẩu là món ăn đêm quen thuộc. Tối tối, khi nhà nhà lên đèn cũng là lúc hàng cháo ấu tẩu tấp nập khách ra vào. Thanh niên đi chơi khuya, người buôn bán xuôi ngược, có khi cả một gia đình vợ chồng con cái trước khi đi ngủ... đều rủ nhau đến hàng cháo ấu tẩu.

Người Hà Giang nghiện cháo ấu tẩu, coi đó như đặc sản của quê hương mình. Khách xa đến Hà Giang đều được mời ăn cháo ấu tẩu. Ăn bát cháo ấu tẩu, ngắm núi non hùng vĩ, đó là kỳ thú Hà Giang.

Bài và ảnh: Lê Hạnh Phương

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/74/74/74/167053/Default.aspx