Biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái khu vực ĐBSCL

Tác động của khai thác các dòng chyy và biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái khu vực ĐBSCL.

1. Tác động của khai thác các dòng chảy sông Mekong đến môi trường sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Như chúng ta được biết sông Mekong là con sông lớn và là sông quốc tế chảy qua sáu quốc gia: Trung Quốc, Myamar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) ở Việt Nam là phần hạ lưu cuối cùng của hệ thống sông Mekong trước khi chảy ra Biển Đông nên nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất không chỉ hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản, sinh kế, sinh hoạt văn hóa của hàng triệu cư dân mà còn đóng vai trò quyết định lên quan đến các hệ sinh thái đất ngập nước phong phú trong khu vực dưới tác động của lũ lụt và xâm nhập mặn của vùng này theo mùa.

Theo Lê Anh Tuấn (2016) sông Mekong có diện tích lưu vực vào khoảng 795.000 - 810.000 km2, chiều dài dòng chính là 4.350 km. Sông Mekong đứng thứ 12 trên thế giới về chiều dài dòng chính, đứng hàng thứ 14 trên thế giới về lưu lượng dòng chảy năm và là con sông có độ biến động lưu lượng dòng chảy theo mùa lớn nhất thế giới, lưu lượng tối thiểu mùa khô và lưu lượng tối đa trong mùa lũ có thể lệch nhau trong khoảng 1.250 – 67.000 m3/s (Baran, 2010).

Mỗi năm sông Mekong tải khoảng 160 triệu tấn phù sa và các chất dinh dưỡng trong nước (Milliman and Ren, 1995), góp phần lớn cho việc kiến tạo nên vùng châu thổ đồng bằng và sự màu mỡ cho vùng hạ lưu, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Việt Nam và phù sa trên sông Mekong khi đổ ra biển Đông mang theo nhiều thức ăn và dinh dưỡng đã tạo nên một vùng phát triển các loài thủy sinh rộng lớn cho thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

Nguồn cá phát triển tự nhiên trên hệ thống sông Mekong được đánh giá là tài nguyên cá nước ngọt nội địa lớn nhất thế giới, cung cấp nguồn dinh dưỡng và sinh kế cho hàng triệu cư dân ở khu vực (Baran et al, 2013). Chỉ riêng loài cá, lưu vực sông Mekong đã có vào khoảng 768 - 1.200 loài cá khác nhau (Baran, 2010) và hơn 23 loài cá di cư quý giá khác, trong đó có nhiều loại quý hiếm nên là nguồn lợi phong phú cho sinh kế của cư dân sống dọc theo dòng sông Mekong.

Ngoài ra, tài nguyên nước sông Mekong còn mang lại nhiều lợi ích về hệ sinh thái đất ngập nước, giúp bảo tồn và phát triển nhiều loại động và thực vật đặc trưng và hiếm hoi trong vùng. Song song đoa, vùng hạ lưu sông Mekong là một vùng đất ngập nước theo lũ rất đặc trưng và có tính đa dạng sinh học phong phú so với nhiều nơi khác trên thế giới.

Tác động của khai thác các dòng chảy và BĐKH tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái khu vực ĐBSCL.

Do sông Mekong là một con sông quốc tế nên từ 1957, bốn quốc gia hạ nguồn dọc sông là Thái lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã hình thành một hình thức hợp tác với tên đại diện là Ủy ban Mekong. Năm 1995, bốn quốc gia này đã ký Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, và từ đó lập ra Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission), viết tắt là MRC.

Năm 2010, Hội nghị cấp cao đầu tiên của chính phủ 4 nước MRC, tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan, đã ra tuyên bố Hua Hin với đoạn (MRC, 2010a): “Chính phủ các nước thành viên là rất cần thiết nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do các hiện tượng tự nhiên và con người gây ra, và bảo vệ giá trị lớn lao của các hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái”. Tuy nhiên vấn đề phát triển thủy điện trên hệ thống sông Mekong lại gây ra những bất đồng và tranh cãi.

Hơn 40 năm qua, nhiều nhà khoa học đã nhìn nhận rằng dòng chảy sông Mekong, bao gồm cả đoạn Thượng Mekong – Lancang, là nguồn thủy năng phong phú với tải lượng dòng chảy lớn và thế năng cao tạo nhiều tiềm năng cho xây dựng và khai thác thủy điện. Kế hoạch xây dựng các chuỗi nhà máy thủy điện, cả trên dòng chính và dòng nhánh của hệ thống sông Mekong để sản xuất năng lượng cho các quốc gia phía thượng nguồn, sẽ tạo nên nhiều ảnh hưởng đến dòng chảy về phía hạ lưu, cả về sự phân bố lượng và chất của dòng nước theo mùa.

Dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, được đánh giá là vấn đề nghiệm trọng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong tương lai, đặc biệt cho an ninh nguồn nước (Tuấn, 2016). Đến nay, Ủy hội Sông Mekong đã công bố có 11 dự án thủy điện được chính phủ Lào, Thái Lan và Cambodia dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong. Ở các chi lưu sông Mekong, các quốc gia Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam đều có những dự án đập nước - thủy điện. Hình 1 là bản đồ địa điểm các dự án thủy điện trên hệ thống Mekong.

1.1 Tác động của chuỗi thủy điện lên nguồn nước ở ĐBSCL

Do dòng chảy tự nhiên trên sông bị chặn hình thành những đoạn hồ chứa dạng bậc thang, nên tiến trình thủy văn sông ngòi sẽ thay đổi và có thể bị kiểm soát dòng chảy theo ý muốn phát điện của các chủ nhân các nhà máy thủy điện. Đặc biệt vùng đồng bằng phía hạ lưu, gồm cả phía dưới khu vực dòng TonLe Sap của Cambodia và vùng ĐBSCL của Việt Nam, sẽ bị tác động mạnh mẽ do hoạt động của chuỗi nhà máy thủy điện trên thượng nguồn.

Các tác động sẽ bao gồm thay đổi đặc điểm quy luật thủy văn, thủy lực của dòng chảy, suy giảm chuyển tải trầm tích bao gồm cả chất dinh dưỡng trong nước, thay đổi hình thái sông, ảnh hưởng đến chất lượng nước và gia tăng nguy cơ nhiễm mặn cho vùng ven biển (Lê Anh Tuấn, 2016).

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/bien-doi-khi-hau-va-moi-truong-sinh-thai-khu-vuc-dbscl-3321820/