Biển Đông ‘tăng nhiệt’, Nhật tính cho Philippines thuê máy bay giám sát

Giữa lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng, Nhật Bản ngỏ ý muốn cho Philippines thuê máy bay TC-90 để giúp nước này cải thiện khả năng giám sát biển.

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, chính phủ Nhật Bản đang có ý định cho Philippines thuê máy bay huấn luyện TC-90 để giúp nước này cải thiện khả năng giám sát ở Biển Đông, báo Thanh Niên dẫn nguồn tin từ Kyodo News ngày 29/2. Cụ thể, Kyodo News dẫn một số nguồn tin tiết lộ rằng chính phủ hai nước dự kiến ký một thỏa thuận về việc cho thuê TC-90 sớm nhất vào tháng 3 tới.

Máy bay TC-90 sẽ giúp Philippines tăng cường khả năng giám sát biển trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh Bộ Quốc phòng Nhật

Trước đó, một số nguồn tin ở Nhật tiết lộ với Reuters rằng Tokyo muốn tặng cho Manila 3 máy bay TC-90 để tuần tra Biển Đông. The tờ The Japan Times, Nhật quyết định cho Philippines thuê TC-90 vì luật pháp Nhật không cho phép cấp miễn phí thiết bị quốc phòng cho những nước khác.

Hiện máy bay TC-90 đang được Lực lượng phòng vệ Nhật dùng để huấn luyện phi công quân sự, nhưng nó có thể được gắn radar giám sát trên biển và trên không nếu được chuyển giao cho Philippines, theo Reuters. Giới quan sát quốc tế bình luận, động thái mới nói trên được cho là nhằm tăng cường quan hệ an ninh Nhật - Philippines để ứng phó tình trạng Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo VOV, Philippines ngày 29/2 lặp lại yêu cầu Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết mà Tòa Trọng tài Quốc tế sắp công bố liên quan đến vụ kiện Biển Đông. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh: “Philippines và cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa cũng như cùng tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Vụ kiện Biển Đông thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, đặc biệt là khi tình hình Biển Đông ngày một căng thẳng phức tạp. Ảnh minh họa

“Nếu Trung Quốc không đáp ứng lời kêu gọi của chúng tôi, phải chăng Trung Quốc đang coi mình đứng trên cả luật pháp”, ông Rosario nói. Theo ông Rosario, phán quyết về vụ kiện Biển Đông sẽ được Tòa công bố vào tháng 5 tới và Manila và Bắc Kinh đã gặp nhau vài lần để đối thoại về những tranh chấp trên Biển Đông nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào.

Đáp trả lại tuyên bố nói trên của Ngoại trưởng Philippines Rosario, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cùng ngày nhắc lại quan điểm rằng nước này sẽ không tham dự phiên xét xử của Tòa. Trước đó, Trung Quốc từng từ chối công nhận tính pháp lý của Tòa và nhấn mạnh, mọi tranh chấp trên Biển Đông đều phải giải quyết qua đối thoại song phương.

Trước đó, trong chuyến thăm Mỹ tuần trước, trước tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh việc quân sự hóa ở Biển Đông bằng việc xây dựng các công trình quân sự và đưa các trang thiết bị quân sự đến các đảo nhân tạo trái phép, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng bao biện rằng đây chỉ là hành động mang tính tự vệ.

Trái lại, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm cho rằng tranh chấp Biển Đông chỉ nên được giải quyết bằng con đường đàm phán song phương. Getty/Bloomberg

Ông Vương Nghị cũng tuyên bố, Trung Quốc vẫn sẵn sàng thực hiện đàm phán song phương với các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông. Đáng chú ý, lời kêu gọi nói trên của Ngoại trưởng Philippines Rosario được đưa ra không lâu sau khi Trung Quốc lên tiếng cáo buộc Manila “cố tình khiêu khích chính trị”.

Vân Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

Chất lượng Việt Nam

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-hom-nay-ngay-132016-d83710.html