“Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để phát triển”

Chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 2 hôm qua (29/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Phải luôn luôn cố gắng giành được thế chủ động, không được để bị động, bất ngờ; phải hạn chế thấp nhất khó khăn thách thức, thậm chí là phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, thuận lợi, hành động để phát triển”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Vào cuộc khắc phục thiên tai

Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá, tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế dịch vụ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2016 tăng 0,42% so với tháng trước. Xuất khẩu 2 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 865 triệu USD. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 1,64 triệu lượt, tăng 16%...

Tuy nhiên, sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới và khu vực; giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục… Đáng chú ý, tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt tại các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, năm 2015, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã có gần 40.000ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, xâm nhập mặn diễn biến rất đáng lo ngại, vào sâu trong đất liền từ 50 - 90km, dự kiến có thể ảnh hưởng đến 340.000ha lúa trong khu vực.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chỉ đạo tập trung khắc phục thiên tai, bảo đảm nước sinh hoạt, nước sản xuất cho nhân dân. Theo đó, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương ngăn mặn, giữ ngọt ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trên tinh thần huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân.

Bộ Tài chính sử dụng kinh phí ngân sách dự phòng, cấp cho địa phương để bảo đảm tốt công tác hỗ trợ người dân chịu thiệt hại về diện tích sản xuất, giảm thiểu thiệt hại đi đôi với triển khai những giải pháp căn cơ ứng phó tốt với tình huống thời tiết xấu mà theo dự báo có thể kéo dài đến tận tháng 6/2016.

Tạo nền tảng vĩ mô vững chắc cho tăng trưởng cao hơn

Liên quan đến công tác cải thiện môi trường đầu tư, dù đã có kết quả bước đầu nhưng còn chưa nhất quán, thủ tục hành chính còn rất phiền hà, khó khăn, theo Thủ tướng, cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, tận dụng tốt các hiệp định thương mại vừa được ký kết. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần hết sức lưu ý, đề xuất những giải pháp để ứng phó kịp thời những dự báo bất lợi của tình hình thế giới trong thời gian tới như sự giảm sút tăng trưởng GDP, sự xuống dốc của giá dầu thô.

“Chúng ta cần hết sức lưu ý theo dõi sát diễn biến tình hình để kịp thời phân tích, phản ứng chính sách, đề ra các giải pháp hiệu quả để ứng phó, bảo đảm nhanh nhất, có lợi nhất. Phải luôn luôn cố gắng giành được thế chủ động, không được để bị động, bất ngờ; phải hạn chế thấp nhất khó khăn thách thức, thậm chí là phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, thuận lợi, hành động để phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói và nhấn mạnh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%; tạo nền tảng vĩ mô vững chắc cho tăng trưởng cao hơn cho những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng, chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường phòng, chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, các cấp chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Chính phủ; các cam kết quốc tế trong các Hiệp định Thương mại Tự do (cả những mặt thuận lợi, cơ hội lẫn khó khăn, thách thức khi tham gia).

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện các Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, các dự án luật... để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quốc hội tại kỳ họp tới.

Chuyển giao nhân sự, Chính phủ vẫn bảo đảm trách nhiệm

Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chúc mừng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng được Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ cương vị Bí thư Thành ủy các TP: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên được Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, phần việc của các cán bộ chuyển công tác đã được chuyển giao sang các thành viên Chính phủ khác phụ trách, xử lý để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ cho biết, về mặt pháp lý, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng được Bộ Chính trị phân công công tác mới vẫn là thành viên Chính phủ, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý chỉ đạo, điều hành các công việc vẫn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điều chỉnh phân công công tác của thành viên Chính phủ. Công việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đảm nhiệm; của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên được giao cho đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/bien-kho-khan-thach-thuc-thanh-co-hoi-de-phat-trien_t114c67n100514