Biến pín bò thành pín hải cẩu

Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có nhiều sinh vật biển quý hiếm như hải mã, ngọc trai, dugong... nên không ít người đã dựa vào đó để chế tác đồ giả lừa du khách.

Sau “mê hồn trận” ngọc trai, nay nhiều người nghĩ ra "chiêu" giả pín hải cẩu để "móc túi" người tiêu dùng. Tràn lan “thần dược” pín hải cẩu Thị trấn An Thới có nhiều điểm buôn bán pín hình thù đầy gai góc, dễ dàng thu hút du khách. Thấy khách ngạc nhiên ngắm nghía, người bán - thường là các cô các bà - nhanh nhảu: “Đó là pín hải cẩu, rất hiếm, chỉ Phú Quốc mới có. Mua về ngâm rượu uống bà xã cưng lắm”. Giá 1 cái pín từ 180.000 đồng đến 240.000 đồng. Theo lời giới thiệu của một chị bán hàng tên L., một pín hải cẩu ngâm trong 1,5 lít rượu trắng, khoảng 15 ngày sau uống "công hiệu thần sầu". Chị L. tía lia rằng, pín hải cẩu trị được chứng nhức mỏi, đau lưng và quan trọng nhất là tăng cường bản lĩnh đàn ông. Có nơi người bán còn mách bảo tỉ mỉ về công dụng của pín và khuyên nên ngâm 1 cặp pín trong 1 chai rượu thì công hiệu sẽ tăng gấp bội. Một chị bán hàng tên D. nói với khách nam rằng, nếu đi làm việc thì mua về vài cặp pín tặng sếp "được lòng lắm", bởi đàn ông ai không khoái mấy chuyện đó. Chúng tôi thắc mắc hỏi chị D. ở đâu mà kiếm được pín hải cẩu nhiều quá, chị cười ngất và nói mấy ngư dân đi biển đánh lưới được hải cẩu chứ đâu. Pín bò rẻ tiền bị “biến” thành pín hải cẩu Dạo quanh chợ pín hải cẩu mới nhận ra một điều, không phải người bán nào cũng giới thiệu là pín hải cẩu. Có người bán lại “nâng tầm” pín hải cẩu thành pín bò biển (còn gọi dugong hoặc “nàng tiên cá”, cực hiếm ở Phú Quốc). Vì bò biển hiếm hơn hải cẩu nên giá trị nâng cao thêm vài trăm ngàn đồng. Nếu du khách thắc mắc, sao mấy cái pín bò biển này không khác pín hải cẩu ở mấy tiệm kia, liền được trả lời: “Pín dỏm đó, mua về ngâm rượu uống thêm tức. Chỉ mỗi chỗ tôi mới bán pín thật”. “Toàn là pín bò, rễ cây” Ông S., chủ một hộ bán hải sản lâu đời, ngán ngẩm: “Pín hải cẩu, bò biển gì đâu chú em ơi, toàn bán buôn lừa đảo du khách. Pín đó là pín con bò, chỉ vài chục ngàn đồng một cái chứ bao nhiêu. Họ “lên đời” thành pín hải cẩu, bò biển rồi bán vài trăm ngàn đồng. Du khách mua trả giá cỡ nào cũng bị dính”. Theo ông S., pín bò được sấy khô, thêm màu mè cho có hình thù lạ mắt là đã thành “pín hải cẩu”. Riêng phần đầu pín tua tủa gai là do người bán lột da lưng các loại cá biển ép vô cho “nhìn thấy ghê để tăng độ tin cậy”. Thậm chí, có nơi còn dùng mấy rễ cây đẽo gọt cho tua tủa rồi treo bán, quảng cáo đó là pín hải cẩu. Ông S. cười cười: “Trò lọc lừa đó mới xuất hiện vài năm nay thôi, ngặt nỗi có rất nhiều người cả tin nên sẵn sàng bỏ tiền ra mua mà không chút đắn đo. Tôi sống ở biển hàng chục năm, thấy ngư dân Phú Quốc bắt được cá mập nhưng chưa ai bắt được hải cẩu bao giờ. Mà hải cẩu làm gì có ở VN, săn bắt bò biển, hải cẩu là phạm pháp, nói chi tới chuyện treo bán công khai các bộ phận của chúng”. Ông S. cho biết thêm, sở dĩ chuyện bày bán pín hải cẩu giả mà không bị cơ quan chức năng dẹp là bởi khi có ban ngành kiểm tra, người bán nói đó là pín bò, đến khi gặp du khách thì họ nói là pín hải cẩu, pín bò biển... "Bán pín bò thì đâu vi phạm nên chợ pín hải cẩu dỏm vẫn mặc nhiên tồn tại ở thị trấn An Thới, thị trấn Dương Đông…", ông S. nói. Hải cẩu không sinh sống ở các vùng biển VN. Họa hoằn lắm ngư dân VN mới bắt được vài con hải cẩu từ vùng biển nước khác lạc đến. Năm 2008, Viện Hải dương học tiếp nhận một con hải cẩu nặng 5 kg do ngư dân Quảng Ngãi đánh lưới bắt được trên biển. Trước đó, Viện này tiếp nhận 3 con hải cẩu do ngư dân bắt được. Số hải cẩu trên được xác định là hải cẩu Phoca Larga sống ở vùng biển Nhật Bản, bị nước biển cuốn trôi đến hải phận VN... Thanh Dũng

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201016/20100418003536.aspx