Biến tướng buôn lậu qua loại hình hàng quá cảnh - Bài 2: Chặn bắt ngay tại cửa khẩu

Liên tục trong thời gian gần đây, khi nghi ngờ một số lô hàng quá cảnh qua cảng Cái Mép và cảng Cát Lái TP.HCM, các đơn vị hải quan gồm: Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan), Cục Hải quan TP.HCM, Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu đã thực hiện kiểm tra, bắt giữ ngay tại cửa khẩu, với số lượng lên đến hàng chục container.

Hàng lậu bị phạt hiện trong lô hàng quá cảnh tại cảng Cái Mép- Vũng Tàu. Ảnh: T.H.

Chủ yếu là hàng cấm

Các lô hàng bị phát hiện, bắt giữ ngay tại cửa khẩu hầu hết là do cơ quan Hải quan thực hiện khám xét vì các DN vận chuyển đều chối bỏ hàng, hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là điện tử, điện lạnh cấm nhập khẩu, hàng vận chuyển quá cảnh có điều kiện.

Ngày 5/5, tại cảng Cát Lái- TP.HCM, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và các cơ quan chức năng thực hiện khám xét 2 container hàng trung chuyển, phát hiện chứa rất nhiều hàng lậu, hàng cấm. Theo lãnh đạo Đội 3, 2 container hàng nêu trên là hàng trung chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam để qua Campuchia. Khi lô hàng cập cảng Cát Lái, Đội 3-Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn nên đã theo dõi, giám sát và thực hiện quyết định khám xét. Kết quả phát hiện trong 2 container chứa gần 100 xe gắn máy; nhiều thiết bị văn phòng, âm ly… đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Trước đó, tại cảng Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu), Đội 3 - Cục Điều tra chống buôn lậu và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép cũng đã nghi vấn nhiều lô hàng quá cảnh, nên thực hiện khám xét, phát hiện hàng chục container hàng quá cảnh chứa hàng lậu là hàng điện tử, điện lạnh, xe máy… tất cả đều đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Có những trường hợp, các đối tượng còn cất giấu cả xe ô tô trong lô hàng quá cảnh. Điển hình, tháng 6/2016, khám xét lô hàng vận chuyển quá cảnh từ Hàn Quốc về Việt Nam để xuất khẩu sang Campuchia, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp Đội 3 – Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện bên trong chứa 2 chiếc ô tô đã qua sử dụng và hàng chục động cơ ô tô đã qua sử dụng. Lô hàng này do Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại XNK Ngân hàng thực phẩm (140/12 Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp TP.HCM) là người vận chuyển, hàng hóa thể hiện là container vải vụn, mới 100%. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, đối với số hàng sai khai báo này theo quy định nếu quá cảnh phải có giấy phép của Bộ Công Thương, DN không có giấy phép này nên mới ngụy trang là vải vụn!

Không chỉ hàng lậu, hàng cấm ẩn danh hàng quá cảnh vận chuyển qua đường biển, các đối tượng còn lợi dụng đường hàng không quá cảnh những lô hàng có trị giá cao. Mới đây, vào cuối tháng 4/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện lô hàng thiết bị y tế là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng, nhưng khi làm thủ tục nhập khẩu, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong (địa chỉ: 39B Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM)- doanh nghiệp đứng tên mở tờ khai hải quan, đã khai báo lô hàng nhập khẩu mới 100% nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công Thương. Lô hàng này gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá khoảng trên 3,2 tỷ đồng cũng với phương thức lợi dụng quá cảnh đi Campuchia để nhập hàng cấm.

Đủ chiêu trò

Ngoài những thủ đoạn trên, một số đối tượng còn lợi dụng loại hình hàng quá cảnh được miễn kiểm tra thực tế để chuyển loại hình, thẩm lậu trở lại thị trường Việt Nam tiêu thụ… Trên thực tế, cơ quan Hải quan đã phát hiện một số trường hợp thể hiện người nhận hàng ban đầu theo khai báo trên manifest là DN tại Việt Nam, khi cơ quan Hải quan hoặc các lực lượng chức năng khác phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, tiến hành kiểm tra hàng hóa thì DN không đến làm thủ tục, sau đó “xuất chiêu” điều chỉnh người nhận hàng tại Campuchia và các nước khác và làm thủ tục quá cảnh lô hàng.

Một thủ đoạn gian lận nữa đối với hàng quá cảnh đó là đối với những lô hàng gồm mặt hàng nhập khẩu có điều kiện hoặc hàng cấm nhập khẩu, sau khi lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, DN sẽ tìm cách đưa trở lại Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau: Chia nhỏ lô hàng vận chuyển về Việt Nam qua đường mòn, lối mở, cánh gà; hoặc DN mở tờ khai, lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra để nhập khẩu trở lại Việt Nam.

Điển hình cho thủ đoạn trên, mới đây ngày 3/5/2017, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong (doanh nghiệp đứng tên mở tờ khai hải quan) hoàn tất thủ tục hải quan cho lô hàng khai báo là mặt hàng thuốc tân dược gồm 41 kiện (gần 500 nghìn viên thuốc đặc trị các loại) có trọng lượng gần 1 tấn, trị giá gần 5 tỷ đồng, quá cảnh đi Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) và đã hoàn thành thủ tục hải quan theo đúng quy định để chuyển lô hàng này qua biên giới Việt Nam – Campuchia. Nhận định đây là chiêu thức của DN nhằm qua mặt lực lượng chức năng để thẩm lậu số hàng trên vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, Chi cục đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thông báo, phối hợp cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) – Bộ Công an theo dõi chặt chẽ tuyến đường vận chuyển của lô hàng trên và đã phát hiện chuyến hàng được thẩm lậu ngược vào nội địa rạng sáng ngày 9/5/2017 qua đường mòn cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh)… Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, trung bình một tháng, đơn vị làm thủ tục cho trên 2.800 tờ khai vận chuyển đối loại hình hàng quá cảnh. Trong đó, hàng hóa chủ yếu qua 3 cửa khẩu chính, gồm: Mộc Bài (Tây Ninh) trên 2.000 tờ khai; Xa Mát (Tây Ninh) gần 400 tờ khai và Hoa Lư (Bình Phước) trên 350 tờ khai.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bien-tuong-buon-lau-qua-loai-hinh-hang-qua-canh-bai-2-chan-bat-ngay-tai-cua-khau.aspx