Biến tướng đồng phục - Kỳ 4: Cương quyết xử lý các trường làm sai

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT, trả lời phỏng vấn của Thanh Niên xung quanh những hiện tượng gây bức xúc về đồng phục học sinh thời gian qua.

Ông Ngũ Duy Anh

Không bắt buộc đồng phục

Ông Ngũ Duy Anh cho rằng: “Tôi khẳng định việc may, mặc đồng phục là không bắt buộc trong nhà trường, không bắt buộc học sinh, sinh viên (HS, SV) đồng phục hằng ngày đến trường, không cứng nhắc về chủng loại, mẫu mã… Các trường, cơ sở đào tạo không đứng ra thực hiện mua sắm, may đồng phục cho HS, mà chỉ tham gia quá trình giám sát, quản lý việc thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT về đồng phục và lễ phục tốt nghiệp”.

Bộ có quy định nếu thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của cha mẹ HS. Tuy nhiên, trên thực tế phụ huynh chỉ nhận được quy định về đồng phục khi nhà trường đã quyết định chứ không hề được bàn bạc. Vậy với những trường hợp làm trái quy định như vậy, Bộ có kiến nghị xử lý hoặc trực tiếp xử lý hay không?

Việc xử lý các trường vi phạm được địa phương tiến hành theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục theo luật định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở GD-ĐT, các nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm túc các nội dung của Thông tư 26, cũng như cương quyết xử lý các trường làm sai, gây ra hiểu nhầm và làm phụ huynh, xã hội bức xúc.

Nhiều trường ĐH, CĐ cũng yêu cầu SV phải may đồng phục. Theo ông, quy định về đồng phục như thế có phù hợp hay không?

Chúng tôi khẳng định, hiện Bộ chưa hề có quy định nào yêu cầu SV phải mặc đồng phục khi đến trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số SV có lối sống đua đòi, không phù hợp với hoàn cảnh, ăn mặc phản cảm, quần áo ngắn, đôi khi có hình xăm… như báo chí đã đăng tải. Do vậy, về trang phục hằng ngày đối với SV, dù không gò ép bằng những bộ đồng phục nhưng vẫn nên phải quy định theo hướng đảm bảo các yêu cầu: kín đáo, lịch sự, tạo sự thoải mái, năng động và thể hiện cá tính, sáng tạo… góp phần trong việc rèn luyện, học tập của SV.

Ủng hộ phương án phụ huynh tự mua sắm

Tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên cho thấy, các trường nhận được “hoa hồng” và lợi nhuận chênh lệch lớn từ phía các nhà cung cấp đồng phục. Đây cũng chính là nguyên nhân mà các trường tỏ ra rất “mặn mà” với những quy định về đồng phục cho HS. Bộ có biết việc này không và có yêu cầu gì nhằm chấn chỉnh hiện tượng này?

Gần đây, Bộ cũng đã nhận được một số câu hỏi kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 về việc này. Người đứng đầu các trường để xảy ra tình trạng như báo chí đã nêu sẽ chịu trách nhiệm trước ngành giáo dục, trước xã hội về việc chỉ đạo không đúng của mình.

Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, Công đoàn nhà trường, Ban đại diện cha mẹ HS... cần thể hiện mạnh hơn nữa vai trò chỉ đạo, phối hợp, phản biện xã hội với các hoạt động trong nhà trường để hạn chế các sai sót đáng tiếc xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cán bộ lãnh đạo và giáo viên của nhà trường.

Bộ sẽ tiếp tục yêu cầu các sở GD-ĐT tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, nhà trường vi phạm những quy định tại Thông tư 26 và công bố công khai thông tin xử lý kỷ luật để xã hội giám sát và phối hợp với ngành làm tốt hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng các trường nên đơn giản hóa quy định về đồng phục bằng một chiếc áo trắng, quần (váy) tối màu để phụ huynh tự mua cho con em mình. Không nên biến đồng phục thành một “món hàng” để các trường kinh doanh. Sắp tới, Bộ có quy định gì cụ thể hơn để đồng phục không trở thành nỗi bức xúc của xã hội và người dân?

Bộ ủng hộ phương án gia đình HS tự mua sắm trang phục theo quy định đã được nhà trường và cha mẹ HS thống nhất.

Trên cơ sở báo cáo của các sở GD-ĐT và các cơ sở giáo dục, Bộ sẽ tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc hơn Thông tư 26 trong thời gian tới. Mục tiêu và yêu cầu mà Bộ đặt ra là đồng phục cần đơn giản, gọn gàng, thuận lợi, phù hợp với lứa tuổi, môi trường, bậc học, hoàn cảnh của từng địa phương, điều kiện của gia đình HS, SV và đảm bảo tính ổn định.

Nguyên tắc về đồng phục

Theo quy định của Thông tư 26, trường cần thống nhất việc sử dụng đồng phục như kiểu mẫu, chất liệu… với ban đại diện cha mẹ HS. Việc lựa chọn đồng phục đảm bảo nhiều nguyên tắc như: 1) Bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của HS, SV và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đồng thời đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường; 2) Phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác; 3) Bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng gia đình HS...

Hướng dẫn các khoản thu trong năm học mới

Ngày 5.9, Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở Tài chính đã ban hành hướng dẫn công tác thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác của các cơ sở GD-ĐT công lập từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2014 - 2015.

Học phí các cấp tăng từ 2 - 6 lần so với năm học trước (xem thông tin chi tiết tại www.thanhnien.com.vn ). Sở cũng quy định các khoản mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS như: đồng phục, quần áo thể dục thể thao, hồ sơ HS, học phẩm - học cụ... Các khoản tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; các lớp học ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, tự chọn; học nghề THCS; phục vụ bán trú; vệ sinh bán trú; thiết bị, vật dụng phục vụ HS bán trú; tiền ăn, tiền nước uống… thu theo thỏa thuận.

B.Thanh

Trường chỉ quy định, phụ huynh tự mua bên ngoài

Ngày 5.9, theo ông Trương Thức, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk, thực hiện yêu cầu của Sở về việc mua sắm đồng phục HS, hầu hết các trường học đều chỉ quy định màu sắc (chủ yếu là áo trắng, quần xanh) để cha mẹ HS tự mua. Ông Thức cũng cho biết, Sở tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về các khoản thu trong trường học, nghiêm cấm việc tự ý đặt ra các khoản thu và xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm.

T.N.Quyền

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130906/bien-tuong-dong-phuc-ky-4-cuong-quyet-xu-ly-cac-truong-lam-sai.aspx