Biennale mỹ thuật trẻ 2017: 8 năm vẫn 'rụt rè'

Kể từ lần tổ chức đầu tiên năm 2009, Biennale mỹ thuật trẻ đều đặn diễn ra hai năm một lần. Và sau lần gián đoạn vào năm 2015, sự kiện này sẽ trở lại từ ngày 20/4 đến 1/5 tới, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

1. Biennale có nghĩa là “hai năm một lần". Đây là một thuật ngữ rất phổ biến trong giới mỹ thuật quốc tế, gắn với các hoạt động triển lãm, giao lưu mỹ thuật được tổ chức định kỳ. Nhiều biennale có lịch sử lên đến cả trăm năm, thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật toàn thế giới, trở thành các sự kiện văn hóa lớn, kết hợp với quảng bá du lịch.

Trong lần tổ chức này, tính đến giữa tháng 4 Biennale mỹ thuật trẻ đã có 185 tác phẩm (gồm tranh, tượng, gốm, sắp đặt, video art…) của nhiều tác giả đến từ các tỉnh, thành trên cả nước gửi về tham dự. Sự kiện do Hội Mỹ thuật TP.HCM cùng Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức.

Một tác phẩm sắp đặt tại Biennale mỹ thuật trẻ lần 3

Còn nhớ, khi Biennale mỹ thuật trẻ lần đầu diễn ra vào năm 2009, Đại học Mỹ thuật TP.HCM ủng hộ sự kiện này rất lớn về kinh phí và hỗ trợ mặt bằng. Các Biennale sau đó cũng đều có sự ủng hộ của trường ĐH này. Để rồi, năm 2015, Biennale gián đoạn vì Đại học Mỹ thuật TP.HCM phải xây dựng mặt bằng mới và không có nguồn kinh phí hỗ trợ - cho dù ngay từ khi ra đời, phía tổ chức đã có mong muốn đưa sự kiện này trở thành một hoạt động mang tính xã hội với sự tham gia của nhiều giới, nhiều ngành.

Và năm 2017, Biennale quay trở lại, với chút kinh phí ít ỏi từ đơn vị tài trợ và thành phố duyệt cho Hội Mỹ thuật TP.HCM được triển lãm miễn phí tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Khẩu hiệu của Biennale mỹ thuật trẻ 2017 là: Trẻ - Sáng tạo - Hội nhập, với tiêu chí tập hợp các lực lượng trẻ có tài năng, khát vọng; xây dựng một sân chơi nghệ thuật, góp phần vào sự phát triển nói chung của mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Nhưng, nói về chất lượng của các tác phẩm tham dự, họa sĩ Nguyễn Trung Tín (Phó Trưởng Ban tổ chức Biennale mỹ thuật trẻ 2017) cho biết ông ngạc nhiên là các tác phẩm sắp đặt, trình diễn, video art gửi về tham gia ít một cách bất ngờ.Theo lý giải của ông, có vẻ như trào lưu video art, sắp đặt ở Việt Nam hiện nay giảm đi rất nhiều- khi mà gần đây người ta quay về với" hội họa giá vẽ".

"Trái đất xanh" đoạt giải nhất Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011

Bế mạc Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 (diễn ra vào chiều qua 9/12), tác phẩm Trái đất xanh (thể loại video art) của họa sĩ Lê Trần Hậu Anh đã giành giải Nhất.

"Có thể, các hình thức như sắp đặt, trình diễn, video art chưa có nhiều công chúng, chỉ có anh em họa sĩ và những người liên quan đến mỹ thuật thưởng ngoạn. Bên cạnh đó, cũng có luồng dư luận khiến nhiều anh em họa sĩ trẻ nghĩ rằng hội và các cơ quan hữu trách không thích lắm các hình thức này" – ông Tín nói. “Điều đó rất sai. Hội Mỹ thuật TP.HCM rất mong họa sĩ mang đến nhiều hình thức, chất liệu mới, càng mới càng tốt. Chúng tôi mong muốn qua những sự kiện như Biennale, để từng bước xóa bỏ những hoài nghi này."

2. Bước vào mùa thứ 4 nhưng dường như Biennale mỹ thuật trẻ vẫn chỉ ở giai đoạn mở đầu, khi mà chưa ai trong ban tổ chức dám đặt ra vấn đề thành quả. Nói như họa sĩ Nguyễn Trung Tín, thành quả của nó chỉ có thể đến trong...10 năm nữa.

Bên cạnh hoạt động chính là triển lãm trao giải thưởng, Biennalemỹ thuật trẻ 2017 dự kiến có thêm một số hoạt động như: tọa đàm về mỹ thuật trẻ, triển lãm hình ảnh các kỳ Biennale trước, tổ chức quảng bá để người quan tâm có thể mua tác phẩm ngay tại sự kiện.

"Khi uy tín sự kiện này cao dần và có nhiều kinh phí hơn, chúng tôi sẽ mở rộng. Còn bây giờ, khó khăn lớn nhất của Biennale là chuyện kinh phí, là giá trị giải thưởng, lợi ích của người tham gia" – ông Tín thẳng thắn. "Mình yêu cầu các tác giả rất nhiều nhưng không cho người ta tiền đầu tư tác phẩm ban đầu, thiếu tiền lắp đặt, chuyên chở, thiếu giám tuyển... ".

Theo lời ông Tín, mặt bằng văn hóa ở lĩnh vực mỹ thuật tại Tp HCM là chưa cao. Ngành quản lý và nhà đầu tư chưa nhìn ra giá trị của việc đầu tư vào mỹ thuật – trong khi đại đa số công chúng rất ít được đào tạo để thưởng lãm loại hình nghệ thuật này. Do đó, con đường của Biennale mỹ thuật trẻ hãy còn...nhiều trắc trở.

Cảnh “mờ mờ nhân ảnh” của con đường ấy hẳn sẽ còn dài, khi con số một vài tỷ đồng để đầu tư, tài trợ một sự kiện nghệ thuật quy mô vẫn chỉ là ước mơ của những người tổ chức.

Phạm Vi
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/biennale-my-thuat-tre-2017-8-nam-van-rut-re-n20170418064432704.htm