Biệt đội nữ cảnh sát chống xâm hại tình dục ở Ấn Độ

Các cảnh sát nữ đang tái định hình lực lượng vốn do nam giới thống trị ở tây bắc Ấn Độ, trấn áp tội phạm tình dục và phá vỡ văn hóa im lặng xung quanh các vụ hãm hiếp.

Tuần tra các bến xe buýt, trường đại học và công viên, những nơi phụ nữ dễ bị quấy rối tình dục, là công việc hàng ngày của một đơn vị cảnh sát toàn nữ được thành lập mới đây ở Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan ở tây bắc Ấn Độ.

Ấn Độ là nước chịu nhiều tai tiếng về tội phạm tình dục với gần 40.000 vụ cưỡng hiếp được báo cáo mỗi năm. Song con số thực tế được cho là cao hơn nhiều vì nạn nhân thường không trình báo bởi lo lắng cách vụ việc sẽ được giải quyết.

"Thông điệp mà chúng tôi muốn đưa ra là chúng tôi không khoan nhượng đối với tội ác nhằm vào phụ nữ", Kamal Shekhawat, người đứng đầu đội đặc nhiệm Jaipur thành lập vào cuối tháng 5 vừa qua, cho biết.

Đơn vị nữ cảnh sát Jaipur được thành lập để giúp phụ nữ mạnh dạn tố cáo "yêu râu xanh". Ảnh: AFP.

Đơn vị nữ cảnh sát Jaipur được thành lập để giúp phụ nữ mạnh dạn tố cáo "yêu râu xanh". Ảnh: AFP.

Chỉ cần một tin nhắn

Chỉ 7% lực lượng cảnh sát Ấn Độ là nữ. Và các nhà hoạt động xã hội phản ánh rằng nạn nhân thường bị đánh giá bởi vẻ ngoài của họ, bị thẩm vấn như tội phạm hay thậm chí bị buộc tội kích thích kẻ hiếp dâm.

Sự xấu hổ vì bị hãm hiếp cũng ăn sâu trong xã hội trọng nam khinh nữ ở Ấn Độ cũng như nỗi sợ hãi bị trả thù khiến nhiều nạn nhân không dám tố cáo kẻ phạm tội và cuối cùng những tên "yêu râu xanh" không bị trừng phạt.

Cô Shekhawat hy vọng việc nhìn thấy cảnh sát nữ đi tuần sẽ giúp nhiều phụ nữ ở Jaipur mạnh dạn tố cáo những kẻ quấy rối hơn vì cảm thấy tìm được người có thể chia sẻ.

"Cảnh sát nữ sẽ dễ đồng cảm hơn và nạn nhân cũng sẽ cảm thấy tự tin để có thể trình báo cởi mở hơn với họ", cô nói.

Kamal Shekhawat, lãnh đạo đội nữ cảnh sát ở Jaipur. Ảnh: AFP.

Tại một công viên ở Jaipur, nữ cảnh sát Saroj Chodhuary trong trang phục màu khaki, đội mũ bảo hộ màu trắng vừa bước khỏi xe tuần tra và đi về phía một nhóm phụ nữ mặc sari để tự giới thiệu.

"Bạn chỉ cần gọi điện thoại hoặc thậm chí chỉ cần gửi tin nhắn trên WhatsApp. Chúng tôi sẽ có mặt ngay lập tức", cô nói.

"Danh tính của bạn sẽ không bị tiết lộ nên bạn không phải lo lắng khi lên tiếng tố cáo. Nếu ai đó gọi điện chọc ghẹo hay gây phiền hà gì cho bạn, hãy cho chúng tôi biết. Đừng giữ im lặng".

Những phụ nữ đó đã rất ấn tượng với uy phong toát ra từ Chodhuary và cảm thấy an lòng khi biết chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là sẽ được trợ giúp. Chodhuary và các đồng nghiệp của mình đã được đào tạo võ thuật và dành nhiều tháng để học luật.

Đội nữ ảnh sát Jaipur tuyên truyền về ý thức tố giác tội phạm cho phụ nữ. Ảnh: AFP.

Radha Jhabua, một người mẹ 24 tuổi, cho biết cô muốn trình báo về một người hàng xóm đang lén theo dõi cô nhưng chồng cô sợ rằng làm như vậy sẽ mang tiếng xấu cho gia đình.

"Chồng tôi muốn tôi giữ im lặng và chờ người đàn ông đó thay đổi hành vi của ông ta. Tôi vui mừng là giờ đây chúng tôi chỉ cần gửi một tin nhắn qua Whatsapp đến các chị em này và họ sẽ lo phần còn lại", cô nói với AFP.

Seema Sahu, một người mẹ 38 tuổi với hai con, nói rằng chị thường tránh đi ra ngoài với các cô con gái vào buổi tối.

"Tôi rất vui vì những nữ cảnh sát này sẽ tuần tra trên đường. Sự hiện diện của họ giúp chúng tôi tự tin hơn", chị nói.

Lập lại trật tự

Ấn Độ đã nằm dưới sự theo dõi chặt chẽ của quốc tế về mức độ bạo lực đối với phụ nữ sau vụ cưỡng hiếp tập thể dẫn đến cái chết một sinh viên y khoa ở New Delhi vào tháng 12/2012.

Luật trừng phạt tội phạm tình dục đã được củng cố nhưng các vụ tấn công vẫn xảy ra khắp nơi. Chỉ riêng thủ đô New Delhi đã có 2.199 trường hợp bị hãm hiếp vào năm 2015, tức trung bình 6 vụ một ngày.

Cảnh sát Ấn Độ đã được lệnh tuyển thêm nữ cảnh sát cho đến khi nữ giới chiếm 1/3 lực lượng.

Song cho đến nay, số lượng nữ cảnh sát vẫn còn rất ít.

Cảnh sát nữ ở Jaipur đi tuần tra. Ảnh: AFP.

Đơn vị nữ cảnh sát ở Jaipur là đơn vị thứ hai ở bang Rajasthan. Đơn vị thứ nhất được thành lập ở Udaipur vào tháng 10 năm ngoái.

Cảnh sát ở bang láng giềng Uttar Pradesh, một bang nổi tiếng vì tình trạng bất ổn, đã bị chỉ trích vì cách tiếp cận gây tranh cãi của họ trong việc chống lại tội phạm liên quan đến tình dục.

Các sĩ quan, bao gồm cả nữ, tiến hành cuộc tuần tra mang tên "Đội chống Romeo" đã bị cáo buộc quấy rối các cặp đôi theo nhiều tín ngưỡng khác nhau và chưa kết hôn. Đây là nỗ lực thực thi một quy định đạo đức phản ánh giá trị của đạo Hindu.

Shekhawat nói rằng không có kiểu hành động như vậy trong đội tuần tra của cô. "Chúng tôi thấy tác động rất tốt và kết quả tích cực ở bất cứ nơi nào mà đội chúng tôi tuần tra", cô nói.

"Hoạt động của chúng tôi có hiệu quả ngăn ngừa và giúp khôi phục niềm tin của công chúng đối với lực lượng cảnh sát. Đó là điều cần thiết để duy trì luật pháp và trật tự".

Nam giới cũng quan tâm đến hoạt động của đội nữ cảnh sát. "Đây là một bước tiến rất tốt. Khi một gã đàn ông bị những phụ nữ này trấn áp, những người khác sẽ phải cảnh giác. Họ sẽ phải điều chỉnh hành vi của mình", Ram Lal Gujar, một cư dân Jaipur, cho biết.

Biểu tình chống nạn hiếp dâm tại thủ đô Ấn Độ Cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình tại New Delhi sau vụ một cô gái 23 tuổi bị hãm hiếp và giết hại trên xe buýt gây rúng động dư luận cuối năm 2012.

Quyên Quyên - Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/biet-doi-nu-canh-sat-chong-xam-hai-tinh-duc-o-an-do-post766029.html