Biết thẹn

Xem lại chuyện tiền nhân, mới thấy rằng đôi khi thẹn cũng là một phẩm chất văn hóa, một nét đẹp trong cốt cách kẻ sĩ. Chừng nào người trí thức dân tộc còn biết thẹn thì chừng ấy vận nước vẫn còn may mắn.

Ảnh minh họa

Trong những ngày này, ngồi nghĩ lại về thời gian đã qua, bên cạnh niềm tự hào về những thành tựu của đất nước, bất cứ người trí thức có lương tri nào cũng đều cảm thấy xót xa trước một thực tại còn quá ngổn ngang: Kinh tế còn nhiều khó khăn, quốc nạn tham nhũng hoành hành; đạo đức xã hội xuống cấp, “người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường” (chữ dùng của Nguyễn Huy Thiệp)... và đáng lo hơn cả là “cái họa nước Tàu” đang trở thành một mối nguy cho dân tộc đúng như lời tiên liệu của tổ tiên (Di chúc của vua Trần Nhân Tông: Cái họa lâu đời của ta là họa nước Tàu). Thời thế buộc con người phải trĩu nặng suy tư để rồi không khỏi ngậm ngùi nhớ tới tiền nhân.

Phạm Ngũ Lão - vị danh tướng lừng lẫy chiến công thời Trần, con người bao nhiêu năm xông pha trận mạc, “cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông” không lúc nào ngơi nghỉ mà vẫn chưa tự bằng lòng với chính mình, vẫn tự nhận là chưa trả xong nợ công danh. Ông cảm thấy thẹn khi nghe chuyện Vũ hầu để rồi khao khát công hiến nhiều hơn nữa “Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu” (Kẻ làm trai chưa trả xong nợ công danh/ Thấy thẹn khi nghe người đời nói chuyện Vũ hầu - Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão).

Nguyễn Du - thi hào vĩ đại của dân tộc trên bước đường phiêu bạt trong cơn cuồng phong dữ dội của lịch sử cuối thế kỉ XVIII “Một phen thay đổi sơn hà/ Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu” (Văn chiêu hồn - Nguyễn Du) đã không giấu nổi tâm trạng phẫn uất và hổ thẹn cho lý tưởng của kẻ làm trai. Ông cảm thấy bất lực trước một thời đại quá đen tối, nhiễu nhương “Loạn thế nam nhi tu đối kiếm” (Kẻ làm trai thời loạn nhìn thanh kiếm mà thẹn - Lưu biệt Nguyễn đại lang, Nguyễn Du).

Nguyễn Khuyến - bậc danh sĩ nửa cuối thế kỉ XIX trước họa xâm lăng của giặc Pháp đã vứt bỏ tất cả mọi công danh phú quý, giã từ hoạn lộ thênh thang để trở về nơi thôn dã mà giữ gìn tiết tháo, kiên quyết bất hợp tác với kẻ thù. Vậy mà con người ấy vẫn mang nặng trong lòng một nỗi xót xa cay đắng, một cảm giác xấu hổ vì không thể làm gì để giúp dân giúp nước “Sách vở ích gì cho buổi ấy/ Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già” (Ngày xuân dặn các con - Nguyễn Khuyến).

Phan Bội Châu - linh hồn của các phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, người được Nguyễn Ái Quốc gọi là “Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” (Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu - Nguyễn Ái Quốc) suốt mấy mươi năm bôn tẩu tìm đường cứu nguy cho dân tộc, đem chí anh hùng và lòng quả cảm ra đền nợ nước mà vẫn không thành công. Về cuối đời phải chịu cảnh bị giam lỏng trong thân phận Ông già bến Ngự ở Huế, tâm hồn nhà chí sĩ luôn trằn trọc không nguôi vì một nỗi hổ thẹn với non sông “Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng/ Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót” (Bài ca chúc tết thanh niên - Phan Bội Châu).

Xem lại chuyện tiền nhân, mới thấy rằng đôi khi thẹn cũng là một phẩm chất văn hóa, một nét đẹp trong cốt cách kẻ sĩ. Chừng nào người trí thức dân tộc còn biết thẹn thì chừng ấy vận nước vẫn còn may mắn. Chợt nhớ lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một bài báo viết nhân dịp mừng Quốc khánh năm 2012. Xin mượn để thay cho lời kết “Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc".

Hồ Tấn Nguyên Minh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/cau-chuyen-van-hoa-c-130/biet-then-54562.html