Bình Định: Cỏ mọc um ở khu tái định cư, dân xót từng mét đất

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng chẳng thấy đâu, trong khi đó nhiều khu tái định cư chính quyền Bình Định đã xây dựng khang trang để di dân nhưng không ai đến ở.

Hoang phí tái định cư

Năm 2006, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho xây dự án Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát (do Công ty TNHH MTV du lịch và khách sạn Việt - Mỹ làm chủ đầu tư) với quy mô gần 300ha, vốn đầu tư thực hiện 250 triệu USD. Để di dời 320 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án trên, tỉnh Bình Định đã cho xây dựng 2 khu TĐC (TĐC 1, 2) với tổng diện tích khoảng 26ha tại xã Cát Tiến.

Tuy nhiên, đến tháng 5.2015, do chủ đầu tư chậm triển khai dự án so với cam kết nên UBND tỉnh Bình Định đã thực hiện các thủ tục để thu hồi Giấy phép đầu tư dự án Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội.

Khu TĐC được xây dựng kiên cố (tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) nhưng bỏ hoang nhiều năm.

Vì vậy, nhiều năm qua, 2 khu TĐC trên với đầy đủ hệ thống điện, đường nội bộ, hệ thống cung cấp nước sạch, trường học, nhà văn hóa… bỗng dưng không có người ở. Cây cối, cỏ dại mọc um tùm, nhiều cơ sở hạng tầng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Ông N.V.M (45 tuổi, trú xã Cát Tiến) cho hay: “Cách đây hơn 5 năm, đất tại khu TĐC này là cánh đồng lúa, hoa màu phì nhiêu, tươi tốt... người dân sinh sống nhờ vào những đám ruộng này. Tuy nhiên, khi nhà nước thu hồi đất để làm dự án thì người dân chúng tôi vẫn đồng tình nhưng xây dựng TĐC rồi lại bỏ trống như hiện nay thì quá lãng phí quỹ đất, người dân rất xót”.

Không chỉ vậy, tại khu TĐC xóm Mới (xã Cát Tiến) với diện tích trên 8ha là nơi đón 150 hộ dân trong vùng nguy cơ bị triều cường “đe dọa” cũng đang trong tình trạng “ế ẩm”. Các hộ dân nằm sát bờ biển Trung Lương sẽ được cấp 150m 2 đất ở và hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí khi di dời đến khu TĐC này. Thế nhưng 16 năm qua, chỉ khoảng 20 hộ dân trong vùng nguy hiểm chịu vào đây.

“5 năm qua, triều cường đã cuốn trôi 10 ngôi nhà. Nỗi lo mất nhà, chạy bão vào mùa mưa vẫn luôn ám ảnh người dân. Dù biết nguy hiểm nhưng nhiều hộ chưa chịu dời vào khu TĐC. Mỗi lần nghe báo, đài thông tin có bão lớn đổ bộ vào đất liền, chúng tôi phải tuyên truyền họ sơ tán đến nơi an toàn hơn”- ông Nguyễn Thanh Dũng- Phó thôn Trung Lương lý giải.

Lãng phí tài nguyên

Ông Nguyễn Chí Hoàng- Phó chủ tịch UBND xã Cát Tiến cho biết: “Việc thu hồi 26ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân để xây dựng các khu TĐC 1, 2 nhưng qua nhiều năm không đưa vào khai thác, sử dụng thì đúng là lãng phí. Nếu tính bình quân, mỗi vụ lúa 1ha đạt năng suất khoảng 65 tạ, trong khi đó vì khu TĐC mà mất đi 26ha đất. Mỗi năm nông dân địa phương mất cả vài chục tấn lúa. Đó là chưa tính đến kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng rồi bỏ hoang để cỏ mọc, đường xuống cấp...”.

Theo ông Hoàng, riêng khu TĐC dành cho người dân trong vùng nguy cơ bị triều cường “đe dọa” sống dọc biển Trung Lương nhưng người dân không mặn mà vì còn tâm lý chủ quan, xem nhẹ sự nguy hiểm của triều cường. Hiện tại, địa phương đang chấp nhận phương án để người dân sống hai nơi.

“Về lâu dài, chúng tôi sẽ vận động bà con lên khu TĐC mới đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Riêng với 2 khu TĐC 1, 2, không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND xã Cát Tiến nhưng chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên cùng ngành chức năng có biện pháp bảo vệ”- ông Hoàng chia sẻ.

Trường học…. đang chờ dân vào Khu tái định cư (xã Cát Tiến).

Theo ông Bùi Quang Phương- Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, 2 khu TĐC 1, 2 nhằm phục vụ TĐC cho người dân 2 thôn Vĩnh Hội và Tân Thanh (xã Cát Hải) bị ảnh hưởng bởi dự án Khu du lịch, nghỉ dưỡng Vĩnh Hội. Tuy nhiên, nhà đầu tư chậm triển khai dự án, tiền giải phóng mặt bằng, thuê mặt bằng thì không chi… nên dân không thể di dời đến khu TĐC mới.

Vụ "cầu cứu" Thủ tướng, Chủ tịch nước: Cảnh báo nguy hiểm cho người dân

“Việc khu TĐC bị bỏ hoang thuộc quyền quản lý của ban quản lý các khu kinh tế tỉnh. Huyện cũng rất đau đầu về dự án này. Tình trạng này, gây rất nhiều khó khăn cho quản lý và phát triển kinh tế của địa phương. Bây giờ người dân mua, bán nhà thì không được vì nằm trong diện quy hoạch, di dời, trong khi tiền di dời thì không trả cho dân. Các nhà đầu tư kiểu đó thì chỉ có làm mạt cho tỉnh này thôi…” - ông Phương cho hay.

Để tìm hiểu vấn đề trên, phóng viên Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, đặt lịch làm việc nhưng bị từ chối với lý do bận họp. Phòng, ban liên quan thì không thể trả lời phóng viên vì chưa được quyền phát ngôn?!.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/binh-dinh-co-moc-um-o-khu-tai-dinh-cu-dan-xot-tung-met-dat-714803.html