Bình Định: Người dân bất an vì nạn khai thác đá

QĐND Online - Cách đây hơn 2 năm, Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite tiến hành thuê đất để khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại sườn phía Tây núi Hòn Chà. Cũng từng ấy thời gian, 12 hộ dân với hơn 50 nhân khẩu sống dưới chân núi thuộc xóm 4, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) luôn phải trong cảnh “mất ăn, mất ngủ” vì bụi đá, tiếng ồn và nguy cơ sạt lở đất, đá mỗi khi mùa mưa lũ về.

QĐND Online - Cách đây hơn 2 năm, Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite tiến hành thuê đất để khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại sườn phía Tây núi Hòn Chà. Cũng từng ấy thời gian, 12 hộ dân với hơn 50 nhân khẩu sống dưới chân núi thuộc xóm 4, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) luôn phải trong cảnh “mất ăn, mất ngủ” vì bụi đá, tiếng ồn và nguy cơ sạt lở đất, đá mỗi khi mùa mưa lũ về.

Theo phản ánh của người dân xóm 4, thôn Cảnh An 1, mỗi khi trời mưa to, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất đá, đe dọa đến tính mạng người dân sống trong vùng; nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp nghiêm trọng. Ngoài ra, hằng ngày, những hộ dân ở xóm 4 phải hứng chịu những âm thanh đinh tai, nhức óc như “bom dội” phát ra từ việc bắn mìn phá đá của công ty khai thác đá. Cứ sau mỗi tiếng nổ vang trời, nhà cửa bị rung chuyển, tường rạn nứt, sụt vách khiến bà con vô cùng lo lắng.

Khu vực sườn phía Tây núi Hòn Chà bị húi trọc, chỉ còn trơ lớp đất, đá.

Ông Nguyễn Văn Bính, một hộ dân có nhà ngay khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite, bức xúc: “Mỗi khi trời mưa to, nước từ đỉnh núi đổ xuống ào ào, kéo theo hàng chục khối đất, đá từ trên cao sạt xuống gây bồi lắng cả khu vườn phía sau nhà. Thậm chí, có những đêm, khi đang ngủ đá lăn từ trên núi xuống tạo nên những tiếng động lớn, khiến mọi người trong gia đình vô cùng lo sợ”.

Ngày 16-8,chúng tôi tìm về xóm 4 để “tận mục sở thị” tình trạng sạt lở đất đá tại đây. Từ tỉnh lộ 638 nhìn vào, cả một khu vực sườn phía Tây núi Hòn Chà bị băm nát với những mảng núi bị húi trọc, nằm ngổn ngang giữa triền núi. Càng vào sâu bên trong mỏ đá, cảnh tượng hoang tàn của núi Hòn Chà do khai thác đá bừa bãi càng hiện rõ. Những bãi đất trống lô nhô với diện tích hàng trăm mét vuông xuất hiện nham nhở kéo dài từ đỉnh xuống tận chân núi, khiến môi trường sinh thái và thảm thực vật bị biến dạng. Dưới chân núi, nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong vườn nhà dân và trên cánh đồng Hóc Cống bị bao phủ bởi mùn đất, đá.

Bà Ngô Thị Thảo, một người dân địa phương dẫn tôi “mục sở thị” những thửa đất của gia đình bị đất, đá bồi lấp, phân trần: “Tôi có 5 sào ruộng ở cánh đồng Hóc Cống này nhưng tất cả giờ đã bị phủ dày bởi lớp bùn nhão nên đành bỏ hoang. Không riêng gì gia đình tôi, nhiều hộ dân trong vùng cũng rơi vào tình cảnh tương tự”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), cho biết: “Theo thống kê, hiện có 2ha diện tích đất nông nghiệp sản xuất lúa, hoa màu tại cánh đồng Hóc Cống (xóm 4) bị mùn đất, đá bồi lấp không thể canh tác. Công ty đã hỗ trợ đền bù cho người dân nằm trong diện bị ảnh hưởng. Riêng vấn đề ô nhiễm môi trường, địa phương phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy Phước tiến hành kiểm tra và nhắc nhở đơn vị có biện pháp khắc phục. Thế nhưng trên thực tế, đơn vị này chỉ làm để đối phó nên tình trạng ô nhiễm và tình trạng bồi lấp mùn đất, đá từ mỏ đá vẫn còn tồn tại.

Trước mắt, để đề phòng nguy cơ sạt lở đất, đá vào mùa mưa, bão sắp tới, địa phương đã yêu cầu đơn vị khai thác đá đến cuối tháng 8-2013, phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống thoát nước mặt, cải tạo hồ lắng để chứa đất mùn. Đồng thời, hạ các vách đứng, thu gom xử lý đá thải, lớp tầng phủ, xử lý đá tảng có nguy cơ sạt lở, đá lăn trong mùa mưa bão tới”.

Bài, ảnh: ĐÔNG SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/24/24/257551/Default.aspx