Bình Định phá rừng quy mô lớn: Điều tra kẻ chủ mưu

Lãnh đạo Bình Định khẳng định bằng mọi cách tìm ra kẻ cầm đầu vụ lâm tặc tàn phá 61ha rừng tại tiểu khu 1, xã An Hưng, huyện An Lão.

Nhiều chuyện bất ngờ

Liên quan đến lô gỗ do phá 61ha rừng, theo nguồn tin từ ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, doanh nghiệp đã “kêu gọi” nông dân chia nhỏ để nhận trách nhiệm phá rừng trên với mục đích chạy tội.

Trong khi, cơ quan chức năng đã phát hiện được tại Nhà máy sản xuất dăm gỗ Trường Sơn tại xã Hoài Sơn (trực thuộc Công ty CP Đầu tư - kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, do ông Lê Văn Thiệt làm Tổng giám đốc).

Điều đáng ngạc nhiên, có rất nhiều người tự nhận chính mình là kẻ phá rừng, trong đó, có một ông chăn trâu (trước đây là lái xe cho ông Thiệt) đã đến gặp tổ công tác và tự nhận mình là kẻ tổ chức phá rừng.

Còn về phía cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định vừa bắt tạm giam 4 tháng đối với 2 nghi phạm là Nguyễn Văn Ri (SN 1975) và Phan Dễ (SN 1960, cùng trú tại huyện Hoài Nhơn) để tiếp tục điều tra mở rộng về tội “Hủy hoại rừng”.

Một góc tan hoang tại khu rừng xã An Hưng bị lâm tặc xóa sổ. Ảnh Dân Việt

Qua điều tra ban đầu, 2 đối tượng này thuê một số người ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và người ở địa phương phá rừng ở khoảnh 7, khoảnh 8 (tiểu khu 1, An Hưng).

Trả lời câu hỏi của báo chí 2 nghi phạm vừa bị bắt có liên quan gì với doanh nghiệp nghi vấn phá rừng đã được nhắc đến không? Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định từ chối trả lời vì không biết.

Ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện An Lão cũng tỏ ra “thấp thỏm” không kém: “Tình hình hiện nay, tôi nghe thông tin là người ta dùng tiền mua một số hộ dân để bà con nhận chia nhỏ ra, nếu không xử lý được thì sẽ rất khó khăn cho địa phương”.

Nhiều lãnh đạo nhận trách nhiệm, nhưng rừng vẫn "chảy máu"

Một điểm đáng quan tâm khác, đó là con số diện tích rừng được nêu ra công khai hiện nay rất nhỏ khi mang so sánh với số diện tích rừng bị phá vào năm 2016.

Lãnh đạo ngành kiểm lâm địa phương còn khẳng định: Nếu tính cả vụ phá rừng tại An Hưng thì năm nay tình trạng phá rừng tại huyện An Lão vẫn đang giảm đến hơn 90%. Bởi lẽ, năm 2016 tại huyện này có đến 162 vụ với 170ha rừng bị lâm tặc “xóa sổ”.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Không hiểu vì sao lâm tặc tự do mở đường, khai thác…như rừng không chủ tại xã An Hưng nhưng chẳng ai biết?. Đối tượng chở gỗ về xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) chỉ đi qua 1 tuyến đường độc đạo.

Trạm bảo vệ rừng Hoài Sơn lại cách vùng này chỉ 5km và đặt ngay trên đường, nhưng suốt thời gian dài, kiểm lâm lại không phát hiện được gỗ lậu tuồn ra ngoài?".

Điều đáng nói, 7 tháng đầu năm 2017 có đến 5 chủ tịch UBND xã bị kiểm điểm. Hay bản thân ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm An Lão cũng tự nhận kiểm điểm: “Tôi làm Hạt trưởng được 2 năm nhưng thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo cán bộ kiểm lâm kiểm tra địa bàn. Tôi xin chịu hình thức kỷ luật theo quy định để thấy sai sót của Hạt trưởng".

Bí thư huyện An Lão cũng nói, nếu không điều tra ra thủ phạm phá rừng thực sự, ông sẽ không dám giữ chức.

Thậm chí, cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đều khẳng định phải điều tra cho ra kẻ chủ mưu, cầm đầu vụ phá rừng để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đồng thời, xử lý trách nhiệm các cán bộ buông lỏng quản lý để lâm tặc lộng hành. Vì đây không chỉ là câu chuyện “máu” rừng tuôn chảy, mà là uy tín, danh dự của tỉnh Bình Định và đặc biệt là thực hiện trách nhiệm với Trung ương.

Ngày 21/9, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện An Lão; tạm đình chỉ công tác đối Kiểm lâm phụ trách địa bàn của xã An Hưng (huyện An Lão).

Thế nhưng, đến nay mới chỉ là tạm đình chỉ công tác, chưa có hình thức xử lý kỷ luật cụ thể, truy trách nhiệm từng cá nhân. Và cứ sau mỗi lần phát hiện rừng bị tàn phá, các lãnh đạo lại đau xót nhưng “máu” rừng thì vẫn cứ chảy.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/binh-dinh-pha-rung-quy-mo-lon-dieu-tra-ke-chu-muu-3343660/