Bình Định sau lũ, hàng chục người dân bị rắn lục đuôi dỏ cắn

Sau trận lũ lịch sử quét qua, hàng chục người dân vùng rốn lũ Bình Định bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện cấp cứu trong đó nhiều trường hợp chuyển biến nặng, dẫn đến rối loạn đông máu.

Theo thông tin đăng tải trên Dân trí, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, từ đầu tháng 12 đến nay đã đã tiếp nhận 24 ca nhập viện vì bị rắn cắn. Tăng gấp đôi so với tháng trước, trong đó có tới 90% là rắn lục đuôi đỏ.

Một người phụ nữ bị rắn lục cắn cận ngày sinh - Ảnh: Dân trí

Theo các bác sĩ Khoa nội tổng hợp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho rằng số người nhập viện do rắn cắn sau lũ lụt tăng đột xuất, chủ yếu là vùng nông thôn. Nguyên nhân được cho là do lũ, nước ngập hang nên có cả trường hợp rắn bò vào nhà dân để cắn người.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Võ Bảo Dũng, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết từ đầu tháng 12 đến nay, hơn 30 người dân vùng rốn lũ các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, TP Quy Nhơn... nhập viện cấp cứu do rắn lục đuôi đỏ cắn.

"Từ trước đến nay, chưa bao giờ khoa Nội Tổng hợp lại tiếp nhận cấp cứu nhiều người dân bị rắn cắn như vậy. Bệnh nhân bị rắn cắn tăng đột biến, có ngày nhập viện 3-4 ca, nhiều trường hợp chuyển biến nặng dẫn đến rối loạn đông máu. Vùng cơ thể bị rắn cắn sưng bầm, phù nề, các bác sĩ phải điều trị tích cực", bác sĩ Dũng nói.

Lãnh đạo nhiều địa phương ở Bình Định lo ngại người dân dọn dẹp sau mưa lũ bị rắn lục đuôi đỏ cắn không biết xử lý ban đầu, bị chuyển biến nặng phải cấp cứu nên hoang mang, lo lắng.

Rắn lục đuôi đỏ tăng đột biến sau lũ - Ảnh: Zing

Dân trí trích lời của bác sỹ Võ Bảo Dũng cho biết thêm “Nếu không may bị rắn cắn thì phải sơ cứu đúng cách (nặn máu, làm sạch vết thương, băng ép) rồi đưa đến cơ sở y tế. Khi băng ép không nên buộc chặt vòng quanh chi (ga-rô) trên nơi có vết cắn vì có thể gây hoại tử chi nếu thời gian buộc kéo dài. Nếu ga-rô thì phải đảm bảo mạch ở phía dưới còn bắt được”.

Theo đó, Đời sống pháp luật cho biết loài rắn này thường không chủ động cắn người, người dân bị rắn cắn là do vô tình dẫm hay đụng phải rắn. Thời tiết ấm áp dài tạo thuận lợi cho rắn lục đuôi đỏ phát triển và sinh sản kéo dài hơn mọi năm.

Ngoài ra, các trận lũ lớn trước đây đã cuốn loài rắn lục đuôi đỏ từ vùng thượng lưu xuống đồng bằng, gặp điều kiện thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào đã kích thích loài này sinh sản nhiều bất thường.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/binh-dinh-sau-lu-hang-chuc-nguoi-dan-bi-ran-luc-duoi-do-can-d112016.html