Bình Định: Thủ phạm tàn phá hơn 43ha rừng vẫn 'trong vòng bí ẩn'

Chỉ trong vòng nửa tháng, 43,7ha rừng tại huyện miền núi An Lão (Bình Định) đã bị xóa sổ. Cơ quan chức năng nhận định đây là vụ phá rừng có tổ chức, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đối tượng cầm đầu không phải là người dân trong huyện. Vậy, thủ phạm thực sự là ai?.

Phá rừng quy mô lớn, yêu cầu công an tỉnh vào cuộc

Sáng nay (11.9), UBND huyện An Lão (tỉnh Bình Định) đã triệu tập cán bộ kiểm lâm, chủ rừng, lãnh đạo địa phương tổ chức cuộc họp khẩn để ra soát, phối hợp cùng lực lượng chức năng truy tìm đối tượng khiến hơn 43ha rừng bị xóa sổ.

Theo UBND huyện, tổng diện tích rừng bị phá là 43,7ha do UBND xã An Hưng quản lý. Lâm tặc đã tàn phá rừng tại 3 địa điểm, địa điểm thứ nhất (tại khoảnh 8, Tiểu khu 1) với diện tích 17,40ha. Tại hiện trường, cây rừng và thực bì bị chặt phá hoàn toàn, nằm nguyên tại hiện trường. Cây gỗ bị chặt hạ có đường kính tại vị trí mặt cắt từ 10cm đến 35cm, chiều cao gốc chặt từ 0,3- 0,6m, thân có chiều dài từ 8-12m. Dụng cụ cưa hạ cây gỗ là cưa máy, thời gian xảy ra phá rừng cách thời điểm kiểm tra khoảng 3 đến 10 ngày (lá cây rừng còn màu xanh).

43,7ha rừng tại huyện miền núi An Lão (Bình Định) đã bị xóa sổ. Ảnh: D.T

Địa điểm thứ hai (tại khoảnh 8, Tiểu khu 1), diện tích rừng bị phá 13,10ha. Cây rừng, thực bì bị chặt phá hoàn toàn và đã bị đốt cháy. Cây gỗ bị chặt hạ có đường kính tại vị trí mặt cắt từ 10- 35cm, chiều cao gốc chặt từ 0,3- 0,6m, thân gỗ có chiều dài từ 8- 10m. Một số thân cây gỗ được cưa thành khúc gom lại thành cụm nhỏ chờ vận chuyển đi tiêu thụ, dụng cụ cưa hạ cây gỗ là cưa máy.

Đặc biệt, trên diện tích rừng bị phá, đối tượng đã dùng xe cơ giới mở đường dài khoảng 500m và tiến hành trồng 7ha cây keo lai, thời gian trồng cách thời điểm kiểm tra khoảng 7 đến 10 ngày.

Địa điểm thứ ba (tại khoảnh 7, Tiểu khu 1), diện tích rừng bị phá 13,20ha, đây là khu vực quy hoạch rừng chức năng phòng hộ được phục hồi sau nương rẫy. Cây rừng và thực bì bị chặt phá hoàn toàn, còn nằm nguyên tại hiện trường, cây gỗ bị chặt hạ có đường kính tại vị trí mặt cắt từ 10- 30cm, chiều cao gốc chặt từ 0,3-0,6m, thân gỗ có chiều dài từ 8-11m. Dụng cụ cưa hạ cây gỗ là cưa máy, thời gian xảy ra phá rừng cách thời điểm kiểm tra khoảng 3 đến 10 ngày.

Ông Đỗ Tùng Lâm - Phó chủ tịch UBND huyện An Lão. Ảnh: D.T

Ông Đỗ Tùng Lâm - Phó chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: “Địa điểm rừng bị phá nằm ở khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi và huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Từ trung tâm An Hưng đến hiện trường đường dốc rất hiểm trở, phải đi bộ mất gần 6 tiếng nhưng xuất phát từ xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) thì ô tô, xe máy đều có thể lưu thông. Trong 43,7ha rừng bị lâm tặc tàn phá thì có đến 13,4ha là rừng phòng hộ. Tại thời điểm kiểm tra có 2 lán trại, trong đó có 1 trại nghi là của lâm tặc nên lực lượng chức năng đã phá bỏ tại chỗ. Lán trại này còn đỏ lửa nhưng không có ai ở đó cả”.

Theo ông Lâm, ngày 12.9 cơ quan chức năng trở lại hiện trường vụ phá rừng đánh giá thiệt hại để có căn cứ khởi tố. Qua rà soát, lãnh đạo UBND huyện An Lão nhận định đối tượng phá rừng không phải là người dân địa phương.

“Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị công an tỉnh vào cuộc, thủ phạm thực sự là ai vẫn đang chờ kết quả chính thức từ cơ quan điều tra. Đây là vụ phá rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay của huyện nên sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che cho ai cả. Sắp đến, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ rừng là UBND xã An Hưng và lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm. Lãnh đạo UBND huyện nhận trách nhiệm, trong tuần này sẽ tiến hành kiểm điểm để báo cáo UBND tỉnh”- ông Lâm khẳng định.

43ha rừng bị xóa sổ, vì sao vẫn chưa khởi tố?

Thừa nhận phát hiện vụ việc quá muộn, ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão nêu lý do: “Khu vực nằm ở thung lũng, địa hình hiểm trở nhưng lỗi một phần do kiểm lâm quá chủ quan. Vụ việc chỉ được phát hiện sau khi tiếp nhận thông tin từ kiểm lâm huyện Hoài Nhơn”.

Ông Tá nhận định, đây là vụ phá rừng có tổ chức, rất đông người tham gia. Các đối tượng đã theo dõi hoạt động kiểm lâm để phá rừng với quy mô lớn. Mục đích chính là để lấy đất trồng rừng. Tuy nhiên, lượng gỗ có kích thước lớn đã được các đối tượng tận dụng, vận chuyển ra khỏi hiện trường.

Ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão nhận trách nhiệm về vụ việc. Ảnh: D.T

Trước việc hơn 43ha rừng bị tàn phá chỉ trong vòng nửa tháng, chúng tôi đặt câu hỏi: có hay không việc kiểm lâm cố tình “ngó lơ”?, ông Tá phân trần: “Không có chuyện đó, bản thân tôi rất xót xa, tôi khẳng định không có việc lực lượng chức năng ngó lơ để lâm tặc lộng hành. Các đối tượng phá rừng quá coi thường pháp luật, khi chúng tôi lên thì họ đã dừng lại, có khi chúng cử người canh hoạt động kiểm lâm”.

Ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện An Lão cho hay: “Địa phương đã chỉ đạo ngành chức năng điều tra, xác minh đối tượng hủy hoại rừng để truy tố trước pháp luật. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường tuần tra, truy quét rừng, nhất là vùng giáp ranh, để không phát sinh mới tình trạng này. Hiện, công an tỉnh đã vào cuộc nên vụ việc sẽ sớm có kết quả, sau đó sẽ đưa ra hình thức xử lý đúng người, đúng tội”.

Cây gỗ lớn đã bị lâm tặc triệt hạ nằm ngổn ngang tại hiện trường. Ảnh: D.T

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Đây là vụ phá rừng quy mô lớn và nghiêm trọng. Chúng tôi đã nhận được sự cam kết của công an tỉnh về việc hỗ trợ tối đa lực lượng và phương tiện nhằm sớm điều ra, làm rõ đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Sở yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn phối hợp với Kiểm lâm An Lão tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh, chủ động ngăn chặn nguy cơ tương tự có thể tái diễn”.

Dũ Tuấn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/xa-hoi/binh-dinh-thu-pham-tan-pha-hon-43ha-rung-van-trong-vong-bi-an-803909.html