Bình Định: Xử lý nước thải luộc gỗ chống ô nhiễm môi trường

Nước thải luộc gỗ gây ô nhiễm môi trường đã được kỹ sư Lê Ngọc Tân, Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm nghiệm tỉnh Bình Định, Sở KH&CN Bình Định cùng nhóm cộng sự xử lý triệt để.

Đề tài Xử lý nước thải luộc gỗ chống ô nhiễm môi trường được đánh giá mang tính thực tiễn cao, đưa ra được công nghệ xử lý giá rẻ, phù hợp quy mô và năng lực của các doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh. Quy trình công nghệ xử lý này đã đoạt Giải thưởng Khoa học và kỹ thuật thanh niên lần thứ 18 và được đưa vào ứng dụng ở nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Năm 2005, trong chuyến công tác tại Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn (Bình Định), Lê Ngọc Tân nhận thấy ở đây có rất nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản gây ô nhiễm do nước thải luộc gỗ nên đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải luộc gỗ đạt tiêu chuẩn môi trường. Sau gần một năm, Tân đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải luộc gỗ với dây chuyền công nghệ - thiết bị, chi phí xử lý và trình độ vận hành phù hợp với các doanh nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trên cơ sở xác định những hợp chất gây ô nhiễm trong quá trình luộc gỗ, đề tài đã đưa ra mô hình nghiên cứu với nhiều phương pháp khác nhau trên ba loại gỗ được dùng phổ biến như: Dầu, capu, chò. Từ đó, xây dựng quy trình công nghệ xử lý nước thải luộc gỗ với chi phí đầu tư cho công nghệ ước tính khoảng 145 triệu đồng và chi phí vận hành 14.000 đồng/m3. Hiện dây chuyền này được lắp đặt và đang vận hành tại Công ty TNHH Tân Đức Duy (KCN Phú Tài). Nước thải luộc gỗ xử lý theo công nghệ này đạt tiêu chuẩn B theo TCVN về nước thải công nghiệp, đáp ứng được những chỉ tiêu quy định về môi trường. Quy trình công nghệ xử lý nước thải luộc gỗ gồm các bước: Xử lý sơ bộ, xử lý hóa lý, xử lý sinh học, xử lý hóa học. Nước thải sau khi luộc gỗ được dẫn về bể chứa một. Tại đây, các hạt đất đá, bụi gỗ, mạt cưa sẽ chìm xuống đáy còn váng dầu nổi trên bề mặt được hút ra. Nước sau khi tách dầu được dẫn sang bể điều hòa rồi bơm lên bồn keo tụ lọc thêm một lần nữa. Sau đó, nước chảy qua bể lọc cát bằng đường ống tự chảy vào bể chứa hai, bể xử lý sinh học hiếu khí. Tại đây, vi sinh vật phân hủy các chất bẩn hữu cơ với hiệu quả xử lý đạt 60 - 80%, sau đó tự chảy sang bể chứa ba. Ở đây, nước thải được bơm lên bồn ô-xy hóa. Quá trình ô-xy hóa sẽ tiêu diệt nốt lượng vi sinh vật, nước thải sau đó đã đạt tiêu chuẩn và được đấu nối vào hệ xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, hoặc có thể tái sử dụng để luộc gỗ và dùng cho các mục đích khác. Điểm nhấn của quy trình công nghệ là có khả năng xử lý nước thải luộc gỗ có nồng độ ô nhiễm cao (lớn hơn 3.000 mg/l), điều mà các công nghệ khác chưa thể xử lý được. Hơn nữa, vì là hệ thống bán tự động nên các thiết bị dùng cho xử lý dễ vận hành và sửa chữa, chi phí bảo trì thấp. Quy trình công nghệ này đã đoạt Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên lần thứ 18 và được đưa vào ứng dụng cho 15 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cũng đã cấp giấy đạt tiêu chuẩn môi trường cho quy trình. (ND)

Nguồn HĐKH: http://www.tchdkh.org.vn/ttchitiet.asp?code=10740