Bình Dương: Cả khu phố phản đối đòi dẹp mỏ đá gây ô nhiễm

Trưởng khu phố Đông An, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho biết, Ban Quản lý mỏ đá Tân Đông Hiệp vừa đề nghị nâng mức hỗ trợ cho người dân ở khu phố để xin phép gia hạn khai thác đến hết năm 2019. Tuy nhiên, đa số hộ dân không chấp nhận vì không thể sống với ô nhiễm và muốn mỏ đá dừng hoạt động.

Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp nằm sát khu dân cư thuộc Công ty cổ phần khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) nằm trên địa bàn P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, (Bình Dương) hiện đang được khai thác ồ ạt trước khi hết hạn vào cuối năm 2017.

Hoạt động khai thác và vận chuyển của cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp gây ảnh hương nghiêm trong đến đời sống của người dân.

Mỏ đá Tân Đông Hiệp hiện đang có 4 công ty đang khai thác gồm: KSB, Công ty cổ phần Trung Thành, Công ty cổ phần xây dựng Bình Dương (MC) và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 3/2 (tất cả đều có trụ sở ở Bình Dương).

Vào năm 2014, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương cho biết, theo Quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương, các mỏ đá khu vực Dĩ An được khai thác đến -100m (âm 100m) và được khai thác đến hết năm 2015. Sau đó các mỏ phải thực hiện việc cải tạo đóng cửa mỏ.

Tuy nhiên đến nay việc khai thác đá ở mỏ Tân Đông Hiệp vẫn được gia hạn khai thác và độ sâu hiện tại đã -120m.

Theo người dân, những năm qua hoạt động khai thác đá của mỏ đá Tân Đông Hiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và để lại hậu quả về môi trường. Năm 2014 - 2015, người dân sinh sống gần mỏ đá phản ứng quyết liệt do bị ảnh hưởng rung lắc, nứt nhà cửa do quá trình nổ mìn khai thác đá và bụi phát tán kể cả trong quá trình vận chuyển, chế biến.

Trước phản ứng của người dân, Ban Quản lý mỏ Tân Đông Hiệp là Công ty cổ phần khoáng sản và xây dựng bình Dương đã đứng ra thương lượng chấp nhận hỗ trợ tiền ô nhiễm môi trường cho người dân từ 20.000 đến 500.000 đồng/hộ/tháng.

Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp nằm sát khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn Út, Trưởng khu phố Đông An, Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An cho biết ở khu phố Đông An có 360 hộ bị ảnh hưởng và được hỗ trợ tiền hàng tháng tùy theo mức độ gần hay xa. “Vừa rồi Ban quản lý mỏ tiếp tục đề nghị nâng mức hỗ trợ cho người dân để xin phép gia hạn khai thác đến hết năm 2019. Tuy nhiên, đa số hộ dân không chấp nhận vì không thể sống với ô nhiễm và muốn mỏ đá dừng hoạt động”, ông Út nói.

Cũng theo ông Út thì ngoài bụi, nhà cửa của những người dân nơi còn bị ảnh hưởng bởi rung lắc do nổ mìn.

Ông Nguyễn Thanh Hải (một người dân kinh doanh gần mỏ đá Tân Đông Hiệp) bức xúc: “Hiện bãi tập kết đá đã tiến sát nhà tôi. Từ nhiều năm nay việc kinh doanh buôn bán của gia đình tôi ế ẩm do bụi”.

Ghi nhận ngày 20.3, hoạt động khai thác đá ở đây diễn ra tấp nập, bụi bay mù mịt mặc dù được tưới nước trên đường thường xuyên. Hiện những vấn đề dư luận quan tâm là mỏ đá sẽ hoạt động đến bao giờ và phương án hạn chế thấp nhất ảnh hưởng môi trường đối với người dân?Đại diện Ban quản lý mỏ đá Tân Đông Hiệp cho biết đơn vị này chỉ là cấp điều hành sản xuất nên không trả lời được câu hỏi do cơ quan báo chí đưa ra.

Ngày 21.3, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết sẽ thông tin các vấn đề dư luận quan tâm đến vụ mỏ đá Tân Đông Hiệp vào ngày 28.3.

Hứa Phương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/binh-duong-ca-khu-pho-phan-doi-doi-dep-mo-da-gay-o-nhiem-754991.html