BÌNH LUẬN: Có đủ sức răn đe?

VFF đã xem án phạt dành cho Đình Đồng là án điểm, trong bối cảnh bạo lực đang trở thành vấn nạn như lúc này thì việc ban kỷ luật áp dụng khung phạt nặng nhất cho hậu vệ SLNA là cần thiết và gây được sự đồng thuận nơi người hâm mộ. Vấn đề là, liệu phạt nặng đã đủ để có thể khiến các cầu thủ khác biết tôn trọng “đôi chân” của đồng nghiệp và chính mình hay không thì đấy lại là chuyện khác.

Một trong những lý do khiến VFF quyết định đưa ra hình thức phạt nặng, bởi pha phạm lỗi của cầu thủ này đến trong thời điểm mà chấn thương kinh hoàng của Bruno vừa xảy ra hay trước đó là pha vào bóng nhận án phạt 5 trận của Đinh Văn Ta. Đấy là chưa kể bản thân CLB SLNA và Đình Đồng đã nổi tiếng với lối đá rắn nhằm triệt hạ đối phương. Nói cách khác, nếu xem hình phạt dành cho Đinh Văn Ta là chiếc thẻ vàng, thì hình phạt giành cho Đình Đồng là chiếc thẻ đỏ. Trước những sự việc đã trở thành vấn nạn đối với những cá nhân vốn xem bạo lực ăn thấm vào bản năng chơi bóng thì việc phạt nặng đến mức mà khiến họ phải sợ hãi vì mất “miếng cơm, manh áo” mới đủ sức để họ cảm thấy hậu quả từ cách chơi của mình tai hại như thế nào…

Tuy nhiên, bóng đá lại là một thể thao mang tính cạnh tranh, và đôi khi các cầu thủ không cố tình chơi xấu, nhưng đã trở thành một phản xạ vô điều kiện rồi thì rất khó để thay đổi. Ví dụ ngay trước mắt, đấy là cú xoạc bóng từ phía sau của trung vệ Khuất Hữu Long với Công Vinh khiến cho tiền đạo số 1 Việt Nam phải nghỉ thi đấu 2 tháng. Đây chỉ là 1 buổi tập luyện của đội tuyển, đặc biệt hơn pha va chạm giữa Hữu Long và Công Vinh diễn ra ngay sau khi Đình Đồng nhận án phạt nặng từ VFF.

Dẫn chứng dường như ngay lập tức ấy đã chỉ ra rằng, rất khó để xóa bỏ được bạo lực sân cỏ trong một sớm, một chiều chỉ bằng những án phạt. Hay nói chính xác, án phạt chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ không diệt được tận gốc.

Với bóng đá Việt Nam, sự tồn tại và xuất hiện của bạo lực đã có từ rất lâu, và nó đôi khi còn giống như một thứ văn hóa. Thời điểm ấy, các khán giả đến sân còn cổ vũ cho kiểu đá như thế, họ hả hê khi cầu thủ của đội mình đốn ngã được cầu thủ đối phương. Thế nhưng, khi bóng đá lên chuyên nghiệp và trình độ của khán giả càng trở nên văn minh hơn, bóng đá trở thành một loại hình giải trí đúng nghĩa thì họ thích được xem bóng đá đẹp nhiều hơn thay vì những chiến thắng bằng mọi giá, cũng là lúc những tình huống mà trước kia họ cổ vũ thì bây giờ chính họ lại lên án dữ dội.

Vì thế, để xóa bỏ được bạo lực trên sân cỏ cần có sự tham gia của tất cả những người liên quan đến bóng đá. Từ khán giả, CLB, HLV… đến cơ quan quản lý. Khi đó, số ít sẽ bị lên án và không thể thắng được số đông, những án phạt nặng mới chỉ là bước đầu của quá trình ấy.

Dẫu vậy, nhìn cách phản ứng của CLB SLNA và BHL đội bóng này sau khi VFF đưa ra án phạt đủ để nói lên rằng quá trình còn hết sức gian nan.

(Theo thethaohcm)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/bong-da-viet-nam/201403/binh-luan-co-du-suc-ran-de-458463/