Bình ổn giá mùa mưa bão

Thông thường sau mỗi đợt mưa, bão, giá rau quả, thực phẩm tại các chợ dân sinh lại bị tư thương đẩy lên cao đột biến. Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này được các tiểu thương lý giải do khan hiếm đầu vào, chi phí vận chuyển tăng... Để thị trường các mặt hàng ổn định, trước hết công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi lợi dụng mưa bão để tăng giá... Nhất là công tác triển khai chương trình bình ổn giá tại các địa phương cần được phát huy hiệu quả cao hơn.

Quá nhiều khâu trung gian là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm bị "đội" lên. Ảnh: KIM NGÂN

Giá "nhảy múa" theo bão...

Do ảnh hưởng thời tiết mưa bão, thêm vào đó là lụt lội khiến vận chuyển khó khăn, những ngày qua, giá rau quả tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội tăng cao đột biến. Khảo sát ở một số chợ sau khi mưa bão đi qua, giá rau quả ở chợ nhiều loại vẫn tăng gấp đôi ngày thường. Bình thường một bó rau muống 6.000 đồng thì nay tăng lên 12.000 đồng; rau cải ngọt tăng từ 25 nghìn đồng/kg lên 35-40 nghìn đồng/kg; cà chua 15-20 nghìn đồng/kg... Trong khi đó, giá các mặt hàng này trong siêu thị bán hàng bình ổn giá thì cơ bản không tăng cao như chợ dân sinh. Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này do khan hiếm đầu vào. Các chủ hàng đều kêu không lấy được hàng sau mưa bão và bị nâng giá từ đầu mối mà không có lý do cụ thể.

Chị Nguyễn Thị Nhung (Thành Công, Ba Đình) cho rằng: Cứ mỗi lần bão gió qua, giá nhiều mặt hàng cũng đồng loạt tăng giá. Các loại rau thơm như mùi tàu, húng đỏ, ngổ, tía tô, rau răm được bán với giá tăng gấp đôi so với vài ngày trước đó. Đối với thủy sản, các loại cá như cá chép, cá trắm hay cá trôi đều tăng khoảng 5 đến 10 nghìn đồng/kg... Thông thường, cứ xảy ra mưa bão thì rau củ tăng giá cũng là bình thường và chỉ vài ngày sau lại giảm. Lần này do ảnh hưởng một lúc hai cơn bão nên giá thực phẩm, rau củ có vẻ "đứng" ở mức cao khá lâu.

Tại các siêu thị và các điểm bán hàng thực hiện chương trình bình ổn giá, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng có biến động nhưng không nhiều. Tại siêu thị Hapro ở Bách Khoa (Hà Nội), nhà phân phối đã ký hợp đồng mua bán nên giá bán rau và thịt được bán tại đây không thay đổi so với trước bão. Do trọng lượng mớ rau ít hơn so với rau được bán tại các chợ cóc nên giá rau khá "mềm": Rau muống 6.500 đồng/mớ; cải xanh là 10 nghìn đồng/mớ; cải ngọt 9.500 đồng/mớ... Tuy nhiên, đại diện Hapro Bách Khoa cho biết: Tất cả những mặt hàng này cũng đã tăng từ 2.000 đến 3.000 đồng/mớ từ đầu tháng 8-2013 do nhà phân phối đề nghị tăng giá. Tại hệ thống siêu thị Fivimart, giá bán rau cũng nhích lên...

Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), thực tế hiện nay, giá bán từ khâu sản xuất đến bán lẻ cuối cùng chênh nhau từ 70% đến 100%, vì phát sinh quá nhiều khâu trung gian. Do đó, với một chương trình lâu dài như chương trình bình ổn giá, thì cần chú trọng tạo chuỗi liên kết từ nhà sản xuất đến bán lẻ để giảm bớt chi phí phân phối lưu thông, đưa đến người tiêu dùng giá cả hợp lý. Đặc biệt, thị trường bán lẻ cần có sự quản lý của Nhà nước, tránh tình trạng đầu cơ tích trữ, lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

Phát huy hiệu quả chương trình bình ổn

Năm 2013, TP Hà Nội sử dụng 318 tỷ đồng vốn ngân sách không tính lãi suất, tạm ứng cho các doanh nghiệp (DN), tập trung bình ổn bảy nhóm hàng thiết yếu như: gạo tẻ (5.500 tấn); thịt lợn (900 tấn); thịt gà (450 tấn); trứng gia cầm (6 triệu quả); thủy, hải sản (300 tấn); dầu ăn (1,5 triệu lít); rau củ quả (2.000 tấn)... Ngoài ra, các DN bằng nguồn vốn tự có chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng, bảo đảm tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố trong vòng một tháng. Chương trình được thực hiện từ tháng 7-2013 đến 4-2014.

Ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương Hà Nội cho biết: Ngoài kinh phí mà thành phố hỗ trợ, thì các DN cần chủ động nguồn vốn tự có để dự trữ thêm hàng hóa. Trong đó, nhiều DN cũng đã chủ động ký kết hợp đồng mua bán tận gốc với nhà sản xuất tại các tỉnh, nên giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ hợp lý và ổn định hơn.

Theo yêu cầu của thành phố, hàng hóa đưa vào thực hiện bình ổn giá phải bảo đảm là hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như có biến động về giá; có đầy đủ bao gói nhãn mác và các thông tin liên quan đến sản phẩm. Ngoài ra, các DN tham gia chương trình bình ổn giá năm 2013 tại TP Hà Nội sẽ tập trung đưa hàng bình ổn giá về khu công nghiệp, khu chế xuất, bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học. Đồng thời, cung cấp thực phẩm tươi sống từ những cơ sở sản xuất uy tín đến tay người tiêu dùng; phát triển hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm hợp vệ sinh.

Chương trình bình ổn giá phải thực hiện được ba mục tiêu quan trọng đó là dự trữ hàng hóa đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ bảo đảm an toàn; bán đúng giá niêm yết và doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích. Để chương trình phát huy hiệu quả hơn nữa, nhiều DN kiến nghị thành phố cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN vận chuyển hàng thuận lợi, ngoài ra cần đầu tư mở thêm nhiều điểm bình ổn tại chợ dân sinh, khu dân cư, khu công nghiệp... nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trước những biến động giá cả thị trường.

Để "hạ nhiệt" các mặt hàng sau bão, mới đây Bộ Tài chính đã có công điện "hỏa tốc" gửi các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện ngay việc kiểm soát giá cả. Nhất là xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật hoặc tăng giá dây chuyền khi yếu tố hình thành giá không có biến động lớn. Đồng thời cũng đề nghị các địa phương có xảy ra bão lũ cần có biện pháp bình ổn giá kịp thời theo quy định tại Luật Giá đối với những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn...

* Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty An Việt cho rằng, cần mở thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ dân sinh và khu dân cư, nhằm góp phần ổn định giá thị trường, hỗ trợ người dân những lúc cao điểm hoặc thị trường biến động. Ngoài ra, Sở Công thương và các cơ quan, ban ngành hỗ trợ, giới thiệu để DN có thể mượn hoặc thuê với giá ưu đãi nhằm mở được nhiều điểm bán hàng bình ổn tại khu chợ dân sinh hoặc khu dân cư, để góp phần đưa hàng bình ổn đến được với nhiều người dân hơn.

VIỆT HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/21000902-.html