"Binh pháp" đánh lừa “mắt diều hâu” vệ tinh

Hãng R... của Nga chuyên chế tạo các hệ thống như xe thiết giáp, tên lửa SAM và rađa giả để đánh lừa các hệ thống trinh sát chụp ảnh từ trên không.

Hệ thống vũ khí giả phục vụ cho biện pháp đánh lừa.

Binh pháp xưa có câu “việc quân không ngại lừa dối”. Câu nói đó không hề lạc hậu trong chiến tranh hiện đại.

Khác với ngụy trang, che giấu, đánh lừa là biện pháp tung tin giả để đánh lạc hướng đối phương, và làm cho đối phương không thể đánh giá chính xác lực lượng- và- khả năng của mình.

Các kỹ thuật đánh lừa hiện đại thường tinh vi và bao gồm cả việc bố trí những cấu trúc hay hệ vũ khí giả.

Sự thành công của những biện pháp này tùy thuộc mức độ tinh vi của trang bị giả, với những hệ thống mồi bẫy (mục tiêu giả) rất giống thật, thường có thể đánh lừa phương tiện trinh sát chụp ảnh của đối phương, và là cách tương đối rẻ tiền, dễ sử dụng, để gây khó khăn cho việc thu thập tình báo của đối phương.

Hãng R... của Nga chuyên chế tạo các hệ thống như xe thiết giáp, tên lửa SAM và rađa giả khi bơm phồng lên trông giống như thật. Bằng cách sử dụng sợi thép và máy phát nhiệt, các hệ thống phương tiện giả của hãng này có thể phát đi hiệu nhiệt và rađa hoàn toàn giống như các hệ vũ khí trang bị thật, đủ để đánh lừa các hệ thống trinh sát chụp ảnh từ trên không.

Một trong những nước sử dụng phổ biến biện pháp đánh lừa này là Bắc Triều Tiên nhằm làm cho đối phương tưởng lầm rằng họ có hệ thống phòng không rất mạnh. Các trận địa tên lửa SAM giả được bố trí ở nhiều địa điểm, bao gồm cả khu vực gần cơ sở nghiên cứu hạt nhân Yongbyon dù đã bị phát hiện là những hệ thống giả.

Nói chung, hiệu quả của một hệ thống giả tùy thuộc khả năng phát ra những tín hiệu vật chất và điện tử giống như hệ thống thật. Nếu chỉ bố trí hệ thống giả hoặc thậm chí những bệ phóng SAM dư thừa ở một trận địa giả chẳng hạn, thì không thể đánh lừa được đối phương có các hệ thống xenxơ hồng ngoại hay tình báo điện tử có khả năng trinh sát dựa trên đó bằng nhiều dải phổ khác nhau.

Biện pháp kiểm duyệt

Do khả năng sử dụng ngày càng phổ biến dữ liệu ảnh chụp từ trên không do các hãng dân sự có thể cung cấp, nhiều chính phủ và tổ chức đang áp dụng những biện pháp trực tiếp hơn để che giấu những hệ vũ khí đã triển khai và những vị trí nhạy cảm khác.

Trong nhiều trường hợp, biện pháp này tương đối đơn giản. Nhiều quốc gia có cơ quan thông tin bằng vệ tinh địa tĩnh thu thập và cung cấp thông tin bao gồm cả dữ liệu ảnh chụp từ trên không, cho cả các cơ quan nhà nước và tư nhân. Các cơ quan thông tin này trực thuộc chính phủ nên dễ kiểm soát để đảm bảo không để lộ những dữ liệu nhạy cảm.

Tuy nhiên, trường hợp ở một nước thuộc khu vực Đông Âu cho thấy hiệu quả của biện pháp này còn là điều đáng ngờ. Hình ảnh một khẩu đội S-300 PMU của quân đội quốc gia này bố trí tại một địa điểm, đã bị chính phủ kiểm duyệt và thay vào đó, hãng GEO... của họ đã phát đi hình ảnh vị trí đó chỉ có cây cỏ.

Nhưng ảnh dữ liệu do hãng Digital Globe chụp năm 2005 mà hãng GEO... không kiểm soát được, lại cho thấy rõ tên lửa bố trí ở đó. Tương tự như vậy, hãng Geoforce Technologies ở Đài Loan đã xóa hình ảnh các khu vực liên hợp quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng vẫn thấy rõ trong ảnh dữ liệu do các hãng dân sự GeoEye và DigitalGlobe cung cấp.

Qua kiểm duyệt, ảnh một khẩu đội S-300 có thể trở thành... ảnh cây cỏ. Ảnh minh họa

Là một trong những nước có nhiều hãng cung cấp ảnh dữ liệu chụp từ vệ tinh dân sự, Mỹ cũng đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để che giấu một số vị trí chủ yếu vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia- không để lộ thông tin mà các quốc gia hay tổ chức quân sự có thể lợi dụng. Các chính sách an ninh quốc gia theo luật của Mỹ không chỉ áp dụng cho việc cung cấp dữ liệu ảnh chụp từ trên không những địa điểm của nước Mỹ.

Việc thu thập dữ liệu ảnh chụp từ trên không được đặt dưới quyền kiểm soát của NOAA (Cục Hải dương và Khí quyển Quốc gia). Các hãng cung cấp dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh đều phải có giấy phép do cục này cấp và tuân thủ một số quy định.

Các hãng cung cấp dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh độ phân giải cao của nước này như DigitalGlobe và GeoEye đều được NOAA cấp giấp phép và phải tuân thủ những quy định của liên bang về việc thu thập và phổ biến dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh.

Luật liên bang ở Mỹ bảo đảm cho chính phủ có thể kiểm soát việc phổ biến dữ liệu ảnh do các hãng vệ tinh dân sự ở Mỹ thu thập theo một phương pháp được gọi chung là kiểm soát kiểu cửa chớp (Shutter control) do chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton đặt ra năm 1994.

Mục đích của kiểu kiểm soát này là hạn chế việc phổ biến những dữ liệu có thể gây tác hại cho những nỗ lực thực hiện chính sách đối ngoại hay các hoạt động quân sự đang tiến hành của Mỹ.

Các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng có thể yêu cầu Bộ trưởng Thương mại buộc các hãng đã được NOAA cấp giấp phép, phải hạn chế hoặc không được thu thập và/hoặc phổ biến dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh những khu vực nhất định dù đã có một thỏa thuận ký năm 2000 giữa ba Bộ trưởng và cộng đồng tình báo (theo đó các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng có quyền áp dụng biện pháp kiểu “cửa chớp” mà không cần tham khảo ý kiến của Bộ Thương mại).

Những quy định hạn chế này có hiệu lực cho đến khi được bộ yêu cầu kiểm soát hay tổng thống tuyên bố hủy bỏ.

Google thường bị nhiều quốc gia chỉ trích là không quan tâm đến những vấn đề an ninh quốc gia của họ khi phổ biến ảnh dữ liệu về những địa điểm nhạy cảm. Bản thân Google không kiểm duyệt hay cấm việc cung cấp bất kỳ dữ liệu mà hoạt động như người sử dụng cuối, đưa dữ liệu ảnh của các hãng cung cấp như Digital Globe vào chương trình Google Earth, phổ biến rộng rãi ảnh dữ liệu có độ phân giải cao. Vì vậy, bất kỳ ảnh dữ liệu nào bị kiểm duyệt trong Google Earth đều là từ nguồn bên ngoài.

Hiệu quả tổng thể

Về tổng thể, hiệu quả của những biện pháp che giấu và đánh lừa theo chủ trương của nhà nước và do quân đội thực hiện đối với việc phân tích ảnh dữ liệu chụp từ vệ tinh, tùy thuộc bản thân những biện pháp đó.

Trong nhiều trường hợp, những biện pháp che giấu, đánh lừa do quân đội thực hiện thường có hiệu quả hơn nhiều so với những biện pháp kiểm duyệt của chính phủ hay theo luật.

Những thủ thuật đánh lừa trong quân sự như sử dụng các hệ thống mồi bẫy (mục tiêu giả) hay ngụy trang các công trình kiến trúc, thường có hiệu quả nhất.

Hiện thời, các biện pháp ngăn chặn và đánh lừa đang sử dụng là một trở ngại đối với các chuyên viên phân tích. Tuy nhiên, nếu xác định được bản chất của những biện pháp đó, họ có thể khắc phục bằng cách tổng hợp dữ liệu ảnh từ các nguồn thu khác nhau.

Sử dụng nhiều nguồn tình báo là cách tốt nhất để bảo đảm thu thập thông tin chính xác và khả dụng trong trường hợp đối phương áp dụng các kỹ thuật chống trinh sát chụp ảnh từ vệ tinh.

Kỳ 2: Các kiểu ngụy trang căn cứ quân sự trước “mắt thần” vệ tinh

Tường Bách (theo Jane’s Intelligence Review)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/binh-phap-danh-lua-mat-dieu-hau-ve-tinh/20130805061530865p1c32.htm