Bình Phước: Người dân trông chờ 1 bản án công minh của Tòa phúc thẩm

Ngày 27/7/2016, TAND thị xã Bình Long đã xét xử sơ thẩm lần thứ ba vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thanh Huệ và bị đơn là ông Nguyễn Văn Hòa.

Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa bà Huệ, ông Hòa, bà Chanh vô hiệu. Buộc ông Hòa, bà Chanh trả lại cho bà Huệ 491.672.500 đồng, còn bà Huệ bị cấn trừ 8.327.500 đồng vì cũng có lỗi trong vụ việc. Sau khi bản án ban hành, ông Hòa đã kháng cáo lên TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm.

Người nói có, người bảo không

Theo trình bày của nguyên đơn Nguyễn Thanh Huệ, vào ngày 25/5/2011, bà Huệ có nhận chuyển nhượng của ông Hòa và bà Chanh (lúc này còn là vợ chồng) miếng đất có diện tích 4.662 m 2 tại ấp Thanh Hòa, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long và tài sản là nhà ở trên đất với giá 500 triệu đồng. Việc chuyển nhượng có lập hợp đồng nhưng không đến cơ quan nhà nước để công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật. Bà đặt cọc cho ông Hòa, bà Chanh 500 triệu đồng. Ông Hòa viết giấy sang nhượng và ký tên đã nhận đủ số tiền đặt cọc rồi giao cho bà Huệ một bản hợp đồng và 1 giấy chứng nhận QSDĐ diện tích đất nói trên. Sau khi nhận tiền xong, do ông Hòa, bà Chanh không thực hiện cam kết nên bà Huệ kiện.

Còn bà Chanh trình bày là có sự việc kể trên và miếng đất nói trên là tài sản của vợ chồng bà Chanh. Bà Chanh và ông Hòa đã nhận 500 triệu là tiền bà Huệ đặt cọc. Việc lập hợp đồng sang nhượng đất và nhà ở do ông Hòa viết. Sau khi bà Huệ giao 500 triệu đồng thì ông Hòa viết thêm dòng chữ sau tờ hợp đồng:

“Bên mua cho bên bán thời gian là 2 năm (từ ngày 25/5/2011 đến 25/5/2013). Nếu quá hạn thời gian nói trên thì bên bán sẽ sang tên cho bên mua”. Cũng theo lời khai của bà Chanh, hiện nay bà và ông Hòa đã ly hôn, bà Huệ yêu cầu bà Chanh và ông Hòa tiếp tục thực hiện hợp đồng thì bà đồng ý. Trường hợp ông Hòa không đồng ý thì bà Chanh cũng đồng ý trả lại số tiền trên cho bà Huệ tương ứng với phần nghĩa vụ của bà.

Ông Hòa (bìa phải) đang trình bày vụ việc với luật sư Dương Vĩnh Tuyến.

Tuy nhiên người đại diện cho ông Hòa là bà Nguyễn Ngọc Diễm Hà (SN 1965) và luật sư Lê Minh Tâm thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, khẳng định: “Ông Hòa không quen biết, không mua bán chuyển nhượng QSDĐ với bà Nguyễn Thanh Huệ. Ông Hòa chỉ vay mượn tiền của bà Nguyễn Thị Thanh Hà (SN 1972, chị bà Huệ) 60 triệu đồng và thế chấp một giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên ông Hòa.

Việc giao dịch giữa ông Hòa với bà Hà được ghi chép đầy đủ trong cuốn sổ do bà Hà giữ, ông Hòa chỉ ký nhận vào cuốn sổ ghi nợ của bà Hà, ông Hòa không giữ giấy tờ vay mượn, cầm cố. Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên ông Hòa được UBND huvện Bình Long (nay là UBND thị xã Bình Long) cấp ngày 23/2/1998 là tài sản của cha mẹ cho ông Hòa trước khi cưới bà Chanh. Bà Chanh đã xác định không có tài sản chung gì với ông Hòa theo “Quyết định công nhận thuận tình ly hôn” số 60/2012/HNGĐ ngày 6/6/2012 của TAND thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước nên bà Chanh không liên quan gì đến khối tài sản đất và nhà ở nói trên.

Tôi không mua bán gì với bà Huệ

Trao đổi với phóng viên, ông Hòa tái khẳng định hợp đồng sang nhượng đất, nhà ở viết tay được lập ngày 25/5/2011, do ông Hòa viết theo nội dung đề nghị của bà Nguyễn Thị Thanh Hà và chỉ có duy nhất một bản do bà Hà cất giữ không có chữ ký của bà Nguyễn Thị Thanh Huệ. “Tôi hoàn toàn không quen bà Huệ, không giao dịch và không nhận số tiền 500 triệu đồng như bà Huệ trình bày. Vì vậy tôi không đồng ý thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và không đồng ý trả lại số tiền trên theo yêu cầu của nguyên đơn”, ông Hòa khẳng định.

Cũng tại phiên sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Thanh Hà (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan), xác định không biết việc sang nhượng đất, nhà ở giữa ông Hòa, bà Chanh với bà Huệ. Việc vay nợ giữa bà Hà với ông Hòa đã giải quyết xong từ năm 2011 và cũng không có việc thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ như ông Hòa trình bày.

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, nhận định về bản án số 09 ngày 27/7/2016 của TAND thị xã Bình Long, như sau:

“Thứ nhất nguyên đơn kiện yêu cầu bị đơn trả 1 tỷ đồng, gồm 500 triệu đồng tiền đặt cọc và 500 triệu đồng phạt cọc. Tại phiên tòa ngày 27/7/2016, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Thế nhưng, bản án số 9 chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tức không chấp nhận yêu cầu phạt cọc nhưng không buộc nguyên đơn chịu án phí, đây là cái sai thứ nhất.

Thứ nhì, HĐXX chỉ dựa vào lời khai của nguyên đơn và lời khai của bà Chanh (vợ cũ ông Hòa) để kết luận bà Huệ đã đưa cho vợ chồng Hòa - Chanh 500 triệu đồng là không có căn cứ vững chắc. Bởi lẽ ông Hòa không thừa nhận việc nhận 500 triệu đồng và không quen biết với bà Huệ cũng như không bán nhà đất cho bà Huệ, trong khi đó bản án sơ thẩm số 09 chưa làm rõ các vấn đề: Bà Huệ đưa 500 triệu đồng cho ai, đưa cho bà Chanh hay ông Hòa?

Trước khi viết giấy ngày 25/5/2011, bà Huệ có gặp ông Hòa để trao đổi việc mua bán hay không? Bà Huệ có đi xem thực trạng nhà đất hay không? Nếu không gặp, không trao đổi trước thì làm sao bà Huệ biết vợ chồng ông Hòa - Chanh bán nhà đất với số tiền 500 triệu mà ngày 25/5/2011 đem tiền tới tiệm uốn tóc và cũng là nơi ở của vợ chồng Hòa - Chanh để giao?

Trong hợp đồng sang nhượng đất, nhà ở có ghi nội dung: “Bên mua sẽ giao đủ số tiền khi bên bán giao nhà, đất cùng các loại giấy tờ trên vào ngày....tháng... năm... (bỏ trống). Ông Hòa chưa giao nhà, đất và các giấy tờ cho bà Huệ, vậy liệu có chuyện bà Huệ đưa đủ 500 triệu đồng vào ngày 25/5/2011 cho vợ chồng ông Hòa không? Theo lời khai của bà Huệ thì ông Hòa có trách nhiệm sang tên QSDĐ cho bà Huệ. Vậy tại sao ông Hòa lại giao giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Huệ? Vì nếu giao sổ đỏ bản gốc thì lấy gì để ông Hòa đi sang tên?”.

Một điểm đáng chú ý nữa là mặt sau tờ hợp đồng có ghi “bên mua cho bên bán thời gian 2 năm (từ 25/5/2011 đến 25/5/2012), nếu qua thời gian nói trên thì sẽ sang tên cho bên mua" nhưng án sơ thẩm số 9 đã không làm rõ nội dung này có ý nghĩa thế nào? Bên mua cho bên bán thời gian 2 năm để làm gì? Nếu qua thời gian 2 năm mà bên bán không làm thì phải sang tên cho bên mua. Chưa kể trong bản án sơ thẩm số 9, các thành viên HĐXX đã phạm sai lầm về nhận thức khi xử lý giao dịch dân sự vô hiệu.

Cụ thể: án cho rằng giao dịch giữa bà Huệ với bà Chanh, ông Hòa vô hiệu và kết luận bà Huệ có đưa cho bà Chanh, ông Hòa 500 triệu đồng. Nếu giao dịch vô hiệu thì các bên trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Ở đây giá trị giao dịch 500 triệu; còn giá trị QSDĐ chưa tới 500 triệu. Bản án số 09 buộc bà Huệ chịu 10% lỗi (8.327.500 đồng trong tổng số 500 triệu), buộc ông Hòa, bà Chanh trả cho bà Huệ 491.672.500 đồng; giả sử ông Hòa, bà Chanh có nhận 500 triệu của bà Huệ thì án sơ thẩm xử lý như vậy là sai lầm nghiêm trọng về nhận thức và áp dụng pháp luật”, luật sư Tuyến khẳng định.

Tóm tắt vụ án

Tháng 11/2012, bà Huệ khởi kiện yêu cầu ông Hòa trả cọc và bồi thường phạt cọc 1 tỷ đồng. Ngày 28/1/2013 TAND thị xã Bình Long xử sơ thẩm lần 1 và ra bản án số 2/2013/DSST chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn trả 1 tỷ đồng. Ngày 22/2/2013, bản án này bị Viện KSND tỉnh Bình Phước kháng nghị, đến ngày 23/5/2013 TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm, quyết định hủy án sơ thẩm số 2 của tòa Bình Long và đình chỉ vụ án vì lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện. Đến ngày 1/8/2013, bà Huệ tiếp tục kiện.

Ngày 6/8/2014, TAND thị xã Bình Long lại xử và ra bản án số 13/2014/DSST buộc ông Hòa bồi thường bà Huệ 500 triệu đồng, ghi nhận thỏa thuận giữa bà Huệ với bà Chanh nên ông Hòa kháng cáo. Ngày 22/1/2015, TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục xử phúc thẩm, ra bản án số 05/2015/DS-PT hủy toàn bộ án sơ thẩm số 13 của TAND thị xã Bình Long và giao lại hồ sơ để xử sơ thẩm lại. Đến ngày 27/7/2016, TAND thị xã Bình Long đưa vụ án ra xét xử và ra bản án số 9 như nêu ở trên.

HỒNG THẢO / KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/binh-phuoc-nguoi-dan-trong-cho-1-ban-an-cong-minh-cua-toa-phuc-tham-p43330.html