Bình Phước... nóng!

Không phải ngẫu nhiên, thị xã Đồng Xoài - thủ phủ của vùng đất đỏ bazan này - thường xuyên... có duyên xuất hiện trên những chuyên mục dự báo thời tiết, mỗi khi người ta đề cập tới nắng nóng.

Đúng vậy, vào những ngày này, Đồng Xoài cũng như Bình Phước - nóng. Không chỉ cái nóng, với nhiệt độ 38 - 39 độ C tràn lan mọi ngóc ngách, mà mọi thứ, từ con người cho đến sự vật và công việc của vùng đất trẻ trung này, dường như cũng... "nóng" đến lạ thường. Nóng vì... cây điều Hơn 5 ngày diễn ra lễ hội “Quả điều vàng Việt Nam – Bình Phước” năm 2010, không có từ nào có thể diễn tả hơn từ “nóng”, để nói đến cả thị xã Đồng Xoài cũng “nóng” theo cái lễ hội độc đáo này. Trước hôm diễn ra lễ hội, có mặt ở thị xã Đồng Xoài, tôi đã thấy cái nóng từ lễ hội bắt đầu lan tỏa khắp mọi nẻo đường thị xã. Đâu đâu cũng băngrôn, cờ hoa, hình ảnh, mô hình cây điều, quả điều... phô bày sặc sỡ. Suốt chiều dài con đường Hùng Vương và toàn bộ khu trung tâm hành chính tỉnh, lễ hội tôn vinh cây điều tràn ngập. Chiều ngày 20.3, trước khi lễ hội khai mạc vài tiếng đồng hồ, với sự xuất hiện đông đủ của hơn 2.000 quan khách thập phương đổ về, thì... cây điều đã hoàn toàn “ngự trị” thị xã Đồng Xoài. Bà Trần Thị Mai – chủ tiệm tạp hóa ở thị xã – nói: “Mọi hôm, chợ họp đông đúc đến tận 10 giờ đêm. Vậy mà hôm nay, từ 5 giờ chiều, chợ vắng như chùa Bà Đanh, người mua, kẻ bán thưa thớt. Hỏi ra, mới hay tất tần tật, người ta đổ về lễ hội cây điều. Tôi đành đóng cửa tiệm luôn”. Cái nóng của cây điều thật sự lên tới đỉnh của nó trong đêm khai mạc lễ hội, khi 2.000 quan khách thập phương... lọt thỏm trong đám đông khổng lồ người dân thị xã. Có người ước độ 5 – 6.000 người; nhưng có người phán đoán, tính cả dòng người chen chúc, chật như nêm cối suốt khu phố ẩm thực trên đường Hùng Vương và gian triển lãm, phải tới hơn 10 ngàn người. Ông Nguyễn Văn Trí – 77 tuổi, ngụ phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài – cho biết: “Cây điều quen thuộc với người dân chúng tôi hàng chục năm nay. Vì nó dễ trồng, không kén đất, nắng nóng, thiếu nước đến mấy, cây điều vẫn sống và cho trái. Cái cây chỉ dành cho người nghèo đắp đổi qua ngày, có ai ngờ giờ đây, nó lại được ca ngợi, tôn vinh đến vậy? Nhưng tôi thiệt vui, bởi nhờ có cây điều mà Bình Phước mới có được cái lễ hội lớn này. Nhờ cây điều mà ai ai cũng biết tới mảnh đất một thời khó khăn này”. Nhờ cái sự “phát sốt” của hàng ngàn con người tại lễ hội điều, mà dân bán buôn quán xá dọc theo những con đường thị xã được một phen kinh doanh... đắt chưa từng có. Các khách sạn, nhà nghỉ ở thị xã Đồng Xoài đều kín đặc khách thuê... Khát vì... nóng! Nếu như cái nóng vì cây điều, vì cái lễ hội điều làm hàng ngàn người dân thị xã Đồng Xoài “phát sốt” một cách... dễ chịu; thì cái nóng bình quân 38 độ C thực thụ trên vùng đất này khiến con người ta... phát điên. Hai ông bạn chuyên nhập khẩu điều người Mỹ được mời dự hội nghị khách hàng của Hiệp hội Điều VN, tổ chức tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Sau một ngày dự hội nghị, hai ông đã cho tôi biết: “Bình Phước của anh... nóng quá. Hai chúng tôi, ông nào cũng nặng cỡ 80 – 100kg, sau một ngày lên Bình Phước gần như bị... chảy mỡ hết trọi”. Sang ngày thứ hai, nhiệt độ không giảm, còn có vẻ tăng thêm từ 1-2 độ C đã khiến cho một trong hai ông bạn Mỹ quý hóa trên... phát bệnh, nằm liệt giường nơi khách sạn. Giếng khoan ở Bù Gia Mập sâu hơn 100m vẫn không có nước. Ảnh: C.H Thật vậy, trong những ngày tháng 3 này, Bình Phước gần như... một lò lửa của miền Đông Nam Bộ. Không ngày nào trong năm lại nóng dữ dội như những ngày này. Và, cũng chưa thấy có thời điểm nào lại làm cho vùng đất đỏ này “phát hỏa”, nóng hừng hực như những năm gần đây. Tuổi thơ của tôi, suốt gần 20 năm trải qua trên vùng đất Đồng Xoài, tôi cũng chưa từng thấy quê hương mình lại... “nóng sốt” tới 38 – 40 độ C như bây giờ. Suốt gần 7 ngày về lại quê hương, chỉ có cái nóng 38 độ C hun nóng toàn thân tôi. Ông Phạm Bá Dắt – ngụ xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài – kể: “Toàn bộ dân nơi khu phố tôi ở đã khát nước từ tháng 2. Nhà nào cũng thuê thợ đào, vét, nạo giếng nước sâu thêm 1,5 – 2m; vậy mà nước ngầm cũng không thấy đâu. Giếng nhà nào cũng sâu 15 – 20m; thậm chí, có nhà đào giếng sâu hun hút tới 25m, vẫn không có đủ nước để xài trong mùa khô nóng như thế này”. Không đủ nước sinh hoạt, người dân buộc phải bóp bụng mua nước từ các xe bồn. Thay vì thường lệ chỉ 4.800 đồng/m3, hiện nay người dân phải mua nước với cái giá cắt cổ từ 15.000 – 20.000 đồng/m3. Vậy mà không có nước để mà mua. Cay đắng hơn, hàng trăm hộ dân khu vực xã Tân Thành, huyện Chơn Thành, trong những ngày nắng nóng phải trả từ 50 – 60 ngàn đồng/m3, mới có nước sử dụng. Ông Nguyễn Văn Việt – ngụ ấp 6, xã Tân Thành – cho hay: “Toàn xã có 7 ấp, thì hết 4 ấp thiếu nước trầm trọng”. Tôi đã có một chuyến rong ruổi lên xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, trong những ngày nắng nóng 38 độ C. Trưa, con đường dẫn chúng tôi từ thị xã Phước Long tới xã Bù Gia Mập tuyền một màu bụi đỏ, đầy ổ voi, ổ gà. Xã Bù Gia Mập hiện như trên một chảo rang... hạt điều, với sức nóng hầm hập. Ghé vào nhà ông Điểu Giấp – người dân tộc S’tiêng (ngụ đội 3, thôn Bù Rên) – xem như khá giả nhất ở đây, chúng tôi được ông Giấp cho biết: “Từ tết đến giờ, cả nhà tôi thiếu nước, phải mua mỗi ngày 3m3, với giá 150.000 đồng mới có nước xài. Cả thôn có được con suối duy nhất, nhưng gần sắp cạn. Hầu hết bà con lũ lượt kéo ra suối tắm táp, cõng nước tới 9 giờ đêm”. Ở nhà ông Điểu Giấp, tôi đếm có 6-7 giếng đào, nhưng chẳng giếng nào có nước. Theo ông Giấp, năm nay thiếu nước trầm trọng, ông đã bỏ tiền ra đào một giếng sâu tới 107m, giếng vẫn không có giọt nước nào. Ông Giấp đào tiếp một giếng khác, sâu khoảng 16m, gặp đá bàn, đành bỏ cuộc. Tổng cộng, ông Giấp tốn kém 30 triệu đồng cho vụ đào giếng, mà nước vẫn... bặt tăm. Một số hộ đồng bào dân tộc ở các thôn Đắk Côn, Cầu Sắt, Bà La, Đắk A... phải đi cõng nước về dùng từ các sông, suối, ao hồ còn sót lại trên rừng v.v... Xã Bù Gia Mập chỉ có khoảng 6.000 dân, thì trong đó, khoảng 4.600 người là đồng bào dân tộc S’tiêng (chiếm trên 72% số dân). Phần đông người dân còn nghèo, cái nóng như thiêu của mùa khô và tình trạng thiếu nước nghiêm trọng càng đẩy người dân tới chỗ khó khăn hằng ngày. Nóng ruột vì... người dân Trong bối cảnh cái nóng đã và đang hoành hành khắp tỉnh, theo một cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Phước, “chúng tôi rất lo, mong mỏi từng cơn mưa “vàng” bất chợt đổ xuống. Chúng tôi nhận thức được rằng, biến đổi khí hậu diễn ra, không chỉ các địa phương ven biển lo lắng nước biển dâng, mà ngay tại Bình Phước, sẽ là tỉnh gánh chịu cái nóng nặng nhất nước”. Bà Trần Thị Yến – Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập – cho biết: “Từ tháng 2, chúng tôi đã không còn kiểm soát được nước sinh hoạt trong dân, bởi hầu hết các giếng đào đã cạn khô”. Chính quyền đã đầu tư 900 triệu đồng đào giếng cho dân trong mùa khô này. Tuy nhiên, đào tới đâu đụng đá bàn tới đó, họa chăng, không gặp đá, giếng đào sâu hơn 100m vẫn không có nước. Vậy là... bó tay! Bà Yến nói: “Ngoài trời nóng hầm hập bao nhiêu, thì trong lòng những người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở như chúng tôi lại... nóng ruột bấy nhiêu, vì không biết làm sao đây để có nước sinh hoạt đủ dùng cho người dân. Cuối cùng, chỉ còn cầu mong vào... ông trời. Nhưng nghe thủy văn nói, nắng nóng sẽ còn kéo dài 2 tháng nữa, sang tháng 5 mới vào mùa mưa”. Tôi ở lại một đêm nữa ở thị xã Đồng Xoài, trước khi trở lại TPHCM. Suốt đêm, không khí thị xã oi bức, sau một ngày dài trải qua nắng nóng. Vô số những con ve sầu lẫn khuất trên những tàng cây lại ngân nga điệp khúc ỉ ôi đến rát tai, báo hiệu mùa hè đang đến. Ở Bình Phước, mùa hè đến, từ lâu đã không còn vẻ lãng mạn, hồn nhiên của tuổi học trò; trái lại, nó như gửi một thông điệp về cái đỉnh điểm của nắng nóng, hạn hán đã và đang hoành hành, mà ai ai cũng âu lo.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/binh-phuoc-nong/20103/178707.laodong