Bình Phước trước 'cơ hội vàng' phát triển nông nghiệp sạch

Không phải ngẫu nhiên, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Bình Phước vào tháng 2.2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn gửi, khuyến khích lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Phước hãy tận dụng lợi thế đất đai, vị trí thuận lợi để 'lột xác' trở thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp sạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – miền Đông Nam bộ và của cả nước...

Hiện Bình Phước đang xây dựng thương hiệu "Hạt điều Bình Phước", sau hơn 20 năm phát triển cây điều.

Hiện Bình Phước đang xây dựng thương hiệu "Hạt điều Bình Phước", sau hơn 20 năm phát triển cây điều.

Thủ phủ của cây điều

Thật vậy, ngày 31.7 vừa qua, Hiệp hội điều Bình Phước đã tổ chức hội thảo, bàn kế hoạch đăng bạ chỉ dẫn cho hạt điều Bình Phước. Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam – nói: “Hơn 20 năm qua, cây điều tỉnh Bình Phước đã góp phần xóa đói – giảm nghèo cho hàng triệu người dân; đồng thời, cũng là loại cây chiến lược giúp hàng trăm doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu điều rạng danh trên thị trường quốc tế. Bình Phước chưa đăng ký, đăng bộ cho riêng mình giống cây này, nhưng trên thực tế, lâu nay, Bình Phước đã là thủ phủ của cây điều Việt Nam, góp phần gầy dựng, phát triển ngành xuất khẩu điều Việt Nam vô Top đứng đầu thế giới trong gần 20 năm qua, về sản lượng xuất khẩu, vùng nguyên liệu và chất lượng số một thế giới”.

Bình Phước là tỉnh nằm vị trí cửa ngõ Tây Nguyên với Đông Nam bộ, có cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư và Hoàng Diệu thông thương với nước Campuchia, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương và gần TP.Hồ Chí Minh. Bình Phước có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao: Cao su, điều, tiêu, ca cao… đã tạo nên tiềm năng lớn cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Trên thực tế, hiện nay Bình Phước có trên 134.000 ha điều (chiếm gần 50% diện tích ngành điều cả nước), trong đó hơn 132.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn. Bình Phước đã được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng nguyên liệu chính với 200.000 ha vào năm 2020. Hạt điều Bình Phước đã được chọn xây dựng thành thương hiệu quốc gia. Đối với ngành công nghiệp chế biến điều, tính riêng năm 2016 kim ngạch xuất khẩu nhân điều đạt 500 triệu USD (chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh). Hoạt động chế biến có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở, trong đó có 31 doanh nghiệp lớn với công suất đạt trên 82.000 tấn/năm. Đồng thời, giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động, công nghiệp chế biến đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ điều của cả nước, song sản phẩm chế biến từ hạt điều chưa đa dạng, chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng không cao. Phần lớn quy mô công nghiệp còn nhỏ, đầu tư công nghệ vào dây truyền sản xuất chưa được đồng bộ, làm hạn chế khả năng cạnh tranh của hạt điều Bình Phước. Để khắc phục những hạn chế và phát triển ngành điều tương xứng với tiềm năng của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã đề ra những mục tiêu và giải pháp phát triển bền vững ngành điều của tỉnh.

Từ năm 2016, Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” đã bắt đầu triển khai ở Bình Phước. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA thông qua Cơ quan phát triển Pháp và Cơ quan kinh tế - Đại sứ quán Pháp tài trợ. Trong đó có nội dung hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Bình Phước. Qua các số liệu về cây điều từ Hiệp hội điều Việt Nam cho thấy những điểm đặc trưng của hạt điều Bình Phước như: hình dạng, tính chất vật lý, dinh dưỡng… đều đạt chất lượng cao nhất, tốt nhất so với các loại hạt điều của châu Phi, Ấn Độ, Campuchia…Hiện phạm vi khu vực chỉ dẫn địa lý là 88/111 xã - phường của 11 huyện, thị xã với 3 sản phẩm bảo hộ: Hạt điều thô thành phẩm, hạt điều nhân trắng và hạt điều rang muối.

Trại gà lạnh của Công ty Hùng Nhơn, tỉnh Bình Phước.

“Cơ hội vàng” là trung tâm chăn nuôi… sạch

Bình Phước có khoảng 270 trang trại chăn nuôi công nghiệp, trong đó hơn 200 trại heo và 61 trang trại gia cầm, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng GDP của tỉnh hằng năm. Ngày 1.7 vừa qua, tại TPHCM, IFC – thành viên của Ngân hàng Thế giới đã ký kết thỏa thuận tư vấn với Công ty cổ phần Bel Gà. Thông qua việc thực hiện dự án an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Dự án này tập trung cải thiện các vấn đề về an toàn thực phẩm ở Việt Nam từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng trong toàn bộ quy trình sản xuất chế biến thực phẩm. Công ty Bel Gà là doanh nghiệp đầu tiên tham gia dự án này. IFC sẽ giúp 3 trang trại gia cầm độc lập, trong chuỗi khách hàng của Bel Gà thực hiện chứng nhận Global Gap, tại 54 nhà nuôi gà của 3 trang trại này. Trong số đó, Công ty cổ phần Hùng Nhơn (Bình Phước) đã chính thức trở thành đối tác chủ chốt của Bel Gà trong dự án này… Ông Vũ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Nhơn – nói: “ Việc Bel Gà được sự hỗ trợ của IFC sẽ góp phần mang lại cho lĩnh vực chăn nuôi ở VN một dự án hết sức nhân văn. Nó giúp tạo ra một thị trường sản xuất, chế biến và xuất khẩu thịt sạch. Nó không chỉ đưa thịt gà VN ra thị trường thế giới, mà còn giúp duy trì giống nòi VN”.

Trong lúc đó, theo ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: “VN là một thị trường mở. Vì vậy, ngay cả tiêu thụ thịt trong nước, sản phẩm cũng phải đạt tiêu chuẩn như xuất khẩu. Đó là sản phẩm phải đáp ứng các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có tính cạnh tranh.v.v… Việc các doanh nghiệp xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang thị trường Nhật sẽ là phát súng đầu tiên rất có ý nghĩa đối với VN – là xuất khẩu thịt gà ra nước ngoài. Sắp tới, không chỉ có gà, mà cả thịt heo, các loại nông sản khác cũng phải nỗ lực đạt tiêu chuẩn và tìm đường xuất ngoại. Điều đó sẽ giúp rất nhiều cho các trang trại, người nông dân tiêu thụ được nông sản, thoát khỏi tình trạng hết “giải cứu” này đến “giải cứu” khác, mà thiếu tính bền vững, căn cơ”. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho rằng: “Việc Công ty cổ phần Hùng Nhơn (Bình Phước) vừa ký kết thỏa thuận với Công ty cổ phần Bel Gà (100% vốn Hà Lan) vào ngày 1.7 vừa qua, là một “cơ hội vàng” cho cả tỉnh Bình Phước. Cơ hội vàng này sẽ giúp biến tỉnh Bình Phước trở thành trung tâm chăn nuôi áp dụng công nghệ cao của cả khu vực miền Đông Nam bộ”. Công ty Hùng Nhơn đang hợp tác với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) - chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi, Công ty cổ phần Bel Gà - chuyên cung cấp gà giống tại thị trường Việt Nam và Công ty TNHH San Hà - chuyên cung cấp gà thịt thương phẩm cho các siêu thị trong nước thành một chuỗi liên kết hợp tác hiệu quả và bền vững. Công ty Hùng Nhơn hiện có 28 trại nuôi gà lạnh, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến nhất của Tập đoàn Big Dutchman (Cộng hòa liên bang Đức). Các công đoạn đều được tự động hóa với tổng đàn 600 ngàn con/lứa, hằng năm cung cấp cho thị trường 3 triệu con. Trại gà đẻ được xây dựng trên khu đất 7 ha, trong đó có 8 trại nuôi gà đẻ áp dụng công nghệ nuôi lạnh tiên tiến nhất, từ khâu lấy trứng, sát trùng và đóng hộp đều thực hiện bằng dây chuyền tự động. Sản lượng đạt 320 ngàn trứng/ngày, tương đương 130 triệu trứng/năm.

Rõ ràng, việc lựa chọn và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát triển có định hướng cây điều và chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, đã giúp tỉnh Bình Phước trở thành điểm sáng của cả nước trong nửa năm 2017, về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Theo bà Huỳnh Thị Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: “Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Phước đã và đang nỗ lực vượt bậc để đưa cây điều trở thành một loại cây mang tính đặc trưng cho tỉnh nhà. Trước tình hình cây điều bị cạnh tranh bởi nhiều loại cây khác, chúng tôi đang cố gắng có những chính sách đặc thù ưu đãi, hướng dẫn người nông dân phát triển cây điều một cách bền vững”.

Hoàng Hưng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/binh-phuoc-truoc-co-hoi-vang-phat-trien-nong-nghiep-sach-547336.ldo