Bình Thuận cấm dùng nước ngầm khai thác titan: Lo Cà Ná?

Cũng như dự án thép Cà Ná, vấn đề đảm bảo nước ngầm đang là vấn đề khiến Bình Thuận lo lắng với dự án khai thác quặng titan tại địa phương.

Chiều 4/1, nhiều tờ báo dẫn nguồn thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh này vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) tạm thời chưa cấp phép khai thác quặng titan tại khu vực Mũi Đá 2, xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết.

Theothường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, địa phương này nằm trong vùng khô hạn, nên dự án khai thác titan muốn được chấp thuận phải đáp ứng điều kiện là không được sử dụng nước ngầm, nước suối, ao, bàu, hồ phục vụ khai thác titan.

Tỉnh Bình Thuận muốn để dành nguồn nước này tập trung cho nhân dân phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và ngăn ngừa nhiễm mặn.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa đề nghị Bộ TN-MT tạm thời chưa cấp phép khai thác quặng titan tại địa phương vì vấn đề nước ngầm. Ảnh: TTO

Vì vậy, các chủ đầu tư muốn khai thác sơ tuyển quặng sa khoáng titan phải hợp đồng với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận để được cung cấp nước.

Trước đó, tháng 8/2016, Công ty Cát Tường có bản giải trình với Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận trong đó xin sử dụng nước ngầm và nước mưa phục vụ cho khai thác quặng sa khoáng titan-zircon.

Tổng cục Địa chất và khoáng sản VN cũng gửi công văn cho tỉnh Bình Thuận lấy ý kiến thỏa thuận đối với khu vực đề nghị cấp phép khai thác quặng sa khoáng titan-zircon tại khu vực này.

Không lâu sau đó, vào tháng 10/2016, ông Nguyễn Ngọc Hai, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng ký văn bản gửi Bộ TN-MT nêu rõ không cho dự án titan của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Cát Tường sử dụng nước ngầm để khai thác titan.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án trên cần phải được làm việc lại kỹ càng giữa các bên để xem xét tính khả thi trước khi quyết định có cấp phép hay không.

Chung nỗi lo với dự án thép Cà Ná

Ninh Thuận, một tỉnh giáp danh với Bình Thuận hiện nay cũng đang gặp phải nhiều vấn đề về nguồn nước khi có chủ trương thực hiện dự án thép Cà Ná với vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD.

Dù theo thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, UBND tỉnh cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 -300.000 m3 nước/ngày đêm cho doanh nghiệp này đảm bảo sản xuất từ 6 -12 triệu tấn thép.

Tuy nhiên một số chuyên gia bày tỏ nỗi lo ngại về nguồn nước của Ninh Thuận khi đây là tỉnh thường xuyên chịu hạn hán khốc liệt trong thời gian qua.

GS.TS Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên cao cấp ĐH Quốc gia Hà Nội, cảnh báo, bài học nhãn tiền Formosa vẫn còn đó và đến nay hậu quả của nó vẫn chưa thể giải quyết hết, vì thế Ninh Thuận phải hết sức cân nhắc.

Nhiều chuyên gia bày tỏ nỗi lo ngại về nguồn nước của Ninh Thuận nếu triển khai dự án thép Cà Ná

GS Tiến lo ngại, nước ở Ninh Thuận luôn thiếu, không biết tỉnh sẽ lấy nước ở đâu để cung cấp cho dự án thép có công suất lớn như Hoa Sen-Cà Ná (16 triệu tấn/năm). Chưa kể, người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào nghề đi biển, làm cá hấp và muối, nếu chất thải của nhà máy thép tràn ra biển và cánh đồng muối, cuộc sống của người dân cũng như môi trường sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Đồng quan điểm, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng nhấn mạnh đến vấn đề môi trường, điều kiện nước mặt, điện khi phát triển dự án thép Cà Ná.

“Vùng Ninh Thuận rất khô hạn. Phát triển dự án này thì điện có tự làm được hết không hay lại lấy mạng điện của quốc gia? Những chuyện đó phải luận chứng rõ ràng trong dự án.

Nhiều người cho rằng dự án thép Cà Ná do tư nhân làm nhưng nếu triển khai nhà nước cũng phải giúp rất nhiều chuyện. Nào là hạ tầng, di dời giải phóng mặt bằng, hạ tầng chung bên ngoài, cấp điện, cấp nước...

Họ dùng vốn huy động ở bên ngoài, thì sau này hoạt động không hiệu quả liệu có phá sản được không? Những thông tin đó rất đáng ngại”, TS Hồ nêu vấn đề.

Hoàng Nam (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/binh-thuan-cam-dung-nuoc-ngam-khai-thac-titan-lo-ca-na-3326554/