Bình Thuận trả lời đề nghị nhận chìm 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển

Đầu tháng 11/2016, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin cấp phép nhận chìm 1,5 triệu m3 vật liệu sau nạo vét xuống biển.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Liên quan đến việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin cấp phép nhận chìm 1,5 triệu m3 vật liệu sau nạo vét xuống biển (gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau), tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Quan điểm của tỉnh Bình Thuận là không đánh đổi môi trường vì phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, khu bảo tồn biển.

Trước đó vào đầu tháng 11/2016, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin cấp phép nhận chìm 1,5 triệu m3 vật liệu sau nạo vét xuống biển. Theo báo cáo của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, khối lượng nạo vét này gồm cát, đá, sạn sỏi, vỏ sò… Theo ước tính, nếu nhận chìm xuống biển, diện tích mặt biển chứa lượng chất thải này khoảng 30 ha. Vị trí xin xả thải cách đất liền khoảng 3 hải lý và khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam).

Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, việc nhận chìm vật liệu sau nạo vét xuống khu vực biển có diện tích 30 ha tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường biển rất lớn, nhất là Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây là nơi có hệ sinh thái biển phong phú, điển hình của vùng biển nhiệt đới với nhiều loại san hô và thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, quá trình thực hiện nạo vét và đổ thải có thể xảy ra các sự cố như: Bùn thải xả trực tiếp xuống biển; sà lan va đập gây chìm; sự cố cháy nổ, tràn dầu...

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết: Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh là kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đánh giá lại tác động, ảnh hưởng tổng thể của việc nạo vét và đổ khối lượng nạo vét của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, trong đó có Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và mời các nhà khoa học, chuyên gia phản biện trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét việc cấp phép nhận chìm vật liệu sau nạo vét cho chủ dự án Bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Trên cơ sở đó, xác định chính xác thành phần, khối lượng vật liệu nạo vét, xác định rõ diện tích và vị trí bãi đổ vật liệu nạo vét; đánh giá cụ thể quy mô, phạm vi, mức độ tác động đến môi trường, hệ sinh thái, hoạt động kinh tế xã hội, đến đời sống, sản xuất của nhân dân trong khu vực. Từ đó, đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, hệ sinh thái Khu bảo tồn biển Hòn Cau, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động sản xuất kinh tế của địa phương.

Nếu gây tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái biển, đặc biệt là Khu bảo tồn biển Hòn Cau, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội khu vực và đời sống, sản xuất của nhân dân, tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án khác cho phù hợp, bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa của khu vực này.

Đối với việc đề nghị điều chỉnh giảm 1.060 ha (trong tổng diện tích 12.500 ha) diện tích mặt biển thuộc Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng: Việc hình thành Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Việc xin giảm diện tích 1.060 ha Khu bảo tồn biển Hòn Cau để làm luồng hàng hải cho tàu vào bến cảng Vĩnh Tân phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản không đồng ý việc giảm 1.060 ha diện tích trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau vì không phù hợp và có nguy ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu bảo tồn.

Hiện nay, tỉnh đang yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét tham mưu UBND tỉnh tìm phương án khác, hoặc thay đổi luồng hàng hải theo hướng khác để tàu vào Cảng Vĩnh Tân không ảnh hưởng đến Hòn Cau.

Ông Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh: Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân được hình thành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh Bình Thuận là không đánh đổi môi trường vì phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, khu bảo tồn biển. Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/binh-thuan-tra-loi-de-nghi-nhan-chim-15-trieu-m3-chat-thai-xuong-bien-20161207100037954.htm