Bitcoin - tiền ảo, nguy cơ thật

(HNM) - Mấy bữa nay, chủ đề Bitcoin, được hiểu là "tiền ảo", đang gây xôn xao dư luận. Một nhóm nhỏ đang mải miết "đào" Bitcoin trên mạng bỗng dưng được quan tâm bàn luận. Những người có trình độ công nghệ thông tin chưa ở mức i tờ cũng tò mò tìm hiểu. Còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng dựng ngay một barie với Bitcoin khi khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Từ ham "đào" tiền ảo

Việc quán cà phê Yolo trên đường Cao Bá Quát (Hà Nội) trưng các tấm biển bằng tiếng Anh "Bitcoin accepted here" (tạm hiểu là Bitcoin được chấp nhận ở đây) đã gây chú ý trong dư luận. Anh Lê Quang Hưng, người quản lý quán, sinh năm 1984, khá cởi mở khi nói về "tiền ảo" Bitcoin. "Xuất phát từ niềm đam mê và nhu cầu của một số khách người nước ngoài, từ giữa tháng 2-2014, Yolo Coffee đã chấp nhận hình thức thanh toán bằng Bitcoin", anh Hưng nói. Hiện Yolo Coffee vẫn chấp nhận Bitcoin nhưng không coi đây là hình thức giao dịch tiền mà chỉ là cách thức đổi hàng lấy hàng. Nói về cách thức giao dịch mới này, anh Hưng lý giải như đổi một cốc cà phê lấy một lượng Bitcoin nhất định chứ không quy đổi ra tiền mặt. Đến thời điểm hiện tại, có lẽ Yolo Coffee là nơi duy nhất ở Hà Nội "chấp nhận Bitcoin". Mục đích chính là để tạo một sân chơi cho những người quan tâm đến Bitcoin giao lưu, tìm hiểu và cũng để thu hút khách bằng cách thanh toán mới.

Quán Yolo Coffee gắn biển “chấp nhận Bitcoin”.

Dù đã trưng biển được gần một tháng nhưng đến nay Yolo Coffee vẫn chưa nhận được một giao dịch bằng Bitcoin nào từ phía khách hàng. "Tỷ giá lên xuống thất thường, nên nhiều người chưa muốn sử dụng mà chỉ dừng ở việc sưu tập, gom tiền để chơi như một thú vui sưu tập", anh Hưng cho biết.

Chưa thỏa mãn trong cuộc nói chuyện với anh Hưng chúng tôi đã tìm gặp và trao đổi với một nhóm bạn trẻ am hiểu về công nghệ thông tin và các hình thức thanh toán qua mạng để tìm hiểu kỹ hơn về thứ được gọi là "tiền ảo" này. Thực ra, ở Việt Nam, Bitcoin chỉ thu hút được sự quan tâm của một nhóm bạn trẻ, nhất là những người yêu công nghệ, đam mê khám phá những thứ mới lạ. Đến ngày hôm nay, người ta chỉ biết rằng Bitcoin là một đồng tiền trên mạng chạy trên một phần mềm được một người có cái tên rất Nhật Bản, Satoshi Nakamoto, tạo ra bằng một thuật toán viết bằng mã nguồn mở. Chưa ai biết người này là ai. Hay nói một cách khác, người tạo ra phần mềm cũng là người ẩn danh. Tổng số Bitcoin có thể có được từ phần mềm này chỉ là 21 triệu Bitcoin. Nghĩa là dù người "đào" ở đâu trên thế giới và đào trong bao lâu với thiết bị tối tân đến mấy cũng chỉ "đào" được đến ngưỡng đó.

Để dễ hình dung, các bạn trẻ cung cấp cho chúng tôi một phép so sánh giản đơn là cứ coi Bitcoin như một mỏ vàng, kim cương, đá quý hay dầu mỏ có trữ lượng nhất định. Phần mềm này cho chúng ta liên tưởng đến cách thiên nhiên tạo ra các nguồn quặng giá trị không được tái tạo nêu trên. Dù có bao nhiêu người "đào" hay "đào" bằng dụng cụ gì thì cũng sẽ đến lúc chạm tới ngưỡng không còn tài nguyên để khai thác. Những người đến trước, "đào" trước sẽ dễ dàng hơn những người đến sau "đào" sau. Và càng "đào" lâu, càng nhiều người "đào" thì càng khó. Khi càng "đào" càng khó thì việc mua bán lại trên mạng sẽ đắt hơn.

Để có thể tham gia "đào" Bitcoin, cần có kiến thức về công nghệ thông tin, một chiếc máy tính được kết nối mạng, phần mềm thì có thể được download dễ dàng từ trang chủ của Bitcoin. Sau đó, người "đào" sẽ được cấp cho một cái "ví ảo" được mã hóa bằng một dãy số từ 27 đến 34 ký tự, thường được bắt đầu bằng các số 1 hoặc 3. Để dễ hình dung, chúng ta có thể coi chiếc "ví ảo" này giống như một địa chỉ email và mỗi người có thể có nhiều địa chỉ email cũng như có thể có nhiều "ví ảo". Nhưng các "chuyên gia" cho rằng, mỗi người chỉ nên có một "ví ảo" để giao dịch thay vì nhiều cái vì Bitcoin sẽ chỉ có giá trị khi được nhiều người giao dịch xác thực.

Đến những tổn thất thực

Chính vì những cái khó khi "đào" và những ràng buộc khi giao dịch trên mạng nên Bitcoin chỉ được một nhóm nhỏ ở Việt Nam cũng như trên thế giới sử dụng, giao dịch. Anh Hưng, người quản lý quán Yolo Coffee cũng nhận thấy những rủi ro từ việc "đào" Bitcoin của một số người đam mê "tiền ảo" hiện nay. Đầu tư một máy tính "đào" Bitcoin khá đắt tiền, từ 50 đến 60 triệu đồng, chưa kể đến đầu tư cơ sở hạ tầng, lượng điện tiêu hao, dung lượng mạng... Một "chuyên gia" khẳng định, chưa kể đến chi phí cho những phần cứng như máy tính, chỉ tính riêng chi phí cho tiền điện đã luôn cao hơn giá trị mà người đó thu được sau khi "đào" Bitcoin. Nghĩa là để "đào" được một lượng tiền ảo nhất định, người "đào" phải mất một lượng tiền thật lớn hơn. Ấy là chưa kể đến việc tiền ảo dễ gặp phải những nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch khi mạng sập. Thực tế, nguy cơ này đã thành hiện thực.

Đầu năm 2014, giá Bitcoin đã sụt giảm mạnh sau khi 2 sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật. Ngày 25-2-2014, sàn Mt.Gox đã bất ngờ đóng cửa khiến hàng triệu USD của thành viên mạng lưới Bitcoin đứng trước nguy cơ mất trắng. Nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ 4 nhân vật bị tình nghi sử dụng Bitcoin cho các giao dịch tội phạm. Một bạn trẻ đang sống và làm việc tại Singapore khẳng định tại quốc đảo đang là một trung tâm tài chính của thế giới này chưa thấy bóng dáng Bitcoin. Tại Việt Nam, những thông tin về Bitcoin mới chỉ được biết đến trong thời gian gần đây. Lượng người "đào" và những giao dịch có thể đã thành công đều quá nhỏ để có thể ảnh hưởng đến xã hội và an ninh tiền tệ.

Tuy nhiên, những đổ vỡ ban đầu ở một số nước trên thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro của Bitcoin. Các chuyên gia về tài chính ngân hàng cảnh báo là "tiền ảo" Bitcoin có thể trở thành phương tiện cho hành vi rửa tiền. Đây mới là nguy cơ tiềm tàng đáng lo nhất. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khuyến cáo các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên "tiền ảo" này có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.

Ngăn chặn nguy cơ tiềm tàng

Trao đổi về vấn đề này, ông Tuấn Anh, Trưởng phòng tín dụng chi nhánh của một ngân hàng lớn trên địa bàn Hà Nội cho rằng, "tiền ảo" Bitcoin cũng giống một dạng game, được một bộ phận cộng đồng mạng chấp nhận sử dụng như một hình thức thanh toán. Cũng tương tự như việc phát hành thẻ thanh toán Visa hay Master card..., nhưng khác căn bản ở tính pháp lý của "tiền ảo" Bitcoin hoàn toàn không được bảo đảm. Còn theo Luật sư Hồng Thái - Công ty Luật Đào và Đồng nghiệp - Đoàn Luật sư Hà Nội, "tiền ảo" là một dạng tiền danh nghĩa được phát hành ngang, chưa được một nhà nước nào bảo đảm giá trị thanh toán. Hệ thống "tiền ảo" được chia làm 3 loại. Loại thứ nhất là hệ thống "tiền ảo" dùng trong các game online. Loại thứ hai là hệ thống "tiền ảo" có lưu lượng theo duy nhất một hướng, được hiểu là hệ thống "tiền ảo" có thể mua được những sản phẩm ảo, dịch vụ ảo mà không dùng để mua những sản phẩm thật hoặc dịch vụ thật. Loại thứ ba là hệ thống "tiền ảo" có hai hướng, nghĩa là hệ thống tiền ảo có thể mua được những sản phẩm, dịch vụ thật và ảo.

Luật sư Hồng Thái cũng thừa nhận sự phát triển của "tiền ảo" là điều không thể phủ nhận trong thời gian qua. Đồng "tiền ảo" Bitcoin ra đời năm 2009 và chỉ trong thời gian ngắn, độ phủ sóng của nó thực sự khiến chính phủ các nước phải để tâm. Đặc biệt với Bitcoin, người dùng online đánh giá nó như "vàng của tiền ảo". Liberty Reserve, một thứ "tiền ảo" thuộc loại thứ ba, đã gây rúng động thế giới trong thời gian qua với tội danh rửa tiền lớn nhất của Mỹ từ trước đến nay. Liberty Reserve chắc chắn không phải là một đồng "tiền ảo" duy nhất hiện nay vì còn có các đồng "tiền ảo" khác như tiền Paypal, Bitcoin...

Các chuyên gia về tài chính khi bình luận về "tiền ảo" Bitcoin khá thận trọng và khẳng định đây là loại "tiền ảo" không chính thống và thiếu minh bạch. Những người dân "chơi" Bitcoin hay bất kỳ loại "tiền ảo" nào đều có nguy cơ trắng tay. Theo Ngân hàng Nhà nước, Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính nào, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng. Bitcoin không do một hiệp hội có uy tín phát hành, không được bất cứ tổ chức, cơ quan nào đứng ra quản lý nên trong trường hợp rủi ro xảy ra, không có bất kỳ ai chịu trách nhiệm. Bitcoin chỉ tồn tại như một thỏa thuận dân sự, một hình thức thanh toán trên cơ sở quy ước và đồng thuận giữa các bên. Do tính chất pháp lý yếu của đồng "tiền ảo" này, Bitcoin rất khó được sử dụng rộng rãi như tiền giấy.

Trước những luồng thông tin về "tiền ảo" Bitcoin, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại "tiền ảo" tương tự khác bởi nguy cơ về bong bóng dễ gây thiệt hại cho nhà đầu tư dẫn đến chuyện lừa đảo.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/665637/bitcoin---tien-ao-nguy-co-that