Bloomberg: Nếu Mỹ là một công ty, bạn có giữ vị CEO này không?

Trước khi lên làm tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng là một doanh nhân. Nhưng nếu coi Mỹ là một công ty, câu hỏi đặt ra là: Có nên giữ CEO này không?

Tại Washington, người ta đang cố để hiểu những lộn xộn gần đây trên chính trường: giám đốc FBI James Comey bất ngờ bị sa thải và tuyên bố rằng ông Trump từng yêu cầu dừng cuộc điều tra nhằm vào cựu cố vấn an ninh Michael Flynn. Báo chí còn lôi cả sự kiện Watergate nổi tiếng trong lịch sử ra để so sánh.

Nếu tính đến nền tảng của ông Trump, góc nhìn thích hợp nhất cho khủng hoảng này có lẽ là thông qua ống kính kinh doanh: Vấn đề ngay trước mắt là có phải ông chủ này có đang cố ngăn chặn những phát hiện đáng xấu hổ về công ty của mình. Nhưng vấn đề cốt lõi là: Liệu ông có biết cách vận hành nó hay không?

Ông Trump mệt mỏi vì những vụ bê bối gần đây

Tất nhiên, điều hành một đất nước không giống như điều hành một công ty. Tổng thống vừa bị hạn chế nhiều hơn (bởi quốc hội, báo chí và cử tri) nhưng cũng ít hơn (các giám đốc điều hành, theo nguyên tắc, không thể đánh bom công ty đối thủ).

Ông Trump không phải là vị tổng thống đầu tiên có kinh nghiệm kinh doanh vì cựu tổng thống George W. Bush cũng có bằng MBA. Tuy nhiên, ông Bush còn điều hành “công ty con” Texas trước khi thăng chức lên điều hành “tổng công ty”. Còn vị tổng thống thứ 45 hoàn toàn là kẻ ngoại đạo trong chính trị.

Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, ông Trump luôn trích dẫn kinh nghiệm kinh doanh của mình, so sánh sự quyết đoán, kỹ năng quản lý và sự thông minh của ông như một nhà thương thuyết với sự nghiệp dư của cựu tổng thống Barack Obama và cựu ngoại trưởng Mỹ cũng là đối thủ Hillary Clinton (đấy là chưa kể đến một vài thế hệ đại diện thương mại của nước này).

Nhiều người ủng hộ đầu tiên chỉ biết đến ông như là ông chủ của chương trình The Apprentice (Người tập sự) với câu nói cửa miệng "Bạn bị sa thải". Khi vừa nhậm chức, ông vội thu nạp những tên tuổi từ giới kinh doanh, kéo ông Rex Tillerson từ công ty Exxon Mobil về lãnh đạo bộ Ngoại giao và một loạt nhân vật phố Wall khác. Và thị trường chứng khoán bùng nổ!

Quảng cáo chương trình The Apprentice với câu nói cửa miệng của ông Trump: "You're fired" (Bạn bị sa thải)

Thông điệp của ông Trump về kinh doanh rất đơn giản: Cần một giám đốc điều hành phụ trách chi nhánh. "Về lý thuyết, tôi có thể điều hành việc kinh doanh của mình một cách hoàn hảo nên sẽ điều hành đất nước một cách hoàn hảo", ông tự hào nói với tờ New York Times ngay sau khi đắc cử. "Chưa bao giờ có một trường hợp như thế này đâu", ông khẳng định.

Vì vậy, trong tất cả các cách, đánh giá ông Trump như một giám đốc điều hành dường như là công bằng nhất với vị cựu doanh nhân. Hãy quên đi những vấn đề vĩ mô như ý thức hệ, chương trình nghị sự chính trị, thậm chí cả việc bạn có ủng hộ ông trong cuộc tranh cử năm ngoái không; chỉ cần phán xét việc liệu ông có phải là một nhà điều hành có năng lực hay không. Bạn có muốn để ông phụ trách? Hay bạn sẽ yêu cầu một cuộc họp hội đồng quản trị khẩn cấp?

Đi ngược lại mọi quy tắc điều hành cơ bản nhất

Tuần trước, ông Trump được cho là đã tiết lộ thông tin mật cho quan chức Nga. Thử tưởng tượng một lãnh đạo công ty mời đối thủ cạnh tranh vào phòng họp (kín) và sau đó tiết lộ thông tin nhạy cảm thì sẽ thế nào? Thêm nữa, việc bổ nhiệm người thân thiếu kinh nghiệm vào các vị trí quan trọng thường không được coi là quản trị doanh nghiệp tốt. Vậy mà ông Trump lần lượt cho con gái rồi con rể vào giữ các vị trí quan trọng trong Nhà Trắng. Mới đây ái nữ Ivanka Trump còn thay cha điều hành một cuộc họp bàn tròn với các nghị sĩ tại Nhà Trắng khi ông không có mặt.

Rồi một loạt vấn đề nhân sự, chắc chẳng có vị CEO nào dám ngang nhiên sa thải người này dù không có lý do, hay giữ lại người kia dù biết rõ sai phạm mà không sợ bị hội đồng quản trị “sờ gáy”. Và hãy nghĩ kỹ xem, có CEO dám nào công khai tuyên chiến với truyền thông, liên tục gọi báo chí là “tin giả”, “dựng chuyện” mà được yên ổn không. Bài học của CEO United Airlines Oscar Munoz có lẽ còn chưa nguội.

Với ông Trump, báo chí dòng chính cũng chỉ là "tin giả"

Ông Trump từng làm tất cả những điều trên. Bất ngờ sa thải giám đốc FBI James Comey chỉ với một lá thư công bố trên truyền hình (không cảnh báo mà cũng không báo cáo hồ sơ phân tích sai phạm), bổ nhiệm cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn dù biết ông này đang bị điều tra. Và cuộc chiến giữa vị tổng thống và truyền thông có lẽ không còn là điều gì mới mẻ. Thậm chí trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo chính trị kỳ cựu John Dickerson, người rất được kính trọng trong nghề, nổi tiếng với phong cách “làm khó” chính trị gia, ông Trump còn nói thẳng:

“Thật là buồn cười khi giới truyền thông giả mạo mà chúng ta cứ gọi là truyền thông chính thống”.

Điều đáng nói là ông Trump không hề đưa ra bất kỳ một dẫn chứng gì! Vị tổng thống có vẻ đang áp dụng triệt để câu “mình thích thì mình nói thôi”.

Và cuối cùng, một điều tưởng hiển nhiên nhưng đến ông Trump thì người ta cũng khó mà hiểu được: Sự thật. Chính trị gia và doanh nhân đều được biết đến là hay nói quá về thành tựu của mình, nhưng cũng chỉ “làm màu” với những điều mà chưa ai biết. Ông Trump thì khác, ông ngang nhiên khẳng định số người đến dự lễ nhậm chức của mình nhiều hơn số đến lễ nhậm chức của người tiền nhiệm là ông Barack Obama. Điều khó hiểu ở đây là gì? Ảnh của cả 2 sự kiện tràn ngập mặt báo, và ai cũng dễ dàng nhận ra lần nào đông hơn.

Bức ảnh so sánh đám đông đến dự lễ nhậm chức của ông Obama năm 2008 (trái) và lễ nhậm chức của ông Trump năm 2017 (phải)

Vậy khi một vị lãnh đạo bị lộ là nói sai thì sao? Khi nhà báo Dickerson phỏng vấn ông trong phòng Bầu Dục và hỏi liệu ông có còn giữ ý kiến là ông Obama nghe lén mình hay không (thời điểm đã có kết luận điều tra đây chỉ là tin đồn vô căn cứ), ông Trump nói “Ông thích hiểu kiểu gì cũng được”. Sau khi ông Dickerson cố hỏi thêm thì thay vì giải thích hoặc thừa nhận mình sai, vị tổng thống chọn cách lẳng lặng trở về bàn ngồi, để đối phương ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra.

Trong 22 năm làm báo, có lẽ ông Dickerson chưa từng gặp trường hợp nào khó hiểu như khi ông Trump quay ngoắt bỏ đi giữa cuộc phỏng vấn như thế này (30/4)

Kết luận

Sau khi mổ xẻ phân tích, có vẻ Nhà Trắng giống như một hoàng gia hơn là một công ty. Còn tổng thống cũng không giống một CEO mà là một vị vua “một mình một bầu trời”, lâu lâu lên Twitter chỉ trích bất cứ ai làm ông không vui.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/bloomberg-neu-my-la-mot-cong-ty-ban-co-giu-vi-ceo-nay-khong--20170519041945129p145c151.news