Bỏ áp trần giá sữa: Người tiêu dùng chịu thiệt

Người tiêu dùng đang đối mặt với nỗi lo tăng giá sữa trước quyết định bỏ áp trần giá sữa trong thời gian tới của Bộ Công thương.

Việc bỏ trần giá sữa sẽ khiến người tiêu dùng đối mặt với giá sữa tăng cao. (Ảnh: Ánh Hoa)

Bỏ trần giá sữa

Trong kiến nghị mới nhất của Sách Trắng 2017, Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG), đại diện cho 5 công ty sữa đa quốc gia có mặt tại Việt Nam, đã kiến nghị cơ quan quản lý gỡ bỏ chính sách áp giá trần lên mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trên thực tế, việc bỏ áp trần giá sữa đã nhiều lần được các doanh nghiệp sữa ngoại tại Việt Nam đề cập đến kể từ khi Bộ Tài chính tiến hành áp trần giá sữa với sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi vào tháng 6/2014. Khi đó, mức giá bán buôn của nhiều sản phẩm sữa bột bị khống chế giá trần thấp hơn 10-15% so với giá bán buôn lúc bấy giờ, giá bán lẻ được quy định không cao hơn 15% so với giá bán buôn.

Việc áp giá trần sữa cho trẻ em cộng thêm quy định về việc cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 2 tuổi từ đầu năm 2014 đã khiến một số hãng sữa ngoại tại Việt Nam quyết định chia tay thị trường Việt Nam.

Theo NFG, từ khi biện pháp giá trần được áp dụng, nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp sữa đã tăng như tỷ giá, chi phí điện, nhân công… Những thay đổi trên đã tác động đến hoạt động của các nhà sản xuất và phân phối sữa. Trong bối cảnh này, một trong những công ty sữa lớn nhất thế giới như Danone, nhà sản xuất sữa Dumex, đã phải quyết định rời khỏi thị trường Việt Nam vào năm 2016.

NFG cho rằng, biện pháp áp giá trần với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ Việt Nam, đồng thời sẽ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của doanh nghiệp cũng như thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn.

Giá sữa tại Việt Nam còn cao hơn cả Anh (Ảnh: Báo Daily Mail)

Ai hưởng lợi?

Bà Lê Thị Nụ, chuyên viên phân tích ngành hàng tiêu dùng CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp nước ngoài đang trở nên hào hứng hơn trước quyết định bỏ áp trần giá sữa của Bộ Công thương. Bởi như vậy, các doanh nghiệp ngoại sẽ có điều kiện được hưởng mức lợi nhuận tốt hơn trong việc tự quyết định giá. Chắc chắn giá sữa sẽ tăng lên. Vì vậy, người tiêu dùng khó được hưởng lợi đối với việc bỏ trần giá sữa này.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, hiện có hơn 70% sữa bột tại Việt Nam được nhập khẩu. Do đó, việc các doanh nghiệp sữa ngoại tại Việt Nam “la làng” trước quyết định áp trần giá sữa của Bộ Tài chính trước đây đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp là hoàn toàn có lý do. Nếu so với thị trường ở các nước trong khu vực, việc phát triển của các hãng sữa ngoại vẫn được cho là “dễ thở” hơn tại Việt Nam.

Với thông tin bỏ trần giá sữa, các doanh nghiệp sữa ngoại như gỡ được lớp màng chắn hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại đang đối mặt với tình trạng giá sữa tăng. Hiện tại, giá sữa Việt Nam vẫn đang áp trần nhưng so với các nước trên thế giới vẫn cao hơn khá nhiều.

Trong báo cáo vào tháng 5/2016 của Công ty International Currency Exchange (ICE) tại Anh về tình hình vật giá ở 15 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cho thấy bằng cách sử dụng 10 bảng Anh, tương ứng hơn 316.000 đồng, công ty này đã dùng để mua một vài món đồ khác nhau. Điều bất ngờ rằng, giá sữa của Việt Nam lại cao hơn cả Anh dù Việt Nam là một trong những thị trường giá rẻ.

Trao đổi với PV, anh Trương Nho Thanh, chủ cửa hàng sữa tại Hà Nội, cho biết với việc bỏ áp trần giá sữa đồng nghĩa các doanh nghiệp sản xuất hay phân phối sữa bột tại Việt Nam sẽ được tự quyết định và chịu trách nhiệm với việc định giá cho sản phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp sữa ngoại có khả năng sẽ đồng loạt tăng giá để gia tăng lợi nhuận. Như vậy, người tiêu dùng, đặc biệt là người có mức thu nhập trung bình sẽ khó tiếp cận được các sản phẩm sữa tốt. “Theo tôi, việc áp trần giá sữa sẽ tốt hơn cho người tiêu dùng, cũng như việc quản lý giá sữa sẽ hiệu quả hơn, tránh xảy ra tình trạng tăng giá sản phẩm” - anh Thanh nhấn mạnh.

Với chính sách bình ổn, giá sữa cho trẻ em đã giảm gần 34% trong năm qua, giúp cho người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm sữa có chất lượng, giá thành phù hợp. Khảo sát ý kiến giữa 2 phân khúc người tiêu dùng, PV nhận thấy rằng, hiện tại người tiêu dùng ở mức thu nhập thấp như công nhân với mức lương 4-4,5 triệu đồng/tháng thì sản phẩm sữa cho trẻ em sẽ là Nutifood, Vinamilk với giá bán từ 170.000-400.000 đồng/hộp 900 g. Ngược lại, với người tiêu dùng có mức thu nhập từ trung bình khá đến khá sẽ lựa chọn các sản phẩm sữa ngoại nhiều hơn như của Nhật, Mỹ, Hà Lan…

Dù Bộ Công thương đã khẳng định sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện mức giá bán mà doanh nghiệp đã đăng ký, nhưng với quyết định bỏ áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ tạo ra một sự thay đổi khá lớn đối với giá các mặt hàng sữa bột cả nội lẫn ngoại.

Ánh Hoa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/bo-ap-tran-gia-sua-nguoi-tieu-dung-chiu-thiet-d55854.html