Bỏ bê di sản ca trù

Phải báo cáo về ca trù sau 4 năm nhận danh hiệu di sản thế giới, Sở VH-TT-DL Hà Nội mới phát hiện ra không nơi nào nhận quản lý, theo dõi việc này.

Tự bơi là chính

“Hôm trước, Cục Di sản đôn đốc tiến độ gửi báo cáo về ca trù, theo cam kết với UNESCO từ 2009, phòng mình được phân công thực hiện báo cáo. Làm văn bản gửi các nơi đề nghị cung cấp số liệu mới tá hỏa lên khi không nơi nào nhận quản lý, theo dõi việc này. Ai đó giúp chúng tôi với”, một cán bộ theo dõi di sản của Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết.

Các nhà nghiên cứu lo lắng ca trù sẽ rơi vào cảnh cha chung không ai khóc - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, ông Tô Văn Động, việc thống kê hiện vẫn đang được các đơn vị cơ sở tiếp tục thực hiện. Một con số cụ thể rồi sẽ có vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, mức độ chính xác của con số đó tới đâu, hay một “tương lai tươi sáng” cho ca trù thì chắc khó ai dám tin. Bởi, khi người quản lý theo dõi không có, điều đó có nghĩa ca trù ở Hà Nội vẫn tự bơi là chính, kể từ khi nó trở thành di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2009. Giờ đây, sau 4 năm, cũng sắp tới lúc Việt Nam phải báo cáo lại với UNESCO tình hình “cứu” di sản này.

“Một trong những nguyên tắc của hồ sơ di sản khi trình UNESCO là phải có chương trình hành động”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho biết. “Nếu nhà nước không duyệt chương trình thì không ai cho giữ danh hiệu. Chương trình hành động về ca trù cụ thể lắm. Tổ chức thế nào, truyền dạy ra sao, cụ thể lắm. Nhưng đó chỉ là chương trình hành động, mà không hành động”, ông bức xúc.

Hà Nội bỏ trống ca trù từ lâu rồi. Hà Nội bỏ bẵng như thế mà đáng lẽ nó phải là trung tâm lớn nhất

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan

PGS-TS Lê Văn Toàn, Giám đốc Viện Âm nhạc - nơi đã chuẩn bị hồ sơ di sản cho ca trù, cho biết sau khi ca trù trở thành di sản, Viện cũng không có dự án âm nhạc nào với Hà Nội về vấn đề này. Trong khi đó, đúng ra, Viện và các địa phương có nhiều việc cần phối hợp với nhau để thực hiện. Tất nhiên, địa phương thực hiện thế nào, đến đâu thì đó vẫn là trách nhiệm của địa phương. Nhưng với Hà Nội, liên lạc này rất lỏng lẻo. “Cái đó (kết hợp tư vấn chuyên môn - NV) dường như thiếu vắng. Thậm chí có công văn đi nhưng người ta cũng không đáp ứng được. Có một số tỉnh khác tích cực. Nhưng một số trong đó có Hà Nội không đáp ứng được”, ông Toàn cho biết.

Bị bỏ lửng đã chua xót. Nhưng đau xót hơn, ca trù lại bị bỏ lửng ở chính miền đất hứa cho nó - nơi lúc nào cũng lừng lững như một đại trung tâm của ca trù. “Di sản ca trù ở Hà Nội thực sự ghê sớm. Hà Nội là trung tâm, đại trung tâm của ca trù. Nhất là có thêm Hà Đông cũ, thì Hà Nội càng là trung tâm lớn hơn. Toàn vùng ca trù lớn hợp lại. Nhưng Hà Nội hình như không để ý”, ông Loan nói.

Cũng theo ông Loan, ngày ca trù mới được danh hiệu di sản, Hà Nội có nhiều cuộc họp về ca trù, làm thế nào để bảo tồn phát triển nó. Ông Loan tới dự và được nghe một vị Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội hứa cho ca trù địa điểm sinh hoạt, rồi giúp ca trù tổ chức sinh hoạt. Nhưng giờ cũng chưa thấy gì.

Cha chung không ai khóc

Thực ra, ca trù cũng không hẳn là hoàn toàn không phát triển. Cũng vẫn có những nhóm nhỏ nghệ sĩ tự học, tự truyền nghề rồi biểu diễn. Cũng vẫn có lẻ tẻ đêm diễn vinh danh ca trù. Nhưng đêm vinh danh ca trù đẹp đẽ và có uy nhất lại do Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace thực hiện. Trong đêm diễn đó, “tiếng phách trạng nguyên” Kim Đức đã hát trong không gian nghiêm cẩn - được phục dựng như trong giáo phường thuở xưa. Còn những nhóm ca trù nhỏ lẻ khác đều đang phải tự lo, tự tìm, tự thỏa thuận để có chỗ tập, chỗ diễn thường xuyên.

“Ca trù là di sản, nhưng là di sản của cả nước. Có tới 15 tỉnh thành có ca trù. Tóm lại, ca trù nằm ở tình trạng không tỉnh nào chịu trách nhiệm cả. Chứ nếu chỉ là di sản của một tỉnh thôi thì tỉnh đó lại lo. Chẳng hạn, Bắc Ninh đổ tiền vào quan họ, Phú Thọ đổ vào hát xoan, Huế lo cho nhã nhạc. Thậm chí còn có ý kiến rằng thôi để Phú Thọ chủ yếu lo cho hát xoan, trong khi ở đó cũng có ca trù”, ông Loan phân tích.

“Nhưng cái này có lỗi của Bộ. Bộ không tìm ra được phương án hoạt động cho các tỉnh, không đề xuất được với các UBND tỉnh. Ca trù mấy năm nay hầu như người tham gia do tự thích là chính. Tự học. Tự truyền. Tự xây dựng. Nhưng ủng hộ của các tổ chức văn hóa yếu lắm”, ông Loan nói.

Quản lý không đúng bản chất

Sau khi nhận danh hiệu di sản, có những di sản được quản lý bằng cách rất bất thường, không đúng bản chất của nó. Thậm chí có quan chức phát biểu rằng khi được UNESCO công nhận rồi thì phải quản lý chặt chẽ hơn. Cái đó rất sai lầm. Nên hiểu quản lý theo nghĩa là điều phối. Quản lý là định hướng, hỗ trợ trên cơ sở chuyên môn. Họ vẫn tôn trọng chủ thể di sản. Nhưng họ có những nhóm chuyên môn rất sâu, hỗ trợ người dân trong việc bàn công việc.

TS Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu văn hóa

Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130804/bo-be-di-san-ca-tru.aspx