Bỏ biên chế giáo viên: Cần áp dụng với hiệu trưởng để công bằng

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, bỏ biên chế giáo viên không vi phạm luật nhưng phải điều chỉnh để phù hợp và công bằng. Vấn đề này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Trao đổi với Zing.vn xung quanh vấn đề Bộ trưởng GD&ĐT nói sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên, luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty luật Bảo An, Hà Nội cho rằng đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng sự nghiệp giáo dục nước nhà, nên rất cần Quốc hội phải vào cuộc, có một nghị quyết riêng.

Cần có chính sách riêng với giáo viên vùng khó khăn

- Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề Bộ trưởng GD&ĐT nói sẽ thí điểm bỏ biên chế với giáo viên?

- Việc này phải có lộ trình, thí điểm trước khi triển khai chính thức. Đặc biệt, phải có các chính sách riêng đối với giáo viên vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, những thầy cô có thâm niên lâu năm sắp đến tuổi nghỉ hưu…

Cô Phạm Vân gian nan trên con đường đến trường.

- Nếu bỏ biên chế, nhiều giáo viên lo lắng hợp đồng lao động không đủ để đảm bảo quyền lợi cho họ? Quan điểm của anh thế nào?

- Thực ra, lực lượng lao động trong toàn xã hội chỉ có tỷ lệ rất nhỏ trong biên chế, thuộc khối nhà nước, còn lại đa số làm việc theo hợp đồng lao động.

Về nguyên tắc, không có cạnh tranh thì không có động lực để phát triển. Đây là vấn đề mới nên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều cũng là chuyện bình thường.

Xóa biên chế của giáo viên để chuyển sang hợp đồng cũng giống như xóa bỏ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, phải tuân theo quy luật cạnh tranh thì mới có những ngôi trường tốt, những giáo viên tốt.

Chính cơ chế hiện nay đang kìm kẹp những giáo viên có năng lực, có tinh thần phấn đấu. Mặt khác, cơ chế này cũng tạo những lỗ hổng trong quản lý khi giáo viên có trình độ nhưng muốn ổn định thì phải “chạy” biên chế, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực trong ngành giáo dục phát triển.

Thực tế khác là rất nhiều trường tư hiện nay đã xây dựng được thương hiệu tốt, thu hút được người học. Họ đã làm tốt cả 2 vấn đề là giáo dục và kinh tế. Có thể nói thu nhập của giáo viên ở khối trường tư thường cao hơn khối công lập, và trên hết giáo viên ở đây được đãi ngộ tương xứng với năng lực của chính họ.

Phải điều chỉnh để công bằng

- Nếu Bộ trưởng GD&ĐT thực hiện thí điểm bỏ biên chế, điều này có vi phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức hiện tại không?

Luật sư Vũ Tiến Vinh.

- Đây là vấn đề liên quan trực tiếp hàng chục nghìn giáo viên, liên quan gián tiếp hàng triệu người học, có tính bước ngoặt đối với nền giáo dục Việt Nam. Vấn đề này cần phải được Quốc hội thảo luận, thông qua và Quốc hội phải có một nghị quyết riêng về việc thí điểm mô hình này.

Nghị quyết cũng sẽ đề cập thẩm quyền của bộ trưởng cũng như các chức danh quản lý khác trong hệ thống giáo dục, để “danh chính, ngôn thuận”.

Quy định này được luật hóa thì cũng không phải sửa luật, sửa Hiến pháp bởi Hiến pháp năm 2013 không quy định về vấn đề này. Còn đối với Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật viên chức năm 2010 chỉ quy định những nguyên tắc chung về cán bộ, công chức, viên chức chứ không có quy định cụ thể giáo viên nào là công chức, giáo viên nào là viên chức.

Theo quy định của các luật này, có thể hiểu chức danh hiệu trưởng là công chức, các giáo viên chỉ làm công tác chuyên môn là viên chức.

Nói cách khác, xóa bỏ biên chế để chuyển sang hợp đồng chỉ là thay đổi phương thức tuyển dụng và sử dụng lao động chứ không làm thay đổi khái niệm về công chức, viên chức. Do vậy, không cần sửa các luật này.

- Liệu có công bằng không khi bộ trưởng chỉ triển khai bỏ biên chế với giáo viên, còn cán bộ quản lý thì không?

- Theo tôi, sân chơi này cần bình đẳng, hiệu trưởng cũng phải như giáo viên, cũng phải ký hợp đồng lao động. Hiệu trưởng làm không tốt thì cũng phải rời cuộc chơi như các giáo viên khác. Như thế, bản thân hiệu trưởng cũng phải không ngừng phấn đấu để các giáo viên ủng hộ họ khi cơ quan quản lý “lấy phiếu tín nhiệm” đối với hiệu trưởng.

Điều khác biệt là ở chỗ, trong phạm vi nhà trường, hiệu trưởng là người sử dụng lao động, giáo viên là người lao động. Nhưng trong quan hệ quản lý nhà nước, hiệu trưởng cũng chỉ là người lao động, cơ quan quản lý mới là người sử dụng lao động.

Hiệu trưởng sẽ đóng hai vai, vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động. Như vậy, trách nhiệm và áp lực của hiệu trưởng sẽ lớn hơn rất nhiều. Nhưng điều đó là cần thiết bởi vị trí này không dành cho người không có năng lực, không có phẩm chất đạo đức.

- Theo ông, lý do nào phát ngôn của Bộ trưởng GD&ĐT lại gây sốc với dư luận?

- Vấn đề này khá mới nên có thể gây sốc cho một bộ phận giáo viên. Thực tế, trong những năm qua, ngành giáo dục có quá nhiều thay đổi, cũng đã có những sai lầm nên mỗi khi có một chính sách mới, một quy định mới (dù là dự thảo), xã hội cũng hay nhìn nhận theo hướng phản biện, nghi ngờ nhiều hơn là ủng hộ, xây dựng.

Do vậy, phát biểu vừa qua của bộ trưởng cũng không nằm trong ngoại lệ. Còn có vội vàng hay không thì dư luận chính là câu trả lời khách quan nhất.

- Nếu chủ trương bỏ bỏ biên chế đi vào thực tiễn, cơ quan nào có quyền quyết định?

- Như trên tôi đã phân tích, đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng sự nghiệp giáo dục nước nhà, nên rất cần Quốc hội phải vào cuộc, có một nghị quyết riêng về vấn đề này.

Dù thế nào, nghị quyết cũng phải nhận được sự đồng thuận từ đại bộ phận những người làm công tác giáo dục nói riêng cũng như xã hội nói chung. Xây dựng chiến lược này mà mắc sai lầm có thể dẫn đến nền giáo dục vốn đã lạc hậu sẽ nguy hại hơn.

> Chủ đề: Bộ GD&ĐT thí điểm bỏ biên chế giáo viên

Đại biểu Dương Trung Quốc nói về xóa biên chế giáo viên Ông Dương Trung Quốc cho rằng việc xóa biên chế giáo viên sẽ có nhiều tác động tích cực nhưng không dễ thực hiện ở thời điểm này.

Quyên Quyên thực hiện

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bo-bien-che-giao-vien-can-ap-dung-voi-hieu-truong-de-cong-bang-post753867.html