Bỏ biên chế giáo viên: Nhà trường sẽ biến thành doanh nghiệp?

"Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ biên chế giáo viên, nhà trường rồi sẽ như một doanh nghiệp làm kinh tế, hiệu trưởng như chủ doanh nghiệp", thầy giáo Nguyễn Lê nhấn mạnh trong bức thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT.

Những ngày qua, thông tin bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới bỏ biên chế giáo viên khiến rất nhiều thầy, cô giáo hoang mang, lo lắng. Thời điểm năm học 2016 - 2017 sắp khép lại, thầy giáo Nguyễn Lê (sinh sống và công tác tại Hải Dương) đã viết tâm thư gửi tới Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ để nói lên những băn khoăn trước thông tin này.

Giáo viên sẽ trở thành những "người làm công" cho "doanh nghiệp"? (Ảnh minh họa)

Ngay sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, bức tâm thư đã nhận được gần 11.000 lượt chia sẻ với 4.400 bình luận, phần lớn là những ý kiến ủng hộ, tán thành. Báo điện tử Người Đưa Tin xin đăng tải tâm thư của thầy giáo Nguyễn Lê:

"Cuộc đời mỗi một con người, bất kỳ ai, kể cả tôi và Bộ trưởng đều từ những cô, cậu học trò bé nhỏ. Chúng ta lớn dần theo năm tháng rồi trưởng thành, bay vào đời với hành trang kiến thức mà các thế hệ thầy cô trang bị cho chúng ta. Mỗi người một nhiệm vụ, một công việc, một số phận khác nhau. Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì tôi, Bộ trưởng và tất cả mọi người đều khắc ghi công lao to lớn của các thầy, cô giáo. Đó là đạo lý ngàn đời của người Việt Nam.

Buổi tổng kết năm học 2016-2017, bên cạnh niềm vui vẻ, hân hoan, các giáo viên cũng chất chứa những lo âu về vấn đề mà Bộ trưởng đã phát biểu tại Bình Định vừa qua. Đó là việc bộ GD&ĐT hướng tới các xóa bỏ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục thay bằng hình thức hợp đồng. Nếu hai năm liên tiếp giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ thì bị cắt hợp đồng công việc... Có ý kiến nói rằng, nhà trường rồi sẽ như một doanh nghiệp làm kinh tế, hiệu trưởng như chủ doanh nghiệp.

Tôi xin mạo muội hỏi Bộ trưởng một số vấn đề sau:

1. Tại sao các ngành khác như y tế, quân đội, công an... lại không đề cập xóa bỏ viên chức thay bằng hợp đồng như ngành giáo dục?

2. Bộ trưởng có dám cam kết cắt hợp đồng lao động nếu hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ đối với giáo viên, sẽ đảm bảo chính xác, công minh, không oan sai do trù dập của chủ doanh nghiệp (hiệu trưởng) đối với người làm công (giáo viên)?

3. Giáo dục là một ngành đặc thù, đặc biệt quan trọng, đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm sóc. Vậy tại sao bây giờ lại biến thành doanh nghiệp để hạch toán như kinh doanh của các ngành nghề kinh tế khác? Rồi xuất hiện cảnh ông chủ và người làm công. Đừng nên ngụy biện vì cơ chế thị trường mọi ngành nghề phải cạnh tranh bình đẳng. Chỉ nhìn qua đã thấy có gì đó không ổn, người giáo viên bị hụt hẫng, lo âu vì công việc sẽ bấp bênh không ổn định và mặc cảm với danh phận bấy lâu được xã hội đề cao tôn trọng: "Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Thầy, cô như mẹ hiền"... Bỗng một ngày nào đó, các giáo viên bị cắt hợp đồng dạy học, thử hỏi những ảnh hưởng tiêu cực của việc này gây ra sẽ nguy hại và gây nên bất ổn cho xã hội tai hại biết nhường nào?

Những bất công sẽ sinh ra từ cách làm này ở ngay trong nội bộ nhà trường và nội bộ ngành giáo dục, cụ thể là hiệu trưởng lạm quyền.

Bộ trưởng cũng là thầy giáo, giáo viên đứng lớp cũng là thầy giáo, đều cùng một tên gọi mà người biên chế (ông chủ), người hợp đồng (làm thuê) xem nó bất công và vô lý như thế nào. Giáo viên là người dạy trực tiếp, vất vả, lương bổng thấp, lại chịu áp lực trên đe dưới búa kể cả áp lực với phụ huynh, học sinh kiện cáo, học trò cá biệt... Cuộc sống của các thầy cô công tác ở vùng xa, hải đảo còn vô cùng khó khăn, đi lại cách trở.

Nhiều thầy cô phát biểu: Không sợ nghèo khó, không sợ vất vả và thiệt thòi, chỉ sợ không công bằng. Thư Bộ trưởng, Bộ trưởng có nghe thấu lời tâm huyết của những người "lính binh nhì" với "tư lệnh ngành" không?

4. Nếu để quyền lực nằm trong tay hiệu trưởng và sếp trên chỉ đạo, mà không có kiểm soát, giám sát tốt thì xảy ra hậu quả khôn lường.

Thực tế hiện nay, dù có nhiều ban bệ trong nhà trường, các Phòng, Sở, Bộ, các cấp giám sát, thanh tra đột xuất và định kỳ mà còn liên tục xảy ra việc hiệu trưởng tham nhũng, lạm thu,... Người dũng cảm chống tiêu cực gian lận thì chịu bao cay đắng, bị cả đồng nghiệp, học sinh xa lánh vì lo hiệu trưởng nghi ngờ kéo bè chống đối. Xin hỏi Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này và xử lý, khắc phục thế nào?

5. Bộ trưởng có nói sẽ áp dụng thí điểm việc bỏ biên chế ở những trường đủ điều kiện, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới triển khai rộng rãi. Xin thưa Bộ trưởng, nếu thí điểm, tôi tin sẽ thành công, thậm chí thành công to lớn. Rồi cũng như bao lần đổi mới trước đây như mô hình giáo dục VNEN, đề án Ngoại ngữ 2020... thí điểm thành công nhưng áp dụng vài năm lại "chết không thuốc chữa", chấp nhận thất bại, làm rối loạn và tốn kém biết bao nghìn tỷ đồng, gây hoang mang, mất lòng tin của người dân và giáo viên.

Lần này, Bộ trưởng có dám hứa với toàn dân, toàn Đảng, quyết định bỏ biên chế sẽ không thất bại như những lần trước? Nếu thất bại, Bộ trưởng sẽ xử lý như thế nào?

Trên đây là những ý kiến tham khảo và xin được hỏi Bộ trưởng với mục đích trong sáng, mong giáo dục nước nhà sẽ tốt đẹp và thành công".

Nguồn: Facebook Nguyen Le

Mai Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bo-bien-che-giao-vien-nha-truong-se-bien-thanh-doanh-nghiep-a327302.html